"Quyết định Jerusalem" của ông Trump sẽ có những hệ quả mang tính lâu dài - Ảnh: AFP
Có thể nói phần lớn thế giới bối rối trước quyết định của Tổng thống Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, mở đường dời Đại sứ quán Mỹ về đây.
Tại sao ông Trump lại "cho không" thứ mà các vị tiền nhiệm giữ để làm đòn bẩy đàm phán hòa bình Israel - Palestine? Tại sao lại mắc công đưa ra lời giải thích (như hôm qua ở Nhà Trắng) không ai hoan nghênh và thậm chí có thể làm bùng phát bạo lực?
Nhưng đó là nhìn vấn đề qua sai lăng kính, theo nhận định của chuyên gia Heather Hurlburt - cố vấn cấp cao tổ chức Mạng lưới An ninh quốc gia trụ sở tại Washington.
Sau đây là giải thích của bà Hurlburt vốn cũng là cựu trợ lý của Tổng thống Bill Clinton và Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright.
Người biểu tình Palestine tải một người bị thương đi cấp cứu sau cuộc đụng độ với binh sĩ Israel ở gần đường biên giới phía nam Dải Gaza ngày 7-12 - Ảnh: REUTERS
Một phần bối cảnh quan trọng của "quyết định Jerusalem" đó là ông Trump - giống các vị tiền nhiệm, phải ký một sắc lệnh trì hoãn cứ mỗi 6 tháng để giữ Đại sứ quán Mỹ ở Tel Aviv (thay vì dời về Jerusalem theo luật 1995 thông qua bởi Quốc hội Mỹ).
Giống như những gì chúng ta chứng kiến với Thỏa thuật hạt nhân Iran (gia hạn mỗi 4 tháng), ông Trump luôn tỏ ra miễn cưỡng khi phải đặt bút ký những văn bản ông không đồng ý. Không đơn thuần là quan điểm, ông đã nâng nó lên mức độ của một nguyên tắc đạo đức.
Trong bài diễn văn ở Nhà Trắng ngày 6-12, Tổng thống Mỹ mô tả "quyết định Jerusalem" là "điều cần phải thực hiện" và "một bước đi trễ hẹn để thúc đẩy tiến trình hòa bình".
Cách hiểu tốt nhất của lối diễn đạt này, đó là ông Trump đang áp dụng chiến thuật mang đến thành công ở quê nhà lên một vấn đề toàn cầu.
Hiển nhiên, thủ đô hành chính của Israel nằm ở Jerusalem, các nhà ngoại giao Mỹ cũng dành phần lớn thời gian ở đó. Nhưng trước nay đâu quốc gia nào công nhận hay dời đại sứ quán về Jerusalem!
Một phần do quốc tế hiểu ngầm với nhau (một cách đầy hy vọng) rằng một ngày nào đó, đàm phán hòa bình sẽ đi đến công nhận Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine.
Hình ảnh cờ Israel và cờ Mỹ trên bức tường bao quanh khu phố Cổ ở Jerusalem tối 6-12 - Ảnh: REUTERS
Điều trớ trêu là hành động "công nhận" của ông Trump soi sáng một số thực tế vốn lâu nay bị các quan chức Washington phớt lờ.
Trong hơn hai thập kỷ, các nhân vật chính ở Washington luôn xuôi theo kịch bản "Mỹ là nhà hòa giải trung lập (của xung đột Israel - Palestine)", mặc dù các chính quyền Dân chủ lẫn Cộng hòa đều nghiêng về phía Israel.
Nhưng bây giờ Tổng thống Trump không còn muốn "diễn" nữa, thay vào đó ông muốn vắt tối đa lợi ích của việc ngả theo phe Israel.
Một cách lặng lẽ, "sự thật giả dối" càng lúc càng phơi bày: Tiến trình hòa bình Israel - Palestine dưới sự dẫn dắt của Mỹ - theo cách nó được hình dung cách đây 25 năm ở Oslo (Na Uy) - đã chết.
Nó đã chết còn vì một sự thật khác, tuy không nói lên nhưng ai cũng nhìn thấy: Hơn một thập kỷ qua, chẳng còn mấy ai quan tâm cuộc xung đột Israel - Palestine, ngoại trừ người Palestine.
Mỹ, Saudi Arabia và Israel đã và đang hành xử với quan điểm cuộc xung đột không còn là mối quan tâm an ninh chính của họ - hay bất cứ quốc gia khu vực nào. Đối với liên minh này, mục tiêu chính là Iran, và Palestine chỉ là "chất xúc tác" hoặc đòn bẩy.
Thực tế trên khiến Mỹ và Saudi Arabia tin rằng bất cứ phản ứng nào của người dân Trung Đông sau "quyết định Jerusalem" sẽ chỉ giới hạn hoặc có thể kiểm soát. Những lời "than phiền" mang tính kiềm chế của chính quyền Riyadh cho thấy họ đã chấp nhận (dù miễn cưỡng) quyết định của Mỹ.
Các vụ biểu tình nổ ra tối thứ tư (6-12) chủ yếu ở các quốc gia phản đối chính sách chống Iran của Saudi Arabia (như Thổ Nhĩ Kỳ) hoặc ở các nước cho phép tự do biểu tình và phát ngôn (Tây Âu).
Nếu phản ứng công luận yếu ớt, ông Trump có thể đánh dấu chiến thắng. Và thậm chí ngược lại, ông vẫn thắng kiểu khác: Biểu tình càng bạo lực bao nhiêu, ông có thể thuyết phục các cử tri tin rằng ông bảo vệ họ khỏi Hồi giáo cực đoan. Saudi Arabia và nhà nước chuyên chế ở Trung Đông có thể nói với người dân "đấy, nếu không phải chúng tôi lãnh đạo thì chỉ có hỗn loạn".
Tất nhiên, khi đó người ta sẽ nói với người Palestine rằng họ không xứng đáng có một Nhà nước.
Người Hồi giáo tập trung cầu nguyện và phản đối quyết định của Mỹ liên quan đến Jerusalem ở gần lãnh sự quán Mỹ tại TP Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ tối 6-12 - Ảnh: REUTERS
Nhưng sau tất cả những tính toán đó, nỗi thất vọng cùng cực của người Palestine, chủ nghĩa hoài nghi Ảrập và cơn giận của các nước châu Âu có thể mang những hệ quả tiêu cực khó lòng mà đo đếm đối với Mỹ.
Tuần này, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel lên tiếng chỉ trích "quyết định Jerusalem" của Mỹ và nhắc đến "giới hạn của sự đoàn kết" trong quan hệ Mỹ - Đức.
Hệ quả có thể muôn vàn: Berlin bớt tham gia các nhiệm vụ quân sự của Mỹ; giảm tài trợ cho các đồng minh Mỹ ở Trung Đông; không lên tiếng bênh vực Israel ở Liên Hiệp Quốc...
Đức sẽ không cô độc. Khi đó, bất cứ hệ quả nào của "quyết định Jerusalem" sẽ được truyền thông Mỹ mổ xẻ một cách tận tình, bây giờ thì chưa, nhưng cứ từ từ.
Mỹ cũng lo về phản ứng của thế giới
Hãng tin Reuters đã tiếp cận một văn bản của Bộ Ngoại giao Mỹ, ghi ngày 6-12, cho biết bộ trên đã thành lập một nhóm đặc nhiệm "để theo dõi những diễn biến toàn cầu" sau tuyên bố về Jerusalem của Tổng thống Donald Trump.
Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết việc thành lập nhóm đặc nhiệm là thông thường "mỗi khi có quan ngại về sự an toàn và an ninh của nhân viên Chính phủ hay công dân Mỹ".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận