22/01/2025 09:21 GMT+7

'Giải mã' học trò trường thường, trường vùng sâu đạt học sinh giỏi quốc gia

Trong khi ở các tỉnh thành phía Bắc, hầu hết học sinh giỏi quốc gia đến từ các trường THPT chuyên thì ở phía Nam, không ít học sinh đến từ trường thường (không chuyên).

Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT: Giải mã hiện tượng trường thường - Ảnh 1.

Học sinh Trường THPT Trưng Vương, TP.HCM - một ngôi trường THPT thường có học sinh giỏi quốc gia năm nay - trong lễ khai giảng năm học 2024-2025 - Ảnh: Đ.K

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố kết quả kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2024-2025. Kết quả này gây "sốt" khi không chỉ chênh lệch số lượng giải học sinh giỏi quốc gia, chênh lệch số lượng "thủ khoa" 13 môn thi giữa miền Bắc và miền Nam mà cơ cấu học sinh đạt giải giữa hai miền cũng trái ngược nhau.

"Hiện tượng trường thường" ở các tỉnh phía Nam

Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học này có 18/63 tỉnh thành chỉ có học sinh từ các trường chuyên đạt giải, hoàn toàn không có học sinh từ các trường THPT thường. Đa số các tỉnh thành này ở khu vực phía Bắc, miền Trung.

Trong bảng thống kê các trường THPT thường có học sinh đạt giải quốc gia năm học 2024-2025, TP.HCM dẫn đầu về số trường THPT không chuyên có học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia với 12 trường.

Đáng nói là năm học 2024-2025, TP.HCM có 16/18 trường THPT thường có học sinh tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia (2 trường còn lại là 2 trường THPT chuyên gồm: THPT chuyên Lê Hồng Phong và THPT chuyên Trần Đại Nghĩa). Như vậy, số lượng trường THPT thường ở TP.HCM có học sinh đạt giải quốc gia cao với 12/16 trường có học sinh tham dự cuộc thi.

Đáng chú ý trong đó không ít trường lần đầu có học sinh tham gia trong đội tuyển học sinh giỏi quốc gia đã giành thành tích như: THPT Trưng Vương, THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa, THPT Phú Nhuận, Trường THCS-THPT Đức Trí (trường tư thục) đã có học sinh đạt giải.

Cũng theo thống kê này, các tỉnh còn lại hầu hết đều thuộc khu vực phía Nam, miền Trung - Tây Nguyên, ngoại trừ Hà Nội xếp thứ hai với 11 trường THPT thường có học sinh đạt giải.

Đặc biệt nhất là tỉnh Sóc Trăng. Tuy chỉ có 28 giải học sinh giỏi quốc gia nhưng học sinh 9 trường THPT không chuyên của tỉnh đạt 12 giải, số còn lại đến từ trường chuyên.

Học sinh trường không chuyên tỉnh Vĩnh Long cũng đóng góp 6/17 giải học sinh giỏi quốc gia của tỉnh này. Cà Mau và một số tỉnh phía Nam khác cũng có số lượng đóng góp giải quốc gia từ các trường THPT thường khá nhiều.

Như vậy, trong khi hầu hết học sinh đạt giải quốc gia ở các tỉnh thành phía Bắc đến từ trường chuyên thì ở phía Nam, không ít học sinh đến từ trường thường đạt giải.

Vì sao?

Trường THPT Trưng Vương, quận 1, TP.HCM là một trường THPT thường có học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia năm học 2024-2025. Ông Nguyễn Đăng Khoa, hiệu trưởng, cho biết tuy là năm đầu tiên kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia có thêm môn thi tiếng Nhật nhưng nhà trường đã mạnh dạn chọn học sinh vào đội tuyển và may mắn học sinh này đã đạt giải quốc gia trong kỳ thi năm nay.

"Đối với một trường bình thường, việc học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia phải là kết quả từ nhiều phía. Đó là từ năng lực của học sinh, từ sự tận tụy của thầy cô bồi dưỡng đội tuyển, chủ trương của nhà trường coi trọng việc đào tạo mũi nhọn của các môn và sự hỗ trợ nhiều mặt từ Sở Giáo dục và Đào tạo.

Việc có mũi nhọn học sinh giỏi sẽ khích lệ tinh thần học tập rất nhiều trong cán bộ, giáo viên, học sinh nên trường cũng rất chú trọng và may mắn là kết quả năm nay cũng khiến chúng tôi phấn khởi", ông Khoa thông tin.

TP.HCM dẫn đầu cả nước trong cả bảng xếp hạng số lượng học sinh đạt giải quốc gia và có nhiều học sinh từ trường THPT thường đạt giải trong kỳ thi năm nay. Tổng số giải thưởng học sinh giỏi quốc gia mà TP.HCM đạt được qua 3 năm đã tăng lên khoảng gấp 3 lần. Năm 2023 TP.HCM có 60 giải học sinh giỏi quốc gia; năm 2024: 110 giải và đến năm 2025 tăng lên 166 giải.

Ông Nguyễn Bảo Quốc - phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM - cho biết từ năm học 2023-2024, TP.HCM chú trọng đổi mới công tác giáo dục mũi nhọn, từng bước khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng đội tuyển nhằm đạt mục tiêu đề ra. Trong đó tập trung đổi mới cách tuyển chọn học sinh giỏi thành phố, quốc gia, đổi mới cách bồi dưỡng, đào tạo.

"Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi, chúng tôi mời chuyên gia, giảng viên, nhà khoa học để cùng tham gia đào tạo cho học sinh thuộc đội tuyển thành phố thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Tăng cường chỉ đạo các trường chuyên thực hiện đúng nhiệm vụ của mình trong công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh chuyên.

Bên cạnh đó, chúng tôi quy tụ nhiều nguồn lực trong công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi như mời các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, các thầy cô giáo đóng góp ý kiến để công tác này ngày càng tốt hơn", ông Quốc chia sẻ.

Theo PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP.HCM, việc có nhiều trường THPT thường ở miền Nam có học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm nay đã chứng tỏ một điều: các tỉnh, thành miền Nam đã chú ý nhiều hơn đến sự phát triển đồng đều giữa các trường THPT, trong đó có đầu tư cho công tác giáo dục mũi nhọn.

Tạo điều kiện cho học sinh trường thường

Theo ông Nguyễn Bảo Quốc, TP.HCM thực hiện tuyển chọn cân đối giữa số lượng, chất lượng, đảm bảo tất cả học sinh học lớp chuyên được tham gia học tập và thi chọn đội tuyển tham dự giải quốc gia, thi học sinh giỏi thành phố.

Đồng thời Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cũng tạo điều kiện cho các học sinh xuất sắc trong các trường phổ thông tham gia chọn đội tuyển.

Nhờ "hạt giống tốt"

Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT: Giải mã hiện tượng trường thường - Ảnh 2.

Thầy Phạm Việt Hưng, hiệu trưởng Trường THPT Đầm Dơi, tặng quà động viên các học sinh giỏi - Ảnh: T.HUYỀN

Trường THPT Đầm Dơi là trường thuộc huyện vùng sâu vùng xa của tỉnh Cà Mau. Tuy vậy, những năm qua nơi đây là "cái nôi" sinh ra nhiều học sinh giỏi quốc gia. Chỉ tính trong 5 năm gần đây, trường này đã có đến 8 em đạt học sinh giỏi quốc gia. Trong đó, có 1 học sinh đạt giải nhì môn vật lý (nhóm 3 học sinh điểm cao nhất), 2 học sinh đạt giải ba môn sinh học và môn văn.

Thầy Phạm Việt Hưng - hiệu trưởng Trường THPT Đầm Dơi - cho biết không chỉ có năm nay trường mới có học sinh giỏi quốc gia mà điều này đã trở thành truyền thống của nhà trường.

"Để có được kết quả đó phải kể đến sự đồng lòng của tập thể giáo viên trường trong việc phát hiện, đào tạo và định hướng các em. Sự nỗ lực vươn lên trong học tập của các em, hỗ trợ của phụ huynh học sinh cũng là một trong những yếu tố tạo nên thành tích này.

Học sinh của trường có truyền thống hiếu học và các em được quan tâm chăm bồi từ nhỏ. Nó như là những "hạt giống tốt", khi gặp môi trường thuận lợi sẽ nảy mầm và phát triển", thầy Hưng nói.

Ông Nguyễn Quốc Khởi (cha của Nguyễn Nhật Duy, vừa đạt giải khuyến khích học sinh giỏi quốc gia môn sinh học) cho biết rất vui mừng vì con đạt thành tích trong học tập.

"Tôi nghĩ có được kết quả này một phần là công giảng dạy của các thầy cô giỏi ở trường và một phần là tinh thần tự học, cố gắng của em. Duy tự lập lên huyện ở trọ học tập từ năm lớp 10. Duy tự nấu ăn, tự lo bài vở, chuyện sắp xếp thời gian biểu để học tập được tôi rèn cho con từ năm tiểu học, không cần gia đình nhắc nhở", ông Khởi chia sẻ.

Cô Trịnh Hải Minh, giáo viên môn văn của Trịnh Gia Huy, lớp 12A1 Trường THPT Đầm Dơi (vừa đạt giải ba học sinh giỏi quốc gia), cho biết dạy một học sinh học tốt không khó nhưng để dạy một học sinh đạt học sinh giỏi quốc gia không phải là điều dễ dàng.

"Các em học sinh giỏi của trường đã có kiến thức nền rất tốt do được đào tạo tốt từ các cấp học dưới. Bắt đầu từ lớp 10, trường đã chia ra những lớp chuyên. Tuy nhiên, trong quá trình giảng dạy mình phải theo dõi và phát hiện các em có năng khiếu môn nào thì tiếp tục chăm bồi định hướng cho các em trong những năm tiếp theo.

Điều kiện vùng sâu vùng xa nên việc tiếp cận sách vở, thông tin của các em còn hạn chế. Điều cốt yếu là mình phải tự trau dồi, cập nhật thêm kiến thức mới để bổ sung cho các em, tập cho các em tính phản biện vấn đề để rèn các em thoát khỏi tính nhút nhát, tự tin thể hiện chính kiến của mình", cô Minh chia sẻ.

Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT: Giải mã hiện tượng trường thường - Ảnh 3.Học trò vùng sâu đoạt giải học sinh giỏi quốc gia

Những ngày đầu năm 2025, thầy trò Trường THPT Đầm Dơi (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) ngập tràn niềm vui khi trường có hai học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp