Mặc dù được sống trong một xã hội được đánh giá là hạnh phúc nhất thế giới, giới trẻ Phần Lan như chị Kirsi-Maria và anh Jonne vẫn cho rằng người dân vẫn có lúc bị trầm cảm và bệnh lý này không thể được coi là một “điều cấm kỵ” mà bỏ qua - Nguồn : Maddy Savage/BBC
“Bạn thật sự có cảm giác rằng mình chỉ đơn giản là phải hạnh phúc và phải tận dụng được tất cả những cơ hội có thể khi đang còn trẻ. Vì xã hội có thể thật sự mang đến cho bạn hình ảnh hạnh phúc đó...”.
Chị Kirsi-Marja Moberg, 34 tuổi, một bệnh nhân được chẩn đoán trầm cảm ở tuổi thanh thiếu niên, giải thích: "Mọi chuyện trước đây đều ổn, nhưng hiện nay nhiều người gần như đang sống trong tâm trạng là mình không được quyền buồn chán trong một đất nước như Phần Lan, nơi có mức sống rất cao. Bạn thật sự có cảm giác rằng mình chỉ đơn giản là phải hạnh phúc và phải tận dụng được tất cả những cơ hội có thể khi đang còn trẻ. Vì xã hội có thể đã thật sự mang đến cho bạn hình ảnh hạnh phúc đó".
Theo nhiều chuyên gia, người dân Phần Lan, cả nam lẫn nữ đều cảm thấy khó khăn khi phải tự nhìn nhận, phải chấp nhận và phải đến bệnh viện để chữa trị những triệu chứng về rối loạn tinh thần, những biểu hiện của chứng trầm cảm.
Lý do dường như đến từ áp lực việc Phần Lan được Liên Hiệp Quốc công nhận là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới và những điều "cấm kỵ" cố hữu ở xã hội này vốn không cho phép than vãn về sức khỏe tâm thần đã khiến người dân bị bó buộc.
Theo một báo cáo năm 2018 của Hội đồng bộ trưởng Bắc Âu và Viện nghiên cứu về hạnh phúc Copenhagen, có gần 16% phụ nữ Phần Lan tuổi từ 18 đến 23 và 11% nam thanh niên được xác định là "gặp khó khăn" hoặc "đau khổ" trong cuộc sống.
Còn có một yếu tố khác gây trầm uất, đó là mặc dù tỉ lệ thất nghiệp chung so với các quốc gia khác là rất thấp nhưng vẫn rất cao nếu tính riêng ở giới trẻ.
Bác sĩ trẻ Jonne Juntura, 27 tuổi, người đã bị trầm cảm trong vòng 6 tháng qua, khẳng định: "Dù Phần Lan là nước hạnh phúc nhất thế giới theo các chỉ số thống kê, nhưng điều này không nói lên được tất cả. Vì trầm cảm là một bệnh lý không phải lúc nào cũng liên quan đến hoàn cảnh sống".
Nhiều chuyên gia về sức khỏe tâm thần khẳng định rằng kể từ khi có chiến dịch toàn quốc về phòng ngừa ý định tự tử vào năm 2016, điều "cấm kỵ" này đã được đề cập thẳng thắn hơn. Người dân bớt áp lực hơn khi gặp phải các vấn đề trầm cảm và rối loạn lo âu.
Theo bác sĩ Jonne Juntura, "ở một góc độ nào đó người dân bắt đầu nhận thức được sức khỏe tâm thần là một vấn đề xã hội quan trọng. Hiện nay còn nhiều việc phải làm, nhưng tôi luôn lạc quan".
Theo báo cáo thường niên của Liên Hiệp Quốc tháng 3-2019, có nhiều tiêu chí để đánh giá một quốc gia hạnh phúc, như GDP bình quân đầu người, các hỗ trợ xã hội, tuổi thọ… và lần đầu tiên kể từ năm 2012, tiêu chí về hạnh phúc của những người nhập cư được đưa vào.
Ông John Helliwell, đồng biên soạn báo cáo, giải thích: "Điều ngạc nhiên nhất trong báo cáo mới nhất này, đó là sự hài hòa hoàn hảo giữa hạnh phúc của những người nhập cư và hạnh phúc của những người được sinh ra tại quốc gia đó".
Người dân Phần Lan hẳn có nhiều lý do để hạnh phúc. Họ thụ hưởng một nền giáo dục miễn phí, chính sách nghỉ hộ sản rất hào phóng, sự hài hòa giữa công việc và cuộc sống cá nhân khi người dân có đủ thời gian và điều kiện để vui chơi giải trí.
80% người dân nói họ tin tưởng vào cảnh sát, vào hệ thống giáo dục và hệ thống chăm sóc y tế. Xã hội Phần Lan cũng rất bình đẳng, lối sống của người giàu và người nghèo về cơ bản không có gì khác nhau. Mức độ hưởng thụ giữa công dân nam và nữ cũng không chênh lệch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận