Điểm nóng kẹt xe nút giao thông An Phú (quận 2): thực trạng và giải pháp đề xuất - Đồ họa: Việt Thái - T.Thiên |
Nút giao thông An Phú: nỗi khiếp đảm trước dòng xe kẹt mấy km
Tình trạng kẹt xe ở đây xảy ra như “cơm bữa” bởi đường Mai Chí Thọ là trục đường cho xe tải, xe container được lưu thông 24/24 giờ ra vào các cảng biển Tân Cảng Cát Lái - chiếm hơn 40% lượng hàng hóa cả cảng biển cả nước và các nhà máy khu vực này.
Không chỉ kẹt xe, dòng xe tải, xe container qua lại tấp nập nút giao An Phú suốt ngày đêm cũng là hiểm họa giao thông kinh sợ với xe máy qua lại nơi đây - Ảnh: M.C |
Nút An Phú cũng là điểm đầu từ trung tâm TP vào đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây; xe qua lại hoa mắt ngày đêm.
Tương tự, kẹt xe nhiều ở hướng từ đường cao tốc ra đường Mai Chí Thọ quẹo trái về đường hầm sông Sài Gòn và hướng đi thẳng qua đường Lương Định Của có mặt đường bị bóp lại. Đồng thời, kẹt xe nhiều xảy ra ở hướng từ đường Mai Chí Thọ quẹo trái vào đường cao tốc TP HCM Long thành - Dầu Giây.
Theo một cán bộ Ban quản lý dự án đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây - thuộc TCT đầu tư phát triển đường cao tốc VN (chủ đầu tư dự án đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây), nguyên nhân kẹt xe là do thiết kế nút giao thông bằng mức (giao thông trên mặt bằng đường, không có cầu vượt, hầm chui) nên không đáp ứng lượng xe qua nút giao này.
Trong khi đó, theo qui hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phải là nút giao thông khác mức (có cầu vượt hoặc hầm chui). Thế nhưng do TP bàn giao mặt bằng đoạn 4 km đầu đường cao tốc và yêu cầu xây dựng nút giao thông An Phú là nút giao thông bằng mức. Vì vậy ngay sau khi đưa đường cao tốc vào sử dụng thì xảy ra kẹt xe trầm trọng tại nút giao thông này.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết tình trạng quá tải xảy ra tại nút giao thông này chủ yếu là vào giờ cao điểm. Giải pháp trước mắt là tăng cường lực lượng điều tiết giao thông, kết hợp điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu giao thông hợp lý.
Về lâu dài xây dựng nút giao thông khác mức (cầu vượt, hầm chui) tại đây.
Ông Trần Chí Trung - giám đốc Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn-đơn vị quản lý đường Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt (Q.1, 2, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh), trong đó có nút giao thông An Phú cho biết, sau khi xảy ra vụ kẹt xe trầm trọng vào dịp tết 2015, đơn vị đã cho điều chỉnh đèn tín hiệu và sau đó đã lắp đặt camera quan sát giao thông tại đây.
Đồng thời, ứng dụng công nghệ điều khiển từ trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông cho phù hợp với thực tế giải tỏa ùn tắc. Trong đó, trung tâm đưa ra 8 “kịch bản” điều khiển tín hiệu giao thông tại đây nên đã giảm bớt kẹt.
Mới đây, đơn vị quản lý tuyến đường Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt vừa bắt tay vào khởi công cải tạo nút giao thông An Phú với kinh phí hơn 2 tỷ đồng để giải quyết kẹt xe.
Theo đó cắt xén một phần tiểu đảo để xe từ đường Mai Chí Thọ quẹo trái vào đường cao tốc, mở rộng đầu giao lộ đường Lương Định Của và mở một đường quẹo phải từ Mai Chí Thọ vào đường cao tốc, dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào cuối tháng 11-2015 sẽ làm giảm kẹt xe tại nút giao thông An Phú.
Chuyện điều chỉnh thiết kế khu vực nút giao An Phú là chuyện thường ngày. Ảnh chụp sáng 3-11 - Ảnh: M.C |
Tuy nhiên về lâu dài vẫn phải xây dựng cầu vượt tại nút giao thông này - ông Trung cho biết.
Còn theo bạn? - Nên thực hiện giải pháp như Sở Giao thông vận tải TP đề xuất. - Nên thực hiện giải pháp như đơn vị quản lý đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ đề xuất. - Có nên xây dựng ngay cầu vượt. - Giải pháp nào hay hơn các giải pháp trên? |
Ngã tư Thú Đức: Kẹt xe ngay dạ cầu vượt chống kẹt
Nút giao thông ngã tư Thủ Đức (Q.9 - Q.Thủ Đức) là trục đường cửa ngõ phía đông TP HCM. Cầu vượt đưa vào sử dụng tháng 1-2013 đã giảm phần nào kẹt ôtô ở xa lộ Hà Nội.
Thế nhưng, nhiều người đi xe gắn máy “ấm ức” vì chiếc cầu không cho xe gắn máy đi, trong khi đến giao lộ này phải chịu cảnh ùn ứ mệt mỏi. Tương tự, những người đi ôtô, xe gắn máy từ đường Võ Văn Ngân - Lê Văn Việt và ngược lại cũng không hài lòng vì có cầu vượt rồi mà ùn ứ xe vẫn diễn ra hàng ngày dưới dạ cầu .
Nguyên nhân ùn ứ xe tại khu vực này là có lúc đèn tín hiệu giao thông không hoạt động và không có sự điều tiết của CSGT. Đồng thời do giao cắt giữa dòng xe đi thẳng từ đường Lê Văn Việt qua đường Võ Văn Ngân xung đột với dòng xe từ Võ Văn Ngân rẽ trái ra Xa lộ Hà Nội. Bên cạnh đó, do dòng xe giao cắt giữa các xe rẽ phải từ giao lộ Võ Văn Ngân - Lê Văn Chí gây ùn xe ảnh hưởng đến đường Xa lộ Hà Nội. Ngoài ra tại khu cầu vượt không có điểm quay đầu xe.
Ngay khi khởi công xây dựng cầu vượt này, một số chuyên gia cho rằng nó không giải quyết kẹt xe tại đây vì chưa được xây dựng cầu vượt, hầm chui hoàn chỉnh.
Trước đó, Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP –CII đã đề xuất phương án xây dựng hầm chui cho 8 làn xe chạy thẳng trên xa lộ Hà Nội và xây dựng cầu vượt bên trên hầm chui cho hướng xe chạy từ đường Lê Văn Việt - Võ Văn Ngân.
Mới đây UBND TP đã giao cho CII nghiên cứu để xây dựng hoàn chỉnh nút giao thông này.
Sở Giao thông vận tải TP đề xuất: lắp đặt camera quan sát giao thông để kịp thời thông báo cho các lực lương liên quan xử lý khi xảy ra ùn ứ xe tại giao lộ. Thực hiện cải tạo, làm điểm quay đầu xe trước giao lộ (dưới dạ cầu) để giảm lượng xe quay đầu tại giao lộ.
Đóng điểm dải phân cách tại giao lộ Võ Văn Ngân - Lê Văn Chí; kéo dài dãi phân cách từ tim đường Lê Văn Việt - Quang trung nhằm điều tiết các xe từ đường Quang Trung theo đường Nguyễn Cư Trinh ra xa lộ Hà Nội. Về lâu dài xây dựng thêm một cầu vượt thép trên Xa Lộ Hà Nội để tăng khả năng thông xe qua giao lộ.
Theo bạn, điểm nóng ngã tư Thủ Đức ngoài cảnh sát giao thông túc trực, cần những dãi phân cách, điều chỉnh đèn tín hiệu giao thông như đề xuất của Sở GTVT? - Xây dựng hoàn chỉnh nút giao thông này như thế nào? |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận