29/12/2024 12:38 GMT+7

Giải mã Kênh đào Panama - Kỳ 2: Người Mỹ thay Pháp đào kênh Panama

Năm 1894, tử tước người Pháp Viscount Ferdinand Marie de Lesseps (1805-1894) qua đời sau phiên tòa kết tội ông cùng con trai và các cộng sự vì thất bại ở Panama.

Giải mã Kênh đào Panama - Kỳ 2: Người Mỹ thay Pháp đào kênh Panama - Ảnh 1.

Việc kênh đào Panama được thông sẽ có địa thế chiến lược ở Trung Mỹ vả ảnh hưởng cả thế giới - Ảnh: Daily Mail

Nỗ lực hơn 10 năm họ thực hiện dự án kênh đào nhân tạo vĩ đại này đành phải bỏ dở. Cùng năm ông Lesseps mất, công ty Pháp thứ hai là Compagnie Nouvelle du Canal de Panama được thành lập để tiếp tục dự án lại nhanh chóng thất bại.

Đây cũng là thời điểm bình minh thế kỷ 20 và người Mỹ đã tiếp tục công việc khơi tạo một thủy lộ vĩ đại nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.

Người Mỹ vào cuộc

Thật ra từ thế kỷ 19, Mỹ cũng như các cường quốc hải quân Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha... đã rất quan tâm các hải lộ để phát triển giao thương cũng như tác động đến các vùng đất mới.

Đặc biệt, ngay nước Mỹ, nếu có một con kênh đào như Panama sẽ rút ngắn được hơn nửa hải trình khi so với đường biển tự nhiên đi từ bờ đông giáp Đại Tây Dương sang bờ tây giáp Thái Bình Dương phải vòng qua mũi Cape Horn ở Chile, Nam Mỹ.

Nhiều năm trước khi thay Pháp làm kênh đào Panama, Mỹ cũng đã nhắm đến thủy lộ khác băng qua Nicaragua để nối Thái Bình Dương và Đại Tây Dương nhằm phục vụ cả hai mục đích hải quân và kinh tế cho một thế lực quốc tế mới nổi như Mỹ.

Tuy nhiên dự án "anh em song sinh với kênh đào Panama" này đã không thể thực hiện được vì có nhiều ý kiến "bàn lùi".

Trong đó có cả ý kiến Nicaragua là quốc gia núi lửa sẽ gây nguy hiểm cho việc thi công đào kênh cũng như việc vận hành, tu bổ kênh về sau.

Một nhân vật đặc biệt là kỹ sư Philippe Jean Bunau Varilla, người Pháp từng tham gia kỹ thuật trong nỗ lực đào kênh Panama trước đó của tử tước Viscount Ferdinand Marie de Lesseps.

Giải mã Kênh đào Panama - Kỳ 2: Người Mỹ thay Pháp đào kênh Panama - Ảnh 2.

Tử tước người Pháp Viscount Ferdinand Marie de Lesseps thất bại ở kênh đào Panama để sau đó người Mỹ tiếp tục việc ông dở dang - Ảnh: Wikipedia

Những năm cuối thế kỷ 19, tham vọng của Pháp thất bại nhưng kỹ sư Bunau Varilla vẫn không từ bỏ khao khát khai mở đường thủy này.

Ông trực tiếp lẫn gián tiếp thông qua các nhà ngoại giao và thương nhân để tác động giới lập pháp Mỹ về viễn cảnh lợi ích to lớn và lâu dài khi có kênh đào Panama.

Chính ông là người "bàn lùi" rằng Nicaragua có núi lửa nguy hiểm, không nên đào kênh qua đây và Panama là lựa chọn khả thi hơn nhiều.

Rào cản Colombia

Cuối cùng, người Mỹ đã chuyển hướng đến Panama nhưng lại gặp trục trặc với Colombia thời điểm đó vẫn đang "bảo hộ" Panama.

Năm 1902, Thượng viện Mỹ chuẩn thuận thương vụ mua lại dự án kênh đào dở dang của Pháp, nhưng Colombia lại không đồng ý cho phép Mỹ xây dựng kênh đào vì họ sợ mất "chủ quyền" và lợi ích của mình ở đây.

Thế là thế lực chính trị và quân sự hùng mạnh Mỹ dưới thời Tổng thống thứ 26 Theodore Roosevelt đã ngả sang hỗ trợ người dân bản địa Panama kháng chiến chống sự kiểm soát của chính quyền Colombia.

Sự nổi dậy này được gọi là phong trào Separatist Junta do các đại điền chủ Panama thống nhất đấu tranh dưới quyền của nhà lãnh đạo Manuel Amador Guerrero nhằm "giải phóng" Panama khỏi Colombia.

Đặc biệt trong đó có cả vai trò rất lớn của kỹ sư Pháp Philippe Jean Bunau Varilla, người vẫn quyết tâm thực hiện kênh đào dù đã trải qua hai lần thất bại.

Ban đầu chính quyền Colombia quyết định trấn áp, đưa quân đội mà chủ yếu là theo tuyến đường sắt mới mở đến giải tán phong trào nổi dậy.

Tuy nhiên chính người Mỹ lại xây dựng và quản lý tuyến đường sắt này nên quân đội Colombia đã bị chặn đường hành quân. Trong khi đó các chiến hạm áp đảo của Mỹ cũng áp sát bờ biển, sẵn sàng khai hỏa ủng hộ người Panama nổi dậy...

Giải mã Kênh đào Panama - Kỳ 2: Người Mỹ thay Pháp đào kênh Panama - Ảnh 3.

Người Mỹ đã từ bỏ toan tính đào kênh qua Nicaragua, để chọn lựa ở Panama

Quân đội Colombia đành phải "xuống thang". Ngày 3-11-1903, Panama tuyên bố độc lập thì chỉ ba ngày sau đó, ngoại trưởng Mỹ đương nhiệm John Hay và kỹ sư Bunau Varilla làm đại diện cho chính phủ lâm thời Panama đã thỏa thuận Hiệp ước Hay-Bunau Varilla liên quan đến kênh đào.

Mỹ nhanh chóng công nhận nền độc lập non trẻ của Cộng hòa Panama. Hiệp ước Hay-Bunau Varilla cũng vội vã được Mỹ và Panama ký cho phép Mỹ sở hữu độc quyền đối với khu vực kênh đào Panama rộng hơn 1.300km².

Mỹ có trách nhiệm chi trả cho Panama 10 triệu USD, sau đó có thỏa thuận trả thêm cho hiệp ước này. Đồng thời Mỹ cũng chi trả 40 triệu USD để mua lại dự án dở dang của Pháp.

Các sử gia cho rằng việc người Mỹ thay Pháp tiếp tục thực hiện dự án kênh đào Panama có nỗ lực của nhiều người từ các chính khách, nhà thầu, quân đội... nhưng hai nhân vật có vai trò rất quan trọng là kỹ sư Philippe Jean Bunau Varilla và Tổng thống Theodore Roosevelt.

Trong khi kỹ sư người Pháp nỗ lực vận động các công ty Mỹ tiếp tục làm dự án người Pháp bỏ dở, thì Tổng thống Theodore Roosevelt vừa công khai vừa ngầm ủng hộ như hỗ trợ phong trào nổi dậy của người dân Panama để công ty Mỹ có thể vào đây.

Giải mã Kênh đào Panama - Kỳ 2: Người Mỹ thay Pháp đào kênh Panama - Ảnh 4.

Công nhân đào kênh Panama bằng sức người năm 1885 thời công ty Pháp còn làm dự án - Ảnh: Daily Mail

Tầm nhìn Tổng thống Theodore Roosevelt

Tổng thống Theodore Roosevelt (1858-1919) có tám năm lãnh đạo nước Mỹ từ 1901-1909 trong thập niên bình minh thế kỷ 20, một thế kỷ bước ngoặt nhân loại của cả các cuộc đại chiến và phát triển nhảy vọt trên nhiều lĩnh vực.

Ông từng làm phó tổng thống rồi lên làm tổng thống ở tuổi 42 trẻ nhất của Mỹ sau khi Tổng thống đương nhiệm William McKinley bị ám sát.

Từng học Đại học Havard, đam mê khám phá, khoa học, viết sách và trải qua nhiều công việc, vị trí khác nhau, đặc biệt là chỉ huy quân đội nên Tổng thống Theodore Roosevelt có tính cách mạnh mẽ và tầm nhìn rộng về địa chính trị thế giới.

Ông chính là người phát triển tầm ảnh hưởng của Mỹ ở vùng Trung Mỹ với điểm nhấn ủng hộ dự án xây dựng kênh đào Panama.

Với kinh nghiệm lãnh đạo hải quân Hoa Kỳ, Tổng thống Theodore Roosevelt có tầm nhìn đúng đắn về sự cần thiết khai mở một thủy lộ cho tàu bè rút ngắn hải trình từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương, tất nhiên chủ yếu phục vụ các tàu buôn và chiến hạm Mỹ đang phát triển mạnh mẽ ở thời kỳ các cường quốc hải quân lùi dần vào suy thoái.

Nếu các cuộc đại chiến xảy ra, kênh đào Panama sẽ có vị thế chiến lược với Mỹ và thực tế đã hoàn toàn đúng như vậy ngay từ Thế chiến thứ nhất và Thế chiến thứ hai.

Sau khi hoàn tất các thủ tục cấp phép theo Hiệp ước Hay-Bunau Varilla, năm 1904 các nhà thầu Mỹ bắt đầu thực hiện dự án kênh đào Panama. Họ đã đưa đến nhiều máy móc mới hơn thời tử tước người Pháp Viscount Ferdinand Marie de Lesseps làm.

Đặc biệt là các kỹ sư của họ cũng bỏ phương án đào kênh sâu tự nhiên theo mực nước biển vốn rất khó khăn mà ban đầu ông Lesseps đã chọn, để thay bằng phương pháp âu thuyền nâng ở hai đầu.

Tuy nhiên, tiềm lực hùng mạnh và phương pháp đào kênh hiện đại của Mỹ cũng không thể giúp họ hoàn toàn tránh khỏi những khó khăn, thiệt hại nặng nề như người Pháp đã từng sa lầy ở công trình vĩ đại này.

Nếu như thế kỷ 19 Mỹ đã hoàn toàn xếp lại toan tính đào kênh băng qua Nicaragua nối gần Thái Bình Dương và Đại Tây Dương thì đến đầu thế kỷ 21, phương án này lại được bàn bạc nhằm làm một kênh đào nhân tạo thứ hai ở vùng Trung Mỹ đủ sức cạnh tranh với kênh đào Panama vốn luôn quá tải. Dự án mới này có bóng dáng của người Trung Quốc.

----------------------

Hàng chục ngàn công nhân được hải thuyền Mỹ chở đến từ các quốc gia khác nhau và họ lại tiếp tục bỏ mạng ở công trình kênh đào Panama.

Kỳ tới:Hiểm họa rắn rết, muỗi độc và sạt lở

Giải mã Kênh đào Panama - Kỳ 2: Người Mỹ thay Pháp đào kênh Panama - Ảnh 3.Giải mã Kênh đào Panama - Kỳ 1: Hai lần thất bại cay đắng của người Pháp

Mỹ và Panama có 'ân oán' gì mà tổng thống sắp nhậm chức Donald Trump gây sóng gió khi tuyên bố lấy lại kênh đào huyết mạch nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp