Màn trình diễn 'Imagine' tại lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020
"Bạn sẽ nói rằng tôi là kẻ mộng mơ".
Ngay cả John Lennon - vào năm 1971, khi hình dung nên một thế giới đại đồng, không chủ nghĩa vật chất, không biên giới trong bài Imagine - cũng thừa nhận ông là kẻ mộng mơ trong mắt nhiều người. Phải, ở bất cứ thời đại nào, người ta vẫn cần thật mơ mộng mới có thể nghĩ về hòa bình.
Bởi thực tế cuộc sống luôn sẵn sàng hét vào mặt chúng ta đầy phũ phàng: thế giới này đầy ranh giới, lòng người luôn cách biệt, dễ bị đẩy đến cực đoan và đó là mầm mống của xung đột.
"Nhưng tôi đâu phải kẻ mộng mơ duy nhất".
Cũng là John Lennon và vẫn vào năm 1971, cách đây đúng 50 năm, đã dõng dạc tuyên bố điều đó. Ông không phải là người duy nhất dám mơ về hòa bình trên thế giới đầy "chiến tranh" này.
1.824 thiết bị bay điều khiển từ xa tạo thành hình quả địa cầu, thắp sáng bầu trời đêm Tokyo 23-7 - Ảnh: GETTY IMAGES
Trong đêm 23-7, nửa thế kỷ sau khi Imagine ra đời, tiếng ca về giấc mơ ấy lại cất lên tại sân vận động Olympic ở Tokyo, Nhật Bản trong đêm khai mạc Thế vận hội lần thứ 32.
Lần này, bài hát không do John Lennon thể hiện, mà được dàn hợp xướng Suginami Junior mở màn và các ca sĩ John Legend, Keith Urban, Angélique Kidjo, Alejandro Sanz thể hiện chính. Mỗi người đại diện cho một châu lục.
Người dàn dựng tiết mục còn lẫy lừng hơn, đó là nhà soạn nhạc huyền thoại Hans Zimmer - người đứng sau rất nhiều bản nhạc nền phim kinh điển của Hollywood.
Và ngay bên ngoài sân vận động ấy, ngay dưới bầu trời đêm 23-7 khi 1.824 thiết bị bay điều khiển từ xa tạo thành hình địa cầu lung linh, là một thế giới vẫn đang bất ổn vì COVID-19 và vô vàn mâu thuẫn, xung đột khác.
Những phút lắng đọng với giai điệu Imagine là một trong những khoảnh khắc xúc động nhất trong đêm khai mạc. Dù rằng, nếu chính giọng hát của John vang lên trên sân khấu, cảm xúc sẽ còn vỡ òa hơn nhiều. Người nghe sẽ hiểu rằng sau 50 năm, chúng ta vẫn đang miệt mài nối tiếp giấc mơ của John, có vẻ nó vẫn chưa thành hiện thực.
Yoko Ono - người vợ của John Lennon kiêm đồng tác giả ca khúc Imagine - cũng rất xúc động vì màn trình diễn này.
Bà viết: "John và tôi đều là nghệ sĩ, chúng tôi sống cùng nhau và truyền cảm hứng cho nhau. Bài Imagine thể hiện những gì chúng tôi đã cùng nhau tin tưởng vào thời ấy. John và tôi gặp nhau, anh ấy đến từ phương Tây, còn tôi đến từ phương Đông, và chúng tôi vẫn bên nhau".
"Ngọn đuốc" bằng âm nhạc của John và Yoko vẫn được truyền cho các thế hệ - Ảnh: ROLLING STONE
Bản thân John Lennon khi còn sống cũng từng tự hào nhận ra sự kết nối diệu kỳ giữa ca khúc Imagine và tinh thần của Olympic.
Không lâu trước khi qua đời, ông nói trong một bài phỏng vấn: "Chúng tôi không phải những người đầu tiên mơ về "Một thế giới không có quốc gia" hay "Hãy cho hòa bình một cơ hội".
Nhưng chúng tôi đã cầm trên tay ngọn đuốc đó, giống như ngọn đuốc Olympic, truyền tay nhau, từ người này sang người kia, như truyền giữa các quốc gia, giữa các thế hệ. Đó là sứ mệnh của chúng ta".
Imagine từng được trình diễn ở nhiều kỳ Olympic khác nhau: Thế vận hội mùa đông năm 2018 ở Hàn Quốc; Olympic London 2012 ngay tại chính quê nhà của John, nước Anh; Olympic Turin 2006 và Olympic Atlanta 1996, do giọng ca huyền thoại Stevie Wonder thể hiện.
Tiết mục Imagine tại bế mạc Olympic London 2012
Có lẽ, lần cảm xúc nhất vẫn là màn trình diễn Imagine ở bế mạc Olympic London 2012. Sau phần mở màn của dàn hợp xướng, khán giả choáng ngợp và hò reo khi gương mặt của John xuất hiện trên màn hình lớn của sự kiện.
32 năm sau khi qua đời, ông "hát" ca khúc trước toàn thế giới, trong một đêm hè nước Anh đong đầy cảm xúc với 80.000 khán giả xem trực tiếp tại sân vận động.
Và trên sân khấu, các vũ công tạo hình gương mặt khổng lồ của John, tưởng nhớ người đã vẽ nên cho nhân loại một trong những giấc mơ đẹp nhất bằng âm nhạc.
Đêm 23-7, đáng tiếc, cảm xúc đó không thể tái hiện khi màn trình diễn được thu âm sẵn và tiếng ca vang lên giữa một sân vận động vắng bóng khán giả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận