28/01/2016 11:05 GMT+7

Giải mã gốm Chu Đậu - Kỳ 4: “Bùi Thị Hý bút”

THÁI LỘC - TRẦN MAI
THÁI LỘC - TRẦN MAI

TT - 13 chữ Hán trên chiếc bình gốm Chu Đậu ở Bảo tàng Topkapi Saray Istanbul là khởi nguồn để tìm về một dòng gốm nổi danh của người Việt.

Viên gạch khắc hình và chữ được cho là hình nhân của cụ tổ nghề gốm Chu Đậu Bùi Thị Hý - Ảnh: Thái Lộc
Viên gạch khắc hình và chữ được cho là hình nhân của cụ tổ nghề gốm Chu Đậu Bùi Thị Hý - Ảnh: Thái Lộc

Nhưng suốt nhiều năm qua, bốn chữ “Bùi Thị Hý bút” hình thành hai luồng ý kiến đối chọi “nảy lửa”.

Một bên chứng minh rằng có một bà cụ tổ nghề gốm Chu Đậu tên là Bùi Thị Hý và chiếc bình do chính tay cụ viết/vẽ. Bên còn lại thì cho rằng “họ Bùi vẽ chơi”...

Những vật chứng

Người đầu tiên lên tiếng chứng minh có một bà tổ nghề gốm Chu Đậu tên là Bùi Thí Hý là nhà nghiên cứu Tăng Bá Hoành, nguyên giám đốc Bảo tàng Hải Dương.

Tiếp chúng tôi tại nhà, ông kể về một buổi chiều đông năm 2006, đang ở nhà thì có hai người đàn ông trung niên đem đến một xấp văn bản chữ Hán nói là gia phả họ Bùi ở thôn Quang Tiền (xã Đồng Quang, huyện Gia Lộc, Hải Dương), trên đó có ghi chữ Bùi Thị Hý, cái tên mà ông từng công bố trên một tạp chí trước đó.

Tức tốc về ngay làng Quang Tiền, ông liên tục phát hiện nhiều văn bản, hiện vật quý giá, khẳng định bà Bùi Thị Hý là cụ tổ nghề gốm Chu Đậu danh tiếng.

Câu chuyện từ nhà ông Hoành được tiếp nối bằng chuyến đi đến thôn Quang Tiền. Tiếp đón chúng tôi là ông Bùi Văn Lợi, người được kể từng mang gia phả dòng họ đến nhà ông Hoành.

Con đường làng ở thôn Quang Tiền đẹp như một bức tranh thủy mặc lôi cuốn chúng tôi với những ao nước xanh biếc và những hàng cây dọc lối đi. Dừng lại ở một căn nhà giữa làng nằm cạnh hai cái ao lớn, ông Lợi giới thiệu đó là nơi ở xưa của bà Bùi Thị Hý.

Vào trong nhà có rất nhiều gốm hoa lam phế phẩm. Ông Lợi đưa ra hai viên gạch cỡ lớn, trên có khắc hình, được ông Hoành giới thiệu là hình nhân của cụ tổ Bùi Thị Hý và danh tướng Bùi Quốc Hưng - một trong 18 người tham gia hội thề Lũng Nhai mà sử sách ghi lại.

Hình khắc chìm trên viên gạch có nét tương tự với bức tượng gốm tìm thấy trong con tàu đắm Cù Lao Chàm, được ông Hoành khẳng định: “Đây là cơ sở gốc để chứng minh bức tượng tàu Cù Lao Chàm là của cụ tổ nghề gốm Bùi Thị Hý!”.

Vật chứng tiếp theo là một cái mâm đồng cháy sém một phần, ông cho biết đó là “văn bia mộ chí của bà Bùi Thị Hý, được sao từ bia đá vào năm 1932”.

Ngoài ra còn có một vật gốm khác dài chừng 50cm, cũng có khắc chữ Bùi Thị Hý... Dẫn chúng tôi đến ngôi chùa làng “Viên Quang tự”, ông chỉ vào cột trúc đài cổ bằng đá thời Lê dựng trước chùa có ghi chữ “Bùi Thị Húy Hý”.

Ông Hoành cho biết còn nhiều văn bản nữa đủ để chứng minh bà Bùi Thị Hý là cụ tổ nghề gốm. Theo đó, đầu thế kỷ 15, tướng Bùi Quốc Hưng đã dẫn đầu một cánh quân về tại Quang Ánh (tên cũ của làng Quang Tiền) lập nên một căn cứ để khởi nghĩa chống quân Minh.

Trong nhiều ngành nghề đem theo có nghề gốm, mà người cháu nội của Bùi Quốc Hưng là Bùi Thị Hý học được, về sau trở thành nghệ nhân, chủ lò và thành doanh nhân, xuất khẩu gốm đi khắp thế giới...

Bà Hý mồ côi từ nhỏ, được ông nội nuôi dạy, từng giả trai đi thi đến tam trường. Bà có hai đời chồng, trước là Đặng Sĩ, sau mất mới lấy Đặng Phúc, đều là “đại gia” nghề gốm làng Chu Đậu (cách Quang Ánh chừng 25km)...

Chiếc mâm đồng được cho là khắc bia mộ cụ tổ gốm Chu Đậu Bùi Thị Hý. Bên phải là ông Tăng Bá Hoành và bên trái là ông Bùi Văn Lợi - Ảnh: Thái Lộc
Chiếc mâm đồng được cho là khắc bia mộ cụ tổ gốm Chu Đậu Bùi Thị Hý. Bên phải là ông Tăng Bá Hoành và bên trái là ông Bùi Văn Lợi - Ảnh: Thái Lộc

“Viết đúng sự thật!”

Cuộc khảo sát ở thôn Quang Tiền tưởng chừng đã nắm được những chứng cứ thuộc hàng “quốc bảo” của một nghề nổi danh thế giới một thời nên chúng tôi trở về Hà Nội.

TS Nguyễn Đình Chiến, nguyên phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử VN, cho rằng những hiện vật có chữ viết mà chúng tôi tiếp cận nêu trên có niên đại rất muộn.

“Những tư liệu mang tính hư cấu, chúng tôi không tin. Tự dạng đầy đủ được tra trong từ điển là “họ Bùi vẽ chơi”. Không thể ép lấy cái tượng trong tàu Cù Lao Chàm gán cho bà Bùi Thị Hý được!”.

Tra kỹ tư liệu thu thập được, chúng tôi giật mình vì chữ “đại” trên cột trúc đài nét quá khác, mới và sắc so với nhiều chữ khác.

Trong khi nhiều chữ viết khác bị phong hóa, mòn mờ theo thời gian thì nhiều chữ, gồm cả cụm “Bùi Thị Húy Hý” có nhiều nét khắc dựa trên sự lồi lõm của mặt đá đã bị phong hóa...

Liên lạc lại để đề nghị cho tiếp cận các văn bản cổ, ông Bùi Văn Lợi giới thiệu chúng tôi đến gặp ông Phí Văn Chiến, chủ tịch hội đồng họ Phí của VN (nhà nghiên cứu Tăng Bá Hoành cho rằng họ Bùi làng Quang Tiền vốn là họ Phí được đổi họ dưới thời nhà Trần).

Tiếp chúng tôi tại văn phòng Phí tộc ở Mỹ Đình, Hà Nội, sau khi trao đổi, ông Chiến cho rằng không phải ai ông cũng tiếp.

Ông giới thiệu nhiều về dòng họ và bà Bùi Thị Hý qua các ảnh chụp tư liệu treo quanh phòng. Ông rất nặng lời về những người cho rằng những chứng cứ là ngụy tạo, rằng “không ai ngụy tạo nên cụ tổ dòng họ”...

Chúng tôi tiếp tục bày tỏ mong muốn xem văn bản gốc chứng minh điều đó, ông đến trước bàn thờ bên trên có hai tượng đồng lớn, thắp ba cây nhang. Bảo chúng tôi cầm đứng trước bàn thờ, ông “khẩn báo với tổ tiên nhà họ Phí”.

Rằng: “Hai cháu Thái Lộc và Trần Mai, phóng viên báo Tuổi Trẻ, từ Huế và từ Quảng Ngãi ra, tiếp xúc với những văn bản thuộc loại mật xung quanh vấn đề thủy tổ gốm Chu Đậu, danh nhân, doanh nhân, nhà hàng hải, họa sĩ Bùi Thị Hý. Sau khi có ý kiến của con, con sẽ cho Bùi Văn Lợi giúp các cháu một số tài liệu liên quan đến bà cụ...!”.

Ông Chiến chỉ cho xem bốn văn bản. Ông nói còn một tấm bản đồ bằng da có từ thời Lê, chúng tôi đề nghị được xem thì ông gạt phắt: “Tôi trả lời luôn là không được! Là tối mật. Nó liên quan tới rất nhiều chuyện.

Nhưng mà vì cái quốc gia này đang có những vấn đề như thế. Mà những nhà khoa học với các bác còn những vấn đề như thế. Còn có những người cho rằng bác ngụy tạo. Cho nên bác kệ... chúng mày!”.

Tức tốc về lại Hải Dương, ông Bùi Văn Lợi mang ra chiếc hộp có bản lụa được cho là gia phả đã bị mủn nát chỉ còn đôi chữ Hán sót lại; sáu trang chữ Hán được cho là gia phả chép lại; một văn bản chữ Hán khác gồm 17 trang và “bia mộ chí” chính là chiếc mâm đồng đã được tiếp cận đợt trước.

Chúng tôi tiếp tục đi khảo sát quanh làng để hỏi về việc có nơi nào có vết tích gốm ở nền móng hay tát ao, vét đầm hay không, tất cả đều lắc đầu: “Gốm sứ à, đến nhà ông Lợi ấy!”.

Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh, chuyên gia hàng đầu về gia phả, nhận xét thể thức của gia phả khá lạ, không như thường thấy ở những nơi khác.

Cách viết và dùng từ trên các văn bản không như các văn bản thường thấy cùng thời, một số chữ trong đó ghi theo lối của thời nay.

Theo một giảng viên chuyên ngành Hán - Nôm ở Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội), những mặt của cột trúc đài có cả chữ xưa, bị phong hóa lẫn chữ mới khắc vào sau này.

Đặc biệt, trên hình nhân gốm được cho là của danh tướng Bùi Quốc Hưng, lối viết không giống lối thời xưa. Chữ “thần” (trong công thần) thay vì là bề tôi thì lại khắc chữ thần trong “thần bí”.

Trong loạt bài viết này, chúng tôi đành phải hẹn với bạn đọc câu trả lời chữ “Hý” trên chiếc bình là tên riêng hay chơi/đùa trong một dịp khác. Bởi vì “một nửa sự thật không phải là sự thật” và những tư liệu hiện vật chúng tôi tiếp cận được còn có điểm đáng ngờ, chưa đủ khẳng định tính xác thực đến mức nào.

__________

Kỳ tơi: Chiếc bình quốc bảo

THÁI LỘC - TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp