Theo số liệu công bố ngày 18-6 của Tổ chức Y tế công cộng Anh (PHE), số ca nhập viện tăng gấp đôi ở Anh trong tuần qua - Ảnh: EPA
Theo Hãng tin Bloomberg, với tỉ lệ tiêm chủng đang tăng nhanh trong các nhóm dân cư dễ tổn thương, đặc biệt tại những nước giàu, mối liên hệ giữa số ca bệnh với số ca tử vong vì COVID-19 đã giảm.
Do đó, trọng tâm hiện nay là học cách chung sống với COVID-19 và dựa vào các thông tin quan trọng nhất để tránh phong tỏa.
"Có thể chúng ta sẽ chuyển sang giai đoạn chỉ theo dõi số ca nhập viện" - bà Jennifer Nuzzo, chuyên gia dịch tễ học của Trung tâm nguồn lực chống COVID-19 thuộc ĐH Johns Hopkins, cho biết.
Bài kiểm tra ở Anh
Trước khi chiến dịch tiêm chủng diễn ra ở Anh, Mỹ và châu Âu, mỗi đợt tăng vọt các ca bệnh gần như luôn trở thành một đợt tăng đột biến số người nhập viện và số ca tử vong trong nhiều tuần.
Áp lực lên hệ thống y tế buộc lãnh đạo các nước phải áp đặt những biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, theo đó gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân và các hoạt động kinh tế.
Hiện nay, giới khoa học và giới chức chính phủ đang theo dõi xem liệu chiến dịch tiêm chủng diện rộng có thể giúp phá vỡ tình thế nói trên hay không.
Những gì diễn ra ở Anh được xem là bài kiểm tra quan trọng nhất cho vấn đề này.
Anh đã tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 46% dân số, giúp giảm số ca tử vong theo ngày xuống mức thấp nhất kể từ mùa hè năm ngoái.
Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế công cộng Anh (PHE) ngày 18-6, số ca mắc biến thể Delta (phát hiện lần đầu ở Ấn Độ) đã tăng gấp đôi trong tuần qua. Tỉ lệ nhập viện cũng tăng cao do hầu hết bệnh nhân chưa tiêm chủng đầy đủ.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đầu tuần trước đã quyết định kéo dài thời gian áp dụng các biện pháp chống dịch thêm 4 tuần, tới 19-7, để tạo điều kiện cho nhiều người trưởng thành được tiêm liều vắc xin COVID-19 thứ hai.
Tuy nhiên, ngay cả khi virus lây cho trẻ em và những người trưởng thành trẻ chưa tiêm chủng, bài kiểm tra thật sự của chiến dịch tiêm chủng và miễn dịch ở Anh vẫn là xem liệu số ca nhập viện và tử vong có giảm xuống mức thấp hay không.
Nếu ở mức thấp, COVID-19 sẽ không còn là một đại dịch không thể kiểm soát mà sẽ giống hơn với một loại bệnh theo mùa kiểu như cúm. Theo Hãng tin Bloomberg, đó là mục tiêu của các nhà hoạch định chính sách.
"Chúng ta hướng tới việc sống chung với virus này như cách chúng ta sống chung với cúm" - Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock phát biểu trước Quốc hội hồi tuần trước.
Các nhà khoa học nói việc so sánh mức độ phổ biến của COVID-19 với cúm - căn bệnh khiến khoảng 650.000 người chết mỗi năm trên toàn cầu - sẽ là thước đo quan trọng trong mùa thu và mùa đông năm nay.
Đại dịch đã giết hơn 3,8 triệu người trên toàn cầu kể từ đầu năm 2020. Tuy nhiên, sẽ đến lúc các quốc gia đã tiêm chủng đầy đủ có thể đối phó với những đợt bùng phát COVID-19 tương tự cách họ đối phó với bệnh cúm, và đưa ra các chính sách phù hợp.
"So sánh với ảnh hưởng của cúm mùa là phù hợp khi nói đến các biện pháp như đóng cửa trường học. Chúng ta có làm điều này với bệnh cúm mùa thông thường không?" - bà Nuzzo nói.
'Sẽ có những biến thể mới'
Tuy nhiên, ngay cả ở những quốc gia đã tiêm chủng đầy đủ, số ca bệnh mới vẫn là vấn đề cần được lưu tâm.
Bởi lẽ, virus càng lây nhiều thì càng có khả năng xuất hiện nhiều biến thể mới. Các biến thể đó có thể nguy hiểm hơn và có khả năng kháng những vắc xin hiện nay.
Theo một nghiên cứu của Scotland, những người nhiễm biến thể Delta có nguy cơ nhập viện cao gấp đôi những người nhiễm biến thể Alpha (phát hiện lần đầu ở Anh).
Vắc xin có hiệu quả cao với biến thể Delta nhưng nguy cơ đối với hệ thống y tế vẫn có thể tăng lên nếu xuất hiện những biến thể mạnh hơn.
Do đó, việc giảm số ca nhiễm về 0 sẽ không thể xảy ra trong tương lai gần, ngay ở cả những nước có tỉ lệ tiêm chủng cao.
"Chúng ta phải sống với thực tế là sẽ có những biến thể mới. Đó là điều luôn xảy ra" - bác sĩ Marc Baguelin, chuyên gia dịch tễ học của ĐH Hoàng gia London (Anh), nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận