27/10/2015 15:48 GMT+7

Giải mã kẹt xe cửa ngõ Tân Sơn Nhất: kế sách của dân

VÕ HƯƠNG
VÕ HƯƠNG

TTO - Hằng ngày phải vượt nhiều "ải" kẹt xe: đường Trường Chinh, giao lộ Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám, ngã tư Bảy Hiền, Lăng Cha Cả, các nẻo đường ra vào cổng sân bay Tân Sơn Nhất, người dân hiến kế ra sao?

Mưa lớn gây kẹt xe trước cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất (ảnh chụp tại giao lộ Hoàng Vân Thụ, Nguyễn Văn Trỗi chiều tối 23-10) - Ảnh: Hữu Khoa

 

Bố trí tuyến đường đã hợp lý chưa?

Nhiều bạn đọc đề xuất trong khu vực các điểm kẹt xe nên không cho xe dừng đậu đón trả khách (kể cả xe bus, nên dừng ở tuyến trên một chút) trong các giờ cao điểm. Tăng cường lực lượng CSGT, lắp các Camera giao thông để tích cực phạt nguội, phạt thật nặng những phương tiên không chấp hành.

Câu chuyện  đề xuất nên thi công đường Phạm Văn Đồng từ vòng xoay Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm vào sân bay như quy hoạch phê duyệt năm 1999 của TTCP, chứ không phải kiểu cổ chai như bây giờ (khu vực sân bay rất nhiều nút giao cắt cổ chai và giao nhau kiểu bàn cờ...). Lối vào sân bay là Trường Chinh và Phạm Văn Đồng (6 làn xe như quy hoạch 1999 của TTCP), mở một lối ra hướng về Gò Vấp/ khu vực sân golf.

"Ngày xưa Ngã 3 Chú Ía (đoạn đuôi công viên Hoàng Minh Giám), đường bé tí tẹo, có bao giờ nghe nói kẹt xe nghiêm trọng đâu? Ngày nay vòng xoay, đường mở rộng trên 60 m, vòng xoay cả trăm mét, ngã 3 xưa nay thành ngã 8 thì kẹt xe khủng khiếp. Vấn đề kẹt xe ở đây là tại đường hẹp hay đường rộng, hay do ta bố trí các tuyến đi không hợp lý?" - bạn đọc Minh Tâm nói.

Các bạn đọc cũng cho rằng nên lập các trạm xe buýt cho sân bay đi ra các hướng An Sương, Ngã 6 Gò vấp, Bến xe Miền Đông, Bến xe Miền Tây và vài điểm trong nội thành...Cộng với phải có các bãi giữ xe máy, xe hơi.. Như vậy hành khách có thể trung chuyển tại những nơi đó vào ra sân bay sẽ giãm đáng kể lượng xe vào sân bay.

Ngoài ra, sân bay Tân Sơn Nhất tiếp giáp rất nhiều đường (Quang Trung, Tân Sơn, Hoàng Hoa Thám, Cộng Hoà ...) bạn đọc cũng đề nghị mở các cửa ra vào từ các đường này, với chi phí rất rẻ chỉ cần thêm nhân viên, nếu được như vậy tin chắc sẽ giảm tắc đường và người dân các hướng này sẽ thuận tiện nhiều thay vì phải đi vòng như hiện nay!

Phát triển cho tốt xe công cộng để hạn chế xe cá nhân

Theo bạn đọc Thanh Tâm thì kinh nghiệm gần đây cho thấy, càng mở rộng đường càng tăng kẹt xe. Bạn đọc này cho rằng nên học hỏi các nước châu Âu, họ xây ít đường, mà đặc biệt ưu tiên phát triển giao thông công cộng như xe bus, xe điện.

Chỉ có Mỹ ưu tiên cho việc phát triển đường bộ vì kinh tế Mỹ phát triển dưạ trên việc sản xuất xe hơi. Thật vậy, khi đường phát triển càng rộng, người dân càng mua xe riêng và cứ thế kẹt xe và xây đường liên tục quay vòng.

Kết quả toàn bộ ngân sách nhà nước chắt chiu có được phải dồn vào việc xây dựng giao thông, trong khi các nhu cầu khác như giáo dục, y tế quốc phòng v.v... cũng cần không kém.

Kinh nghiệm cho thấy sau khi có đường Phạm Văn Đồng thì khu vực Hoàng Minh Giám kẹt cứng. Giải pháp tình thế và giải pháp lâu dài quy hoạch, cải tạo và xây mới thêm một số đường nhánh nhỏ, một chiều chung quanh khu vực kẹt xe.

Hạn chế mở rộng thêm đường, vì càng mở rộng càng kẹt thêm. Đó là phương pháp " By Pass". Thay vì cố tình thông một điểm kẹt người ta xây dựng nhiều đường nhỏ hơn để đi vòng qua.

Người dân sẽ phải đi xa hơn, lâu hơn nhưng vẫn còn hơn phải chôn chân ở một góc đường. Cũng như dân châu Âu chấp nhận lội bộ và đi xe bus hơn là chôn chân ở các giao lộ bé xíu.

Ngoài ra, theo ý kiến của nhiều người dân, TP.HCM nên định hướng giãn dân ra các vùng lân cận TP.HCM. Nên di dời một số bệnh viện, trường học, các cơ quan lớn ra các quận ven. Đẩy nhanh tiến độ hình thành nhiều cụm cao ốc văn phòng vệ tinh nằm tại các khu Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp để các tập đoàn công ty cũng dời bớt ra ngoài, như vậy sẽ giảm lượng xe vào trung tâm. 

Nhiều bạn đọc còn cho rằng vấn nạn kẹt xe xảy ra, không chỉ ở các thành phố lớn ở Việt Nam mà cả các nước có hệ thống giao thông tiên tiến trên thế giới. Chỉ khác có một điểm là vấn đề điều tiết ở các nước được xử lý bằng đèn xanh hợp lý trên các tuyến có mật độ giao thông dày vào đúng thời điểm, từ trung tâm điều phối cộng với sự có mặt của cảnh sát giao thông, để tránh trường hợp giao thông thiếu ý thức. Có xây bao nhiêu cầu, mở thêm bao nhiêu đường đi nữa cũng không thể tránh được kẹt xe. Mà đây chỉ là kẹt xe cục bộ, sao lại không xử lý được?

Tự điều chỉnh văn hóa giao thông

Nhiều bạn đọc nói trước khi đề nghị cơ quan chức năng giải quyết vấn nạn kẹt xe thì bản thân mỗi người dân Sài Gòn nên tự điều chỉnh mình trong lưu thông trên đường.

"Hình như chúng ta cũng có "văn hóa" gây kẹt xe cho mọi người và cho mình cái quyền không cho người khác chạy. Đón con đi học về chạy xiên chạy xéo gây kẹt xe, chạy từ nhà hàng tiệc cưới ra ngược chiều gây kẹt xe, dừng đèn đỏ lấn qua chiều ngược lại không cho người đi đúng chiều chạy, dẫn đến ùn tắc. Và cứ thế là dẫn đến ùn tắc giao thông. Giải pháp đầu tiên là làm thay đổi thái độ sống với cộng đồng và xã hội trước" - một bạn đọc lên tiếng.

 

 

VÕ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp