31/07/2007 05:04 GMT+7

Giải mật "chiến tranh sáu ngày" kỳ 1: Trước giờ nổ súng

NGUYỄN NGỌC HÙNG tổng hợp
NGUYỄN NGỌC HÙNG tổng hợp

TT - Giai đoạn gần kề cuộc chiến tháng 6-1967, Israel lâm vào một cuộc suy thoái nghiêm trọng cả về chính trị, kinh tế và an ninh, khiến dân chúng có cảm nghĩ rằng đất nước của họ đứng bên bờ suy sụp.

Cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967 - thường được gọi là “chiến tranh sáu ngày” - được người Ả Rập xem là thảm họa lớn nhất đối với họ trong số bốn cuộc chiến tranh giữa người Ả Rập với Israel kể từ khi nhà nước Do Thái ra đời. Bản đồ địa - chính trị Trung Đông biến dạng nghiêm trọng kể từ sau cuộc chiến.

Tròn 40 năm sau “chiến tranh sáu ngày”, hồ sơ mật về cuộc chiến của phía Israel đã được giải mật. Nội tình ban lãnh đạo bộ máy chiến tranh “nổi tiếng” này trong những ngày cận kề cuộc chiến được nhìn nhận một cách chân thực hơn.

cWZBdL0v.jpgPhóng to
Quân đội Israel mừng thắng lợi trên bán đảo Sinai
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Phần lớn người Israel sống trong tâm trạng lo sợ sắp xảy ra một cuộc tấn công tổng lực từ các quốc gia Ả Rập “láng giềng”. Thế là hằng ngày xuất hiện những dòng người đổ về sân bay quốc tế để xuất ngoại. Người ta đi nhiều đến mức có một câu “nhắn nhủ” bi quan phổ biến khi ấy là: “Ai rời sân bay cuối cùng thì nhớ tắt điện”.

Kịch bản “khóa cửa”

Ngày 23-5-1967, tổng tham mưu trưởng quân đội Israel - tướng Ishak Rabin (sau này làm thủ tướng Israel) - mời thủ tướng Levi Ashkul đến Bộ Tổng tham mưu dự cuộc họp các tướng lĩnh để đánh giá tình hình quân sự mới xuất hiện sau tuyên bố hôm trước của tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser “đóng cửa” eo biển Tiran đối với các tàu của Israel. Đây là cửa biển huyết mạch để Israel thông thương ra Hồng Hải. Rabin muốn dùng cuộc họp này để buộc Ashkul phải thay đổi lập trường từ chối việc tuyên chiến với Ai Cập.

Các tướng lĩnh ủng hộ chủ trương gây sức ép của Rabin gồm tư lệnh hội đồng tham mưu trưởng Waytsman, tư lệnh không quân Mardakhai Hud, cục trưởng tình báo quân đội Ahrun Yaref và tư lệnh lữ đoàn trù bị miền nam Ariel Sharon (về sau cũng làm thủ tướng Israel). Các tướng lĩnh đến cuộc họp này đều muốn thuyết phục Ashkul tuyên chiến tức khắc với Ai Cập. Thậm chí, Sharon và một vài tướng khác còn nghĩ tới khả năng tổ chức đảo chính quân sự ngay tại cuộc họp nếu thủ tướng không chấp nhận tuyên chiến.

Kịch bản của họ là đồng loạt rút ra khỏi phòng họp, để thủ tướng cùng các đồng sự của ông lại trong phòng rồi khóa cửa nhốt họ ở đó. Tiếp theo, các tướng lĩnh sẽ đưa ra “những quyết định cần thiết” mà rồi ai cũng sẽ cho rằng đó chính là quyết định của thủ tướng. Sau đó, Ashkul sẽ được thả ra và phải đối diện với một thực tế là chiến tranh đã bùng nổ.

Các tướng lĩnh, quyết liệt nhất là Sharon, từng chuẩn bị cho cuộc chiến tranh này từ nhiều năm trước. Sau “chiến tranh ba bên” (Anh, Pháp và Israel) đánh Ai Cập năm 1956, phe tướng lĩnh Israel đã bất bình vì thủ tướng quyết định rút khỏi bán đảo Sinai với cái giá “quá rẻ”. Thủ tướng đầu tiên của nhà nước Israel David Ben Gorion khi ấy cũng trấn an rằng không phải mọi mơ ước đều có thể đạt được, bởi chính ông từng mơ có một nhà nước Israel với biên giới phía đông là sông Jordan, phía tây nam kéo qua dải Gaza đến hết bán đảo Sinai và phía bắc là sông Litani ở nam Libăng.

Nhưng các tướng lĩnh thì không hề từ bỏ giấc mộng lãnh thổ bao la ấy. Tài liệu lịch sử còn ghi nhận trong phiên họp đầu tiên của chính phủ do Ashkul làm thủ tướng vào tháng 6-1963, tổng tham mưu trưởng quân đội khi ấy là tướng Tzifi Tzu vẫn nói rằng “đường biên giới tối ưu” của Israel phải là kênh Suez ở phía tây nam, sông Jordan ở phía đông và sông Litani ở phía bắc. Ít tháng sau cuộc họp ấy, một kế hoạch đánh chiếm khu vực Bờ Tây sông Jordan và khu đông thành phố Jerusalem đã được vạch ra.

AW72Ymry.jpgPhóng to
Tướng “độc nhãn” Mosheh Dayan (giữa) trong “chiến tranh sáu ngày”
Hành động phiêu lưu

Tháng 8-1966, có một sự kiện tối quan trọng với quân đội Israel: Cơ quan tình báo Mossad của Israel đã “chiếm được” một máy bay chiến đấu MIG 21 của Liên Xô, và nhờ đó lần đầu tiên phương Tây biết được những bí mật về loại máy bay ưu việt này. Chiếc MIG 21 ấy thuộc quân đội Iraq. Viên phi công tên là Munee’r Radfa đã bị Mossad tuyển mộ làm đặc tình, sau đó chống lệnh của Chính phủ Iraq ném bom khu vực người Kurd ở miền bắc Iraq và lái máy bay đào thoát sang Israel.

Sự kiện này khiến tinh thần quân đội Israel được khích lệ cao độ. Người Israel coi chiến công này là có ý nghĩa chiến lược, mang lại lợi thế cho họ trong cuộc đối đầu với người Ả Rập. Nó càng thúc đẩy tâm lý chiến tranh cuồng nộ trong giới tướng lĩnh Israel.

Từ đầu năm 1966, Israel đã lâm vào một cuộc suy thoái kinh tế ngày càng trầm trọng. Nguyên nhân căn bản của tình trạng này là sự giảm sút bất thường dòng người Do Thái di cư trở về Israel, dẫn đến đình trệ thị trường bất động sản và xây dựng. Bất ổn về kinh tế và chính trị khiến dòng người di tản ra nước ngoài đông hơn dòng người trở về chính quốc.

Tình hình nghiêm trọng đến mức chính phủ phải ban hành một dự luật qui định di trú thuộc phạm vi an ninh quốc gia, và buộc mọi người muốn xuất cảnh phải được phép của quân đội. Trong tình hình như vậy, các vụ va chạm quân sự lại nổi lên ở biên giới với Syria. Tranh chấp lớn nhất giữa Israel với Syria thời gian ấy là nguồn nước. Trong cuộc chiến năm 1956, Israel đã chiếm hai làng trong khu phi quân sự bên phía biên giới Syria nhằm làm “ông chủ” thượng nguồn sông Jordan.

Đến năm 1964, Israel thực hiện kế hoạch nắn dòng thượng nguồn sông Jordan, khiến dòng chảy này gần như nằm trọn trong vòng kiểm soát của nhà nước Do Thái. Thủ tướng Ashkul từng viết trong hồi ký coi nguồn nước như là máu đối với cơ thể Israel, tướng “độc nhãn” Mosheh Dayan cũng công nhận Israel đã gây ra nhiều vụ va chạm với Syria chỉ nhằm buộc nước này phải từ bỏ nguồn nước và vùng đất xung quanh nguồn nước ấy.

Ngày 7-4-1967, Syria bắn vào hai chiếc xe ủi của Israel xâm phạm khu phi quân sự. Rabin lợi dụng sự kiện này phóng đại lên khi điện thoại thông báo cho Ashkul: “Chính mắt tôi trông thấy họ (Syria) đã nã đại bác về phía chúng ta như thế nào!”. Rồi Rabin hỏi thủ tướng: “Vậy có tiếp tục cho xe ủi làm việc nữa không?”, đồng thời lại hét lên trong điện thoại: “Đấy, họ lại nã đạn nữa đấy!” khi Ashkul chưa kịp trả lời.

Thủ tướng lập tức bị kích động, cho phép các xe ủi tiếp tục làm việc và ra lệnh cho quân đội pháo kích đáp trả. Rabin lại lấn tới hỏi xem có được dùng không quân không, Ashkul đồng ý, nhưng căn dặn không được đánh vào dân thường. Thế là máy bay chiến đấu Israel xuất kích. Ngay trong cuộc đụng độ đầu tiên, không quân Israel đã bắn hạ sáu chiếc MIG của Syria, trong đó bốn chiếc rơi gần thủ đô Damas của Syria.

Sự kiện trên được dư luận Israel tung hô nồng nhiệt. Báo chí nhất loạt ngợi ca quân đội đồng thời công kích chính phủ. Chính Ashkul cũng bị phấn khích bởi thắng lợi của cuộc không chiến này. Ông ta bèn khuếch trương thắng lợi, ra lệnh tổ chức diễu binh lớn tại khu tây Jerusalem nhân ngày quốc khánh (15-5) năm ấy. Đây là cuộc diễu binh đầu tiên được tổ chức tại thành phố tranh chấp này kể từ khi thành lập nhà nước Israel năm 1948.

Cũng có người không tán thành một hành động có tính chất khiêu khích như thế đối với thế giới Ả Rập. Điển hình là tướng Mosheh Dayan - người được coi là “anh cả” của các tướng lĩnh Israel. Dayan cho rằng việc bắn rơi sáu máy bay Syria là “một hành động phiêu lưu không được tính toán trước”. Còn Ben Gorion thì coi vụ này là “một sự tuyên chiến chống Syria”, nước được Liên Xô trợ giúp hết mình và Liên Xô cũng sẽ coi đó là một hành đông khiêu khích đối với họ.

Chiến tranh Israel - Ả Rập

“Chiến tranh sáu ngày” (5 đến 10-6-1967), còn gọi là chiến tranh Israel - Ả Rập, là cuộc chiến giữa Israel và các “láng giềng” Ai Cập, Jordan và Syria. Iraq, Saudi Arabia, Kuwait và Algeria cũng góp quân và vũ khí cho lực lượng Ả Rập.

Ngày đầu tiên, Israel chỉ sử dụng không quân, sau đó bắt đầu dùng xe tăng tiến chiếm Sinai. Ngày thứ hai, Israel tấn công tiêu diệt lực lượng thiết giáp của Ai Cập và chiếm được Sham El-Sheikh - địa danh kiểm soát cửa biển Tiran. Trên mặt trận phía đông, quân đội Israel ào ạt tràn sang Bờ Tây sông Jordan, chiếm thành phố Nablus và chuẩn bị tiến vào khu đông Jerusalem. Đồng thời, cánh quân Israel ở phía bắc tiến vào cao nguyên Golan.

Đến ngày thứ ba, Israel chiếm trọn thành phố Jerusalem. Quân đội Ai Cập ở mặt trận này tan rã từng mảng, hàng trăm binh sĩ bị lạc giữa sa mạc mênh mông và bỏ xác vì đói khát. Trong các ngày thứ tư, thứ năm và thứ sáu của cuộc chiến, quân đội Israel tập trung vào mặt trận Golan. Họ đã chiếm được cao nguyên chiến lược này mặc dù bị tổn thất nặng nề vì sự chống trả quyết liệt của quân đội Syria.

Trong vòng sáu ngày, Israel có 779 người chết, các nước Ả Rập có 21.000 người thiệt mạng.

oOo

Tướng “độc nhãn” Mosheh Dayan được bổ nhiệm bộ trưởng quốc phòng. Chính phủ mới ra đời năm ngày trước khi chiến tranh bùng nổ. Cũng lúc ấy, Washington “bật đèn xanh”.

Kỳ tới: “Nội các chiến tranh”

NGUYỄN NGỌC HÙNG tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp