30/08/2023 13:16 GMT+7

Giải đáp nhiều vướng mắc khi sử dụng VNeID

Tuổi Trẻ đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề "Giải đáp vướng mắc khi sử dụng ứng dụng VNeID" hôm 29-8.

Công an viên làm thủ tục định danh mức 2 cho người dân ở quận Tân Phú, TP.HCM - Ảnh: HỮU HẠNH

Công an viên làm thủ tục định danh mức 2 cho người dân ở quận Tân Phú, TP.HCM - Ảnh: HỮU HẠNH

Tại buổi giao lưu, thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh, giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - C06, Bộ Công an), cùng cán bộ trung tâm đã giải đáp hàng loạt câu hỏi của bạn đọc gửi về.

Nhiều tiện ích được tích hợp trên VNeID

Liên quan đến các tiện ích trên VNeID mà người dân có thể sử dụng, thượng tá Vĩnh cho hay hiện nay trên ứng dụng đã tích hợp nhiều loại giấy tờ như căn cước công dân (CCCD), bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe, đăng ký xe. 

Trong đó, sử dụng nhiều là CCCD, với hơn 61,1 triệu hồ sơ định danh điện tử đã có CCCD.

Hiện tiện ích này đã được sử dụng ở sân bay. Bên cạnh đó, bảo hiểm y tế đã có hơn 14,2 triệu hồ sơ được tích hợp thành công và có thể sử dụng tại các bệnh viện. 

Ngoài ra, đã có hơn 6,2 triệu hồ sơ giấy phép lái xe được tích hợp thành công và hơn 1,6 triệu hồ sơ đăng ký xe được tích hợp thành công.

Cũng theo thượng tá Vĩnh, trên VNeID đã tích hợp các tiện ích như giải quyết dịch vụ công trực tuyến về thông báo lưu trú, đăng ký thường trú, tạm trú, tạm vắng... Người dân sẽ tự điền vào thông tin và các biểu mẫu đăng ký mà không cần phải khai báo, điền thông tin nhiều lần.

Việc này giúp tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí cho các loại biểu mẫu kê khai, giảm nhiều khâu thủ tục cần giải quyết. Về tố giác tội phạm, người dân có thể kiến nghị, phản ánh một cách kịp thời và nhanh nhất về các hành vi vi phạm an ninh trật tự với cơ quan công an thông qua ứng dụng VNeID.

Thượng tá Vĩnh thông tin thêm Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Y tế tích hợp sổ sức khỏe của người dân lên VNeID và cập nhật được hơn 20 trường thông tin cơ bản, giúp tiện lợi cho việc theo dõi. 

Tiến tới, Bộ Công an sẽ phối hợp với Bộ Y tế, cùng bảo hiểm xã hội để đưa tiếp các trường thông tin (hơn 80 trường thông tin) lên, giúp người dân chủ động theo dõi và tương tác với các cơ sở khám chữa bệnh... 

Cùng với đó đang chuẩn bị và sẽ phối hợp với các đơn vị đưa sổ bảo hiểm xã hội lên để người dân theo dõi về quá trình đóng bảo hiểm xã hội của mình, đảm bảo quyền lợi hợp pháp. Đồng thời, từ nay đến cuối năm, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Tư pháp để có định hướng đưa lý lịch tư pháp lên VNeiD để phục vụ người dân.

Vì sao đăng ký mức độ 2 phải chụp lại ảnh, lấy vân tay?

Một số bạn đọc đặt câu hỏi về việc đã tích hợp giấy phép lái xe, đăng ký xe lên VNeID, nhưng khi đi đường, CSGT vẫn yêu cầu kiểm tra giấy tờ và mặc dù có đưa VNeID, nêu đã tích hợp vào nhưng CSGT không đồng ý, vẫn bắt phải trình giấy tờ cứng.

Trả lời nội dung này, thượng tá Vĩnh cho hay với hai loại giấy tờ này, hiện nay đã được tích hợp lên VNeID và người dân có thể nhìn thấy khi sử dụng ứng dụng. 

Tuy nhiên, các giấy tờ này được tích hợp lên mới dừng lại ở mức hiển thị thông tin và được xác thực. Có nghĩa khi người dân sử dụng có nhu cầu xuất trình thì các thông tin này đã đảm bảo tính pháp lý là đúng, không sai. 

Còn để có thể sử dụng khi tham gia giao thông, hiện C06 đang phối hợp với Bộ GTVT, Cục CSGT (C08)... để hoàn thiện về quy trình, giúp người dân có thể sớm sử dụng trong thời gian tới.

Đối với việc khi đăng ký định danh mức độ 2 người dân phải ra công an để chụp lại ảnh, lấy dấu vân tay, thượng tá Vĩnh nêu rõ theo quy định với mức độ 1 người dân có thể tự làm.

Nhưng với mức độ 2 do tích hợp nhiều giấy tờ liên quan đến người dân, nên theo nghị định 59 của Chính phủ, cần phải ra cơ quan công an để lấy các thông tin sinh trắc gồm chụp ảnh, lấy dấu vân tay nhằm xác thực đúng người. Đồng thời, tích hợp các giấy tờ liên quan để đảm bảo tính chính xác.

Trả lời thêm về việc không tích hợp được giấy phép lái xe vào VNeID, thượng tá Vĩnh chỉ rõ thông thường nguyên nhân do cơ quan chủ quản cấp giấy phép (Bộ GTVT) không lưu trữ dữ liệu giấy tờ trên hệ thống, hoặc thông tin cá nhân không khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Nếu do thông tin không khớp, có thể do thời điểm cấp giấy phép lái xe người dân khai báo giấy tờ chứng minh nhân dân 9 số. Người dân cần cập nhật thành CCCD 12 số để tích hợp giấy phép lái xe lên tài khoản định danh điện tử. Bộ Công an sẽ tích cực phối hợp với Bộ GTVT làm sạch dữ liệu, trên cơ sở đó sẽ dần khắc phục được tình trạng trên.

Qua nghiên cứu cho thấy về tổng thể khi quốc gia phát triển, những vấn đề thiết yếu liên quan an sinh xã hội, dịch vụ căn cơ, giấy tờ cơ bản đều được đưa lên ứng dụng giúp người dân có thể sử dụng thuận tiện nhất trong sinh hoạt, cuộc sống, công tác. Do đó, chúng tôi mong muốn tạo những công cụ thiết thực, chính đáng để người dân tiện theo dõi, sử dụng trên VNeiD.

Vì sao mất nhiều thời gian để đăng ký định danh mức độ 2?

Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh giải đáp khi đăng ký mức độ 2 xong sau khoảng 3 - 5 ngày, tài khoản sẽ được phê duyệt và gửi mã kích hoạt đến số điện thoại của người dân để kích hoạt.

Tuy nhiên, nhiều thời điểm, hệ thống của nhà mạng quá tải dẫn đến người dân không nhận được thông báo kết quả xử lý hồ sơ, một số trường hợp người dân đăng ký nhầm số điện thoại của người khác dẫn đến không nhận được thông báo.

Trong trường hợp chậm nhận được thông báo, công dân có thể liên hệ tổng đài của trung tâm để được hỗ trợ tra cứu thông tin tình trạng xử lý hồ sơ và hướng dẫn kích hoạt tài khoản định danh điện tử.

Giải đáp hàng loạt vướng mắc khi sử dụng ứng dụng VNeIDGiải đáp hàng loạt vướng mắc khi sử dụng ứng dụng VNeID

Buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề 'Giải đáp vướng mắc khi sử dụng ứng dụng VNeID' được Tuổi Trẻ Online tổ chức sáng 29-8.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp