Phóng to |
Vở vũ kịch Cô bé lọ lem - đêm diễn thu hút khán giả nhất của liên hoan nghệ thuật Giai điệu mùa thu 2013 - Ảnh: A.C |
Hãy cùng nhìn lại chương trình này, lần đầu tiên được nâng tầm thành một liên hoan nghệ thuật bằng một thông tin tiết lộ của chính NSƯT Trần Vương Thạch, giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO): tác phẩm 4′33″ của nhà soạn nhạc người Mỹ John Cage được dự kiến đưa vào biểu diễn trong liên hoan Giai điệu mùa thu 2013 - giờ chót đã phải “rút” ra, bởi e ngại món ăn này xem chừng còn lạ quá với khán giả.”
Nhìn vào những hàng ghế khán giả vẫn còn nhiều chỗ trống trong những đêm diễn Giai điệu mùa thu 2013 sẽ hiểu sự e ngại ấy không phải không có lý do: âm nhạc cổ điển vẫn còn là một điều gì đó xa cách với khán giả Việt, huống là một tác phẩm đặc biệt như 4’33’’.
Điểm cộng chất lượng nghệ thuật
Ở tuổi lên 9, Giai điệu mùa thu đã được nâng cấp thành một liên hoan nghệ thuật, với thực đơn phong phú hơn, đa dạng hơn. Điểm lại để thấy liên hoan nghệ thuật Giai điệu mùa thu đã thực sự nâng tầm so với 8 lần tổ chức trước đó.
Phóng to |
Tổ khúc dân ca Dòng chảy đã chinh phục khán giả - Ảnh: A.C |
Đêm diễn đầu tiên khán giả ấn tượng cùng những tràng pháo tay không dứt với tổ khúc dân ca Dòng chảy. Đêm thứ hai là một chương trình rộn ràng không khí vui tươi với nghệ sĩ violon Bùi Công Duy và nhóm nhạc Hanoi Ensemble. Đêm thứ ba, vở múa đương đại Chạm tay vào quá khứ, tuy là ”hàng cũ” (đã được trình diễn ngay trước đó hai lần) trong lần diễn thứ ba này đã nỗ lực dàn dựng sân khấu, ánh sáng công phu hơn.
Những đêm sau đó là sự góp mặt của các nghệ sĩ quốc tế. Đêm thứ tư nhẹ nhàng, lấp lánh với những tài năng trẻ đến từ quỹ hoạt động nghệ thuật Spivakov (Nga). Đêm thứ năm là vở vũ kịch được dàn dựng công phu lần đầu tiên ra mắt tại Việt Nam Cinderella (Cô bé lọ lem). Đêm thứ sáu là đêm chinh phục khán giả của nghệ sĩ piano tài danh người Đức Hinrich Alpers.
Và đêm thứ bảy, đêm diễn chính thức cuối cùng của Giai điệu mùa thu là sự hợp tác của các nghệ sĩ Việt Nam đến từ HBSO và Hinrich Alpers cùng sự góp mặt của một người Đức khác: nhạc trưởng Christian Schumann. Đêm diễn này cũng đã nhận được những lời khen ngợi từ nhiều khán giả.
Phóng to |
Nhạc trưởng Christian Schumann đang chỉ huy dàn nhạc giao hưởng HBSO trong đêm hòa nhạc giao hưởng 22-8 - Ảnh: A.C |
Ngoài ra, cũng cần kể thêm những hoạt động bên lề thú vị khác như buổi tọa đàm về nghệ thuật múa, về âm nhạc giao hưởng, nghệ thuật chỉ huy.
Khán giả trẻ được đặc biệt ưu ái không chỉ bởi việc được mua vé giảm giá mà còn có riêng một chương trình Giai điệu trẻ miễn phí vào ngày 25. Chương trình Giai điệu trẻ này lẽ ra được tổ chức vào ngày 29 như truyền thống nhưng nhạc sĩ Trần Vương Thạch chia sẻ, dời sớm hơn 4 ngày để các bạn trẻ có dịp thưởng thức tài nghệ của hai nghệ sĩ Đức: Hinrich Alpers và Christian Schumann.
Một nỗ lực khác đán ghi nhận, Ban tổ chức nghiêm cấm việc chụp hình nếu không được phép để hạn chế tình trạng khán giả bị âm thanh màn trập máy ảnh quấy rầy lúc đang thưởng thức. Bù lại, BTC sẽ bố trí một số người chụp hình để cung cấp cho báo chí.
Điểm trừ quảng bá, truyền thông
Chương trình hấp dẫn là vậy, nhưng trừ đêm diễn vở ballet Cô bé lọ lem đầy kín khán giả, những đêm còn lại, khán phòng vẫn còn lác đác những chỗ trống. Phải chăng, bên cạnh yếu tố âm nhạc cổ điển vẫn còn tương đối xa lạ với khán giả TP.HCM, vấn đề còn lại thuộc về công tác quảng bá, truyền thông chưa được tốt.
Nhạc trưởng Trần Vương Thạch thừa nhận: Công tác truyền thông, quảng bá còn yếu, và lẽ ra phải thực hiện sớm hơn, nhiều hơn. Công tác truyền thông Giai điệu mùa thu năm nay chỉ mới gói lại trong lần gửi thông cáo báo chí thứ nhất và một lần họp báo chính thức sau đó về liên hoan Giai điệu mùa thu. Đêm khai mạc cũng đã được truyền hình trực tiếp trên HTV, nhưng là HTV1 (ít người xem), và cũng ít người biết được thông tin này để đón xem.
Bên cạnh đó thật tiếc, nhạc cổ điển vẫn chưa phải là món được báo chí ”ưa chuộng” nên tin, bài khi sự kiện này đang diễn ra vẫn còn thưa thớt trên các báo.
Bỏ qua điểm trừ duy nhất này, có thể nói liên hoan nghệ thuật Giai điệu mùa thu 2013 đã thành công nhiều mặt, xứng tầm là một sự kiện văn hóa tiêu biểu của TP.HCM.
Nói như nhạc trưởng Trần Nhật Minh bên lề một buổi tổng duyệt: Rõ ràng, còn nhiều điều phải rút kinh nghiệm, nhưng cứ từng bước một, Giai điệu mùa thu sẽ trở thành một sản phẩm chất lượng cao.
Hay nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng - tác giả của tổ khúc dân ca Dòng chảy cũng chia sẻ: Khi khán giả chưa biết đến nhiều đến nhạc cổ điển, thì chính các nghệ sĩ, nhà quản lý phải càng nỗ lực nhiều hơn, tìm tòi và sáng tạo cách làm để nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng.
Với cá nhân người viết bài, cũng xin hiến một ý kiến (cũ mèm thôi, nhưng chưa được nhà tổ chức áp dụng): Mong rằng, những liên hoan sau, còn có thêm hình thức quảng cáo bằng băng rôn, áp phích, tờ rơi (điều mà các chương trình nhạc trẻ khác mạnh dạn áp dụng) và đẩy mạnh hình thức truyền thông trên các mạng xã hội, ở các diễn đàn của cộng đồng yêu nhạc cổ điển để chương trình hay, chất lượng được nhiều người biết đến.
Cũng như mong rằng, các khán giả, hãy thử một lần dẹp bỏ định kiến: "nhạc cổ điển là hàn lâm, là khó hiểu" để tìm hiểu, thưởng thức Trước tiên, hãy thử đến với chương trình Giai điệu trẻ diễn giải về nhạc giao hưởng sẽ diễn ra ngày 25 này, cũng như bằng những chương trình của HBSO diễn ra ngày 9 và 29 hàng tháng.
4’33’’ là một tác phẩm của nhà soạn nhạc John Cage, được sáng tác năm 1952 cho bất kỳ loại nhạc cụ nào cũng có thể chơi được... bởi trong suốt khoảng thời gian 4 phút 33 giây, người nghe chỉ được nghe một sự im lặng. Bạn có thể tìm nghe tác phẩm này trên Youtube. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận