Phóng to |
Hình ảnh nhà rông mới với hình thù kỳ dị, được làm bằng bêtông, lợp bằng tôn của buôn Pông Pim - Ảnh: T.B.D. |
Pông Pim - ngôi làng nhỏ thấp thoáng những mái nhà của người Ba Na - nằm xếp mình dưới chân Vườn quốc gia Kon Ka Kinh (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai). Hỏi tìm đến ngôi nhà rông của làng, người phụ nữ bán tạp hóa vẻ ngờ vực: “Lại hỏi để tìm mua gỗ trắc nữa à? Làng bán rồi mà, không còn nữa đâu”.
Nhà rông... thương tật
"Cái nhà dài là công sức của ông bà tổ tiên, nơi con nít sinh ra được thổi lỗ tai, lớn lên được già làng làm lễ trưởng thành, phải giữ lại cho con cháu chứ không được bán đi" Cán bộ giải thích |
Già Gruk năm nay đã ngoài 70 tuổi - già làng của làng Pông Pim - nhớ lại Pông Pim xưa kia chỉ toàn là rừng, rừng nhiều đến nỗi người đi cách nhau vài chục bước chân đã nhìn không rõ mặt nhau.
Tới năm 1976, già làng đưa dân vượt rừng tìm về mảnh rừng bằng phẳng hiếm hoi nằm dưới chân dãy Kon Ka Kinh này để lập làng sinh sống.
Theo già Gruk, người Ba Na cũng giống như nhiều dân tộc Tây nguyên khác: đã có làng là phải có nhà rông. Nhà rông của làng Pông Pim là một “công dân” đặc biệt, chứng kiến sự tồn tại và đổi thay của làng từ những ngày mới lập dựng đến nay.
Ông Sớ - trưởng thôn Pông Pim - cho biết mọi lễ nghi, phong tục, lễ cúng đều được già làng cử hành tại nhà rông. Vào những ngày lễ hội mừng lúa mới hay lễ đâm trâu cúng Yàng hằng năm, nhà rông Pông Pim bập bùng lửa cả ngày lẫn đêm, trai gái cùng nhau uống rượu cần tới nghiêng ngả.
Nhà rông Pông Pim dựng sừng sững giữa làng như chàng trai Ba Na gân guốc, mạnh mẽ che chắn cho làng. Nhà gồm 12 cột trụ lớn được đẽo từ lõi những cây gỗ lớn, trong đó cột trụ giữa chịu lực lớn nhất được làm bằng gỗ trắc, cao tới 7m, đường kính gần 30cm và để dựng nó là cả một kỳ công.
Đầu năm 2013 ngôi nhà rông Pông Pim bắt đầu xuống cấp, thanh niên trai tráng trong làng phải đi ngủ ở chòi rẫy qua đêm. Nhiều người làng có nguyện vọng làm một nhà rông mới kiên cố hơn, chắc chắn hơn nhưng lại không có kinh phí.
Biết chuyện, thương lái tìm đến đeo đuổi, “hét giá” trụ chính bằng gỗ trắc nhà rông Pông Pim lên tới số tiền trăm triệu. Người làng Pông Pim thật sự “choáng” vì họ chưa bao giờ nghĩ chỉ một trụ gỗ trắc mà có giá trị đến thế.
Nhẩm đi tính lại, để làm được nhà rông mới cũng phải mất chừng ấy số tiền. Hội đồng già làng họp lại: dù đau đớn lắm, đụng đến ngôi nhà của Yàng nhưng làng nghèo quá! Phải bán thôi.
Tháng 8-2013, thương lái đem xe tải cỡ lớn tới để tháo dỡ cột chính nhà rông Pông Pim trong sự kinh hãi và tiếc nuối của hàng trăm người làng.
Nhiều phụ nữ, trẻ con và cả những người gắn bó với ngôi nhà rông đặc biệt của làng đã bưng mặt khóc. Già Gruk cắt tiết gà và sắm lễ vật để sắp một lễ cúng tạ tội với Yàng. Cột gỗ trắc được rút ra khỏi ngôi nhà rông kiêu hãnh và được thay vào đó là một cột trụ gỗ bằng lăng.
Dù được trả tới 140 triệu đồng chỉ cho một trụ gỗ trắc nhưng hầu như người làng Pông Pim chẳng ai vui.
Ông Nguyễn Hồng Phước - phó chủ tịch UBND xã Đắk Zơ Ta - cho biết việc thương lái “dòm ngó” cột nhà rông làng Pông Pim diễn ra từ vài năm trước, biết chuyện nên UBND xã trực tiếp xuống vận động thuyết phục người dân không nên bán, cố giữ lại nhà rông để bảo tồn bản sắc văn hóa có giá trị, nhưng hội đồng già làng đã âm thầm bán khiến UBND xã không kịp trở tay.
Dẫn chúng tôi ra thăm ngôi nhà rông mới được dựng lên cạnh ngôi nhà rông cũ “thương tật”, trưởng thôn Pông Pim nói rằng giờ thanh niên đã có chỗ ngủ qua đêm mà không sợ mưa gió, dân làng có chỗ họp khi có việc lớn.
Thế nhưng, trước mắt chúng tôi là một ngôi nhà rông kỳ dị, lạ lẫm và xấu xí hệt như một thành viên xa lạ, lạc lõng buộc phải hiện diện tại làng.
Kết cấu nhà rông được làm bằng bêtông với những cột ximăng thô kệch, những mảng tôn đỏ khổng lồ choàng trùm xuống phần mái nhà như một đứa trẻ mặc chiếc áo đỏ rộng thùng thình.
Thỉnh thoảng ở lối ra vào, người thợ còn cắt tỉa những hình rồng phượng ốp vào hông “cho giống dân tộc”. Tôi chợt hỏi trưởng thôn Sớ: Nhà rông cũ và nhà mới cái nào đẹp hơn?
Ông Sớ chợt chùng giọng: “Nhà rông cũ đẹp hơn và mát hơn chớ, bán đi cái cột chính thì nhà rông cũng mất hết giá trị, như thân thể mình phải cắt bỏ cái quan trọng nhất. Giờ có nhà rông mới nhưng già làng không làm lễ cúng ở đây mà trở về nhà rông cũ để cúng vì nơi đó có Yàng”.
Phóng to |
Cuộc “giải cứu” hi hữu
Trước “cơn khát” gỗ trắc, những ngôi nhà rông thiêng liêng nằm ở các buôn làng Ba Na, Jarai được các thương lái lùng sục.
Những ngày này, hàng trăm người dân ở làng Kon Pơ Ram (xã Hà Đông, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai) đang cùng nhau dựng lại mái nhà dài của làng. Vào làng thật khó gặp những thanh niên khỏe mạnh vì hầu hết đã cùng nhau lên rừng chặt gỗ, những người phụ nữ thì đi chặt lồ ô, cắt lá tranh về đan kết để dựng lại ngôi nhà mà người làng đã suýt bán đi.
Ông Lê Chí Tôn, chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Đắk Đoa - người trực tiếp tham gia cuộc “giải cứu” nhà dài Kon Pơ Ram, cho biết Hà Đông xưa kia là xứ sở của những rừng trắc bạt ngàn.
Từ nhiều năm nay, nhà dài Kon Pơ Ram là mục tiêu “dòm ngó” của thương lái, đã có hàng chục cuộc thương lượng, ngã giá với hội đồng già làng để mua nhưng chưa thành công.
Thế rồi một ngày giữa tháng 6-2012, khi các trinh sát nằm vùng rảo qua Kon Pơ Ram thì chứng kiến một câu chuyện đau lòng: hàng chục người lạ, thanh niên, những người làng đang sốt sắng tháo dỡ ngôi nhà dài đã tồn tại hàng chục năm như biểu tượng của làng.
Nhà dài Kon Pơ Ram được chống đỡ bằng 24 cột gỗ lớn, trong đó có tám cột gỗ trắc quý hiếm. Sau nhiều cuộc rỉ tai, tỉ tê và hứa hẹn về một ngôi nhà dài bằng bêtông tinh tươm của thương lái, hội đồng già làng Kon Pơ Ram đã đồng ý bán.
Già làng của Kon Pơ Ram, ông Xrik thật thà kể: “Mình có biết đâu, nghĩ bán cũng tiếc lắm nhưng thương lái nói nếu làng đồng ý bán nhà dài thì họ sẽ đền cho một ngôi nhà dài mới bằng bêtông kiên cố, ngoài ra sẽ trả cho làng 300 triệu đồng và tặng một con trâu để cả làng ăn mừng nên mình bán”.
Ông Tôn cho biết sau khi được trinh sát báo về, ông lập tức đưa cán bộ vượt rừng vào tận Kon Pơ Ram thì quả thật nhà dài Kon Pơ Ram đang được tháo dỡ.
“Mình hoảng quá nên tức tốc yêu cầu bà con dừng lại, không được bán. Nhà dài bằng gỗ là của ông bà tổ tiên để lại, nếu bán đi thì cả làng sẽ gặp xui xẻo. Nghe thế nhiều người làng cắc cớ: “Cán bộ không cho bán thì có mua trâu, xây nhà mới cho làng mình không?”.
Quả thật tôi ngớ người nhưng từ hôm đó trở đi, tôi bảo anh em về huyện, còn một mình tôi ở lại để ngủ với làng, uống rượu tỉ tê với những người có vai vế trong làng” - ông Tôn kể.
Ông Tôn cho biết khi tìm hiểu kỹ mới biết thương lái đã tỉ tê với làng hàng chục lần, hứa hẹn đủ điều và sẵn sàng trả giá cao ngất ngưởng để mua được những cột gỗ trắc trong ngôi nhà dài. Để người làng tin hơn, họ còn thuê cả thợ hồ chở vật liệu vào tập kết bên cạnh nhà dài để chờ tháo xong là cho đổ móng nhà mới.
Sau nhiều ngày “nằm vùng”, sáng 15-6 một cuộc họp với sự hiện diện của hội đồng già làng Kon Pơ Ram được tổ chức tại sân làng.
Cán bộ hỏi: Nhà này của ai làm? Người làng đáp: Nhà của ông bà làm, lâu lắm rồi. Cán bộ hỏi tiếp: Nhà đã cúng Yàng rồi thì là nhà của Yàng, bán đi có ai xin phép Yàng không? Những người làng im bặt, cúi mặt xuống.
Cán bộ giải thích: Cái nhà dài là công sức của ông bà tổ tiên, nơi con nít sinh ra được thổi lỗ tai, lớn lên được già làng làm lễ trưởng thành, phải giữ lại cho con cháu chứ không được bán đi. Nghe thế, tất cả người làng vỗ tay. Rồi tất cả đứng dậy biểu quyết không bán nhà dài nữa.
Ông Tôn cho biết lúc thuyết phục được người làng dựng lại nhà dài ông cảm thấy như trút bỏ được gánh nặng. Ngay sau cuộc biểu quyết, tất cả người làng bắt tay vào đào lỗ, dựng lại nhà dài đã được tháo dỡ cách đó mấy ngày. Chưa hết, đêm đó làng còn cắt cử từng nhóm thanh niên khỏe mạnh ngủ lại để bảo vệ nhà dài. Còn cả làng thì mở tiệc ăn mừng.
Thương lái lùng sục khắp nơi Không chỉ ở các huyện Đắk Đoa, Mang Yang mà hiện nay trước cơn sốt gỗ trắc, số phận những ngôi nhà rông ở các huyện vùng xa tại Gia Lai đang đứng trước nguy cơ bị xâm hại. Ông Ngô Quang Trung - trưởng Ban dân vận huyện Mang Yang - cho biết đã thông báo đến các xã tăng cường giám sát các buôn làng, không để thương lái dụ dỗ và mua các vật dụng quý từ nhà rông, nhà dài. Trong khi đó tại Đắk Đoa, ông Lê Chí Tôn cũng cho biết hiện nay rất nhiều ngôi nhà ở của dân đã được tháo dỡ để bán gỗ, các nhà dài cũng được lùng sục. Huyện ủy Mang Yang yêu cầu các làng phải giữ lại bằng được nhà rông, không để thương lái thực hiện việc mua bán trái pháp luật. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận