Một câu chuyện đẹp ở Mỹ: bà Nancy Hausermann, người đang sống với khoảng 700 USD mỗi tháng, cho biết đã dành hết số tiền 1.200 USD nhà nước hỗ trợ mua thực phẩm để tặng những người cần hơn mình. Bà tự dựng quầy trên đường ở Polson, bang Montana, ngày 24-4 để trao tặng người qua đường thiếu thốn - Ảnh: Reuters
Sau những ngày đầu lo lắng vì thiếu thốn thực phẩm, giấy vệ sinh…, nước Mỹ đang đối mặt với hậu quả kinh hoàng khác của đại dịch COVID-19: nông dân đổ bỏ hàng triệu tấn nông sản tươi như sữa, trứng, rau củ... do nhu cầu tiêu thụ rớt thảm hại.
Khách sạn, nhà hàng, trường học… đóng cửa hoặc phá sản đã góp phần vào hiện tượng trên. Doanh số bán lẻ lương thực có tăng vì người Mỹ chịu khó ở nhà nấu ăn nhiều hơn, nhưng chừng ấy vẫn không đủ hấp thụ hết lượng sản xuất dư thừa, ước tính lên đến hơn 50% sản lượng vụ mùa.
Vấn đề này cần sự chung tay của nhiều người, nhiều khoản tiền hỗ trợ và một chút động não. Nếu chính phủ quan tâm người nghèo, vừa muốn hỗ trợ người nông dân, họ sẽ phải tìm cách tốt hơn.
Bà MARION NESTLE (giáo sư Đại học New York, Mỹ)
Như giọt nước trong chậu
Theo báo New York Times, lượng nông sản nước Mỹ lãng phí đạt đến quy mô chưa từng thấy kể từ thời Đại khủng hoảng. Hồi tháng 4, Hiệp hội Nông dân nuôi bò sữa Mỹ (DFA) ước tính các thành viên đổ bỏ mỗi ngày hơn 14 triệu lít sữa. Trong khi đó, chỉ một trang trại nuôi gà đã phải đập nát 750.000 quả trứng chưa nở mỗi tuần...
Trong nỗ lực vớt vát tình hình, từ giữa tháng 4 đến nay, DFA đã chuyển gần 1 triệu lít sữa đến các "ngân hàng thực phẩm" trên toàn quốc. "Bấy nhiêu chỉ bằng giọt nước trong chậu, nhưng chúng tôi phải làm gì đó" - bà Jackie Klippenstein, phó chủ tịch DFA, thừa nhận.
Cuộc khủng hoảng đã đánh động đến Nhà Trắng, chính quyền bang và các tổ chức xã hội của Mỹ. Trong vài tuần tới, Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ bắt đầu giải ngân 300 triệu USD mua rau củ, trái cây, sữa và thịt từ các nhà phân phối để cung cấp cho ngân hàng thực phẩm. Chính phủ cũng sẽ tài trợ thêm khâu đóng gói và vận chuyển hàng đến các tổ chức từ thiện, đây là những khoản chi phí nông dân không thể trả.
Bang New York, nơi chịu ảnh hưởng nặng của dịch bệnh, sẽ chi 25 triệu USD mua sữa rồi hợp tác với các công ty tư nhân chế biến thành phô mai, yoghurt và bơ bổ sung vào ngân hàng thực phẩm. Một phần ngân sách còn được dùng để mua táo, khoai tây và các nông sản khác đang tồn kho.
Nhưng đó chỉ là tạm đối phó. Nông dân Mỹ khẳng định thiệt hại của họ lớn hơn nhiều so với các khoản hỗ trợ. Nhiều người cảnh báo các nỗ lực giải cứu sẽ chẳng bõ vào đâu nếu kinh tế tiếp tục tê liệt vì lệnh phong tỏa.
Chạy đua với thời gian
Đã có một số dấu hiệu cho thấy thực phẩm lãng phí ở Mỹ đã giảm bớt, chẳng hạn 14 triệu lít sữa đổ bỏ làm phân bón thời điểm đầu tháng 4 hiện chỉ còn hơn 5,5 triệu lít/ngày. Các doanh nghiệp như chuỗi nhà hàng Papa John chọn hỗ trợ bằng cách thêm phô mai nhiều hơn vào mỗi chiếc bánh pizza…
Giảm sản lượng là lựa chọn miễn cưỡng, song song đó nông dân Mỹ vẫn phải chạy đua với thời gian để tìm đầu ra cho sản phẩm. Ví dụ ở bang California, tháng 5 là mùa cao điểm thu hoạch dâu tây, nhưng người trồng đang rối bời vì không biết bán cho ai. Đây là một điển hình cho sự gãy đổ của hệ thống kinh tế hiện đại trong điều kiện khủng hoảng.
Trong khi đó, nhu cầu nguồn cung của các ngân hàng thực phẩm ở Mỹ ngày càng tăng do dịch bệnh kéo dài, và nghịch lý là họ không thể tiếp cận được số nông sản dư thừa bị đổ bỏ mỗi ngày. Nông dân thà hủy hết chứ không có khả năng trả chi phí thu hoạch, lưu kho - bảo quản và vận chuyển chỉ để làm từ thiện.
Nhiều tổ chức xã hội, như Farmlink do các sinh viên Mỹ lập ra, tìm cách kết nối trực tiếp nông dân và ngân hàng thực phẩm để đỡ lãng phí. Tuy nhiên, kể cả nỗ lực này và các khoản trợ cấp của chính phủ chỉ là tạm thời, cái chính vẫn là câu chuyện sản xuất - lợi nhuận (của nông dân), và nó đang chịu tác động trực tiếp từ dịch bệnh.
Ông FRANÇOIS RENAUD (chuyên gia về các bệnh lây nhiễm của Pháp):
Chúng ta xâm lấn tự nhiên, tạo điều kiện phát tán virus
Cách chúng ta buôn bán động vật sống theo lồng chuồng chật chội, chồng lên nhau như đã thấy ở nhiều khu chợ đã giúp virus có cơ hội biến thể, phát tán khi động vật sống được đặt cạnh nhau, thải phân (mang mầm bệnh) lên người nhau.
Như nạn phá rừng Amazon, làm đường để vận chuyển gỗ, theo tính toán, đã làm tăng gấp 300 lần nguy cơ con người bị muỗi chích và phát tán các bệnh sốt xuất huyết, sốt vàng da… Hay như tình trạng chăn nuôi gia cầm quy mô lớn ở một số quốc gia, nếu không kiểm soát kỹ lưỡng đã gây ra dịch cúm như H5N1. Do lợi nhuận, con người từng không kiểm soát chuồng trại, khi có gia cầm chết thì lại bổ sung đợt mới vào khiến virus có nguy cơ tồn tại và biến thể.
Một ví dụ khác là chúng ta xâm lấn tự nhiên, phá vỡ hệ sinh thái tự nhiên khiến những con vật nhỏ mang mầm bệnh có điều kiện sống nhiều hơn khi những con vật vốn thường săn bắt, ăn thịt chúng bị mất lãnh thổ, phải dần diệt vong.
Chúng ta phải hiểu được các hệ sinh thái cùng những mầm bệnh đi theo đang vận hành thế nào để không tạo điều kiện cho nó có cơ hội bùng phát. Trong tương lai, cần phải có sự kết hợp giao thoa giữa tất cả lĩnh vực khoa học và các ngành khoa học tự nhiên để con người có được cái nhìn tổng thể về cách vận hành của các hệ sinh thái để biết khai thác mà vẫn gìn giữ. Sức khỏe của loài người khắp thế giới phụ thuộc vào sự hiểu biết này.
Bà JANE GOODALL (nhà linh trưởng học người Anh lừng danh thế giới):
Đại dịch liên quan đến sự thiếu tôn trọng của chúng ta với thế giới tự nhiên
Nhân loại vẫn còn chưa biết nhiều điều liên quan dịch lây từ động vật sang con người như dịch COVID-19, và nhân loại vẫn còn gặp nguy cơ bị lây nhiễm với những loại virus đáng sợ hơn. Thế giới hiện đang đối mặt với những thách thức chưa từng có. Hàng triệu người đã nhiễm bệnh, hàng trăm ngàn người đã tử vong vì dịch. Cái giá phải trả cho việc kinh tế đình đốn đã cho thấy là kinh hoàng.
Chúng ta đang hi vọng bào chế nhanh được một loại vắcxin nào đó và cuộc sống của chúng ta sẽ sớm trở lại bình thường. Nhưng chúng ta không bao giờ được quên về những chuyện chúng ta từng phải chịu đựng như vừa qua, cũng như phải thực thi các biện pháp cần thiết để ngăn chặn một đại dịch tương tự xuất hiện trong tương lai. Điều đau buồn là từ lâu rồi các nhà dịch tễ học từng cảnh báo về loại đại dịch này, loại dịch lây từ động vật sang người.
Tôi hi vọng sau khi thế giới hiểu ra được về dịch này, cùng với sự ý thức là dịch hiện tại liên quan đến sự thiếu tôn trọng của chúng ta với thế giới tự nhiên, sẽ khuyến khích các chính phủ và các doanh nghiệp dành nhiều nguồn lực hơn cho sự phát triển loại năng lượng sạch và tái tạo, làm giảm nạn nghèo đói và giúp đỡ mọi người tìm được cách kiếm sống mà không phải khai thác thiên nhiên hoặc động vật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận