14/06/2017 08:58 GMT+7

Giải cứu heo chưa xong đã... lo đến gà

A LỘC - H.MI
A LỘC - H.MI

TTO - Trong khi Đồng Nai đang tổ chức giải cứu heo thì người chăn nuôi gà cũng kêu bị o ép, giá thấp, lo không trụ nổi khiến không ít phải "treo chuồng".

* Ảnh lớn: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày 13-6 - Ảnh: Hoàng Nam
* Ảnh nền: Các vụ “giải cứu” nông sản thời gian gần đây Ảnh: A Lộc - Ng.Nam - Q.Thế - N.Trần - D.Khang - Th.Thảo - Ng.Trí
* Ảnh lớn: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày 13-6 - Ảnh: Hoàng Nam * Ảnh nền: Các vụ “giải cứu” nông sản thời gian gần đây Ảnh: A Lộc - Ng.Nam - Q.Thế - N.Trần - D.Khang - Th.Thảo - Ng.Trí

Là địa phương có đàn heo và gà lớn nhất nước, Đồng Nai đang chứng kiến đàn gà và trứng gà cũng khó khăn và cần “giải cứu” không kém thịt heo bao nhiêu.

Thịt, trứng gà đều rớt giá

Ngày 13-6, PV Tuổi Trẻ đi ghi nhận chuyện đàn heo đang bị mất giá, bỏ chuồng thì hay tin thêm người nuôi gà đang điêu đứng.

Tìm đến nhiều trại gà lớn ở xã Quang Trung (huyện Thống Nhất), chúng tôi nhận thấy nhiều nơi vắng hoe.

Ông Từ Văn Hoàng, quản lý trang trại chăn nuôi tại xã Quang Trung, huyện Thống Nhất, cho biết trang trại nuôi gia công 27.000 con gà này đã phải “treo chuồng” hơn một tháng nay do lỗ kéo dài.

Theo ông Hoàng, từ cuối năm 2016 đến nay, giá gà liên tục giảm sâu dưới giá thành sản xuất khiến người chăn nuôi lỗ nặng. Trung bình mỗi lứa, trang trại do ông Hoàng quản lý thiệt hại mấy trăm triệu đồng. Do đó, ông phải ngưng nuôi, chờ giá tốt hơn.

Tương tự, anh Hùng, chủ trại gà 15.000 con ở huyện Thống Nhất, cũng đang lo lắng khi còn khoảng một tháng nữa sẽ phải xuất bán. Tuy nhiên,với giá gà hiện nay, anh Hùng dự kiến sẽ lỗ hàng chục triệu đồng.

Ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Nai, cho biết trên toàn tỉnh hiện đang nuôi khoảng 17 triệu con gà. Con số này tăng khoảng 3 triệu con so với 2 năm trước.

Trong khi đó, giá gà lông màu hiện dao động ở mức 34.000 - 36.000 đồng/kg, còn gà lông trắng ở mức 24.000 - 25.000 đồng/kg là mức giá "người chăn nuôi vẫn chưa có lời".

“Nguyên nhân giá gà bị rớt do tình trạng cung vượt cầu”, ông Vinh cho hay và xác nhận có hàng triệu con gà đang rơi vào tình trạng ứ đọng, thua lỗ.

Không chỉ gà thịt, trứng gà cũng gặp khó khăn. Ông Lâm Thanh Đức, Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH thương mại dịch vụ sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức (chuyên sản xuất trứng tại huyện Xuân Lộc), nhận định do giá thịt heo giảm, người tiêu dùng tăng dùng thịt heo trong cuộc giải cứu heo vì thế tiêu dùng gà, trứng gà giảm.

Theo ông Đức, hiện giá trứng ngoài thị trường chỉ còn từ 800 - 1.000 đồng/quả. Công ty ông có thương hiệu nên giá xuất bán cao hơn thị trường 100 - 200 đồng/quả nhưng thực tế giá thành sản xuất vào khoảng 1.300 - 1.400 đồng/quả.

“Mỗi tháng công ty lỗ khoảng 2 tỉ đồng. Nếu tiếp tục kéo dài chỉ còn nước ra đường ở” - ông Đức lo lắng.

Mong Nhà nước hỗ trợ...

Trước khó khăn của nhiều doanh nghiệp chăn nuôi, chế biến gà, trứng gà, ông Lâm Thanh Đức bày tỏ mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ, tuyên truyền để người dân tăng tiêu thụ gà, trứng gà, nhất là sản phẩm có chất lượng, qua đó giúp doanh nghiệp bớt khó khăn...

Ông Lục Văn Thủy, Trưởng phòng thương mại Sở Công thương Đồng Nai, cho biết trong tuần này sở sẽ làm việc với các doanh nghiệp FDI có số lượng gà nuôi gia công lớn trên địa bàn để lắng nghe các đề xuất nhằm hỗ trợ, tiêu thụ gà...

Liên tục phải “giải cứu”

Điệp khúc thương đau “được mùa mất giá”, khủng hoảng đầu ra của nông sản cứ được “ca đi hát lại” bao nhiêu năm qua.

Tháng 4-2015, hàng trăm hecta hành tây ở Đà Lạt không ai mua phải đổ đống ngoài đồng, nhiều cơ quan vào cuộc hỗ trợ. Hệ thống siêu thị Aeon đã mua hàng ngàn tấn và bán lẻ trong siêu thị giá chỉ 2.900 đồng/kg.

Tháng 7-2015 lại rộ lên cuộc “giải cứu” gần 40.000 tấn vải thiều ở Lục Ngạn, Bắc Giang khi thương lái Trung Quốc rút đi, giá vải thiều bán tại vườn rớt từ 20.000 đồng xuống còn 3.000 đồng/kg. Song song với vải thiều là cuộc “giải cứu” hành tím Sóc Trăng với số lượng lên 150.000 tấn, nguyên nhân do Indonesia bất ngờ ngừng nhập khẩu.

Tháng 9-2015 là cuộc “giải cứu” thanh long tại Bình Thuận khi thương lái Trung Quốc ngưng mua và giá thanh long rớt xuống chỉ còn 1.000 đồng/kg. Hầu như vào mùa thu hoạch thanh long năm nào cũng xảy ra những khu vực có thanh long phải đổ đi, bán tống bán tháo.

Đầu năm 2017, Trung Quốc nhập khẩu chuối từ Philippines khiến giá chuối ở Việt Nam giảm mạnh.

Tháng 4-2017, dưa hấu miền Trung lại thừa, nhiều “chiến dịch” mua hỗ trợ lại diễn ra. Giá dưa lao dốc thảm hại chỉ còn 500 - 1.000 đồng/kg.

Tháng 4-2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lên tiếng vận động “giải cứu” thịt heo.

CÔNG TRUNG

A LỘC - H.MI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp