12/07/2018 11:11 GMT+7

Giải cứu đội bóng Thái Lan: Những phút cuối nghẹt thở

NHẬT ĐĂNG - BẢO DUY - THUẬN THẮNG
NHẬT ĐĂNG - BẢO DUY - THUẬN THẮNG

TTO - Ngay trước khi những cậu bé cuối cùng được đưa ra khỏi hang động Tham Luang ở Thái Lan, trục trặc kỹ thuật đã suýt biến đợt giải cứu "mầu nhiệm" trở thành thảm kịch.

Giải cứu đội bóng Thái Lan: Những phút cuối nghẹt thở - Ảnh 1.

Video clip do cơ quan cứu hộ Thái Lan cung cấp ghi lại cảnh trong bệnh viện cho thấy các em nhỏ vừa được giải cứu đang có sức khỏe tốt

Mắc kẹt từ ngày 23-6 và được giải cứu ngày 10-7, câu chuyện về 12 cầu thủ thiếu niên U-16 và huấn luyện viên đã kết thúc theo cách được chờ đợi nhất: tất cả đều thoát ra ngoài an toàn. Nhưng chi tiết về đợt giải cứu, những mảng tối phía sau bức tranh đẹp đã dần hé lộ.

Suýt không có phép mầu

Như đã biết, 19 thợ lặn đã thực hiện nhiệm vụ giải cứu kéo dài 3 ngày tại hang Tham Luang. Từ bên trong hang, các máy bơm nước hoạt động liên tục để đảm bảo hang động không ngập và nhấn chìm toàn bộ trong hệ thống dài 4km từ miệng hang tới vị trí nhóm mắc kẹt. Nhưng ngay trước khi đưa những người cuối cùng ra ngoài, hệ thống bơm đã trục trặc, trong khi ít nhất 100 người cứu hộ và nhân viên hỗ trợ vẫn còn kẹt lại bên trong.

Nước bắt đầu dâng lên nhanh chóng, khoảng 1cm mỗi phút. Đỉnh điểm là các thành viên giải cứu bắt đầu náo loạn trong hang, họ trượt chân khỏi các tảng đá và các bậc thang tạm dựng dưới bùn lầy

Phóng viên Daniel Sutton mô tả

Phóng viên Daniel Sutton của kênh Channel 10 mô tả tình trạng trong hang động hỗn loạn, khi những tiếng la hét vang lên từ sâu bên trong. Theo báo Guardian, nhóm ít nhất 100 người trên lúc đó vẫn còn cách miệng hang tới 1,5km. Đồng nghĩa nếu mực nước dâng lên, họ không thể chạy kịp và sẽ bị nhấn chìm. Thật may, cuối cùng mọi việc cũng đã được xử lý đúng lúc để tất cả mọi người thoát ra khỏi hang an toàn.

Để hỗ trợ nhóm thợ lặn, những tình nguyện viên và nhân viên cứu hộ phải đứng bên ngoài những khoảng đất ẩm ướt 8 tiếng mỗi ngày, chờ đợi tới nhiệm vụ đưa các cậu bé ra ngoài trên con đường nguy hiểm. Một thợ lặn kể rằng nếu một trong số những người cứu hộ làm việc không cẩn thận, họ sẽ làm rơi cáng chuyên dụng nâng đứa trẻ bên trong. Đoạn đường cần cả sức bền và sự tỉ mỉ ấy khiến nhóm cứu hộ mất tới 4 hoặc 5 tiếng để ra ngoài cửa hang, nhưng thời gian cần thiết đã giảm xuống còn không tới 1 tiếng đồng hồ sau nỗ lực rút nước và dọn đường bằng xẻng của cả trăm người.

Sẽ được về nhà sau 1 tuần

Sáng 11-7, 10 tiếng sau khi thành viên cuối cùng của đội bóng được giải cứu thành công, thanh tra Bộ Y tế Thái Lan Thongchai Lertwilairattanapong đã có các thông tin bước đầu đến báo giới.

"Theo đánh giá của chúng tôi, tất cả các thành viên của đội bóng đều trong tình trạng sức khỏe tốt và không bị stress. Phần lớn các em bị sụt ký, trung bình là khoảng 2kg" - ông Thongchai khẳng định.

Ông Thongchai cho biết nếu sức khỏe ổn định và tiến triển tốt, các em sẽ được về nhà trong 7 ngày tới. Ông cũng khẳng định các em không bị sử dụng thuốc mê trong quá trình được giải cứu.

Chiều tối 10-7, nhóm 5 người cuối cùng bao gồm huấn luyện viên 25 tuổi của đội bóng đã được đưa ra ngoài trong niềm vui sướng vỡ òa của người dân Thái Lan. Khác với hai nhóm đầu tiên, nhóm cuối cùng khi được đưa ra khỏi hang thân nhiệt hoàn toàn bình thường, không xuống thấp. Tuy nhiên, có 1 thành viên bị viêm phổi nhẹ và điều trị bằng uống thuốc bình thường.

Ngoài việc theo dõi sức khỏe của các nạn nhân, người Thái cũng không quên những anh hùng đã giải cứu các em. Những "chú ếch" và "cá mập trắng" - các bác sĩ và đặc nhiệm hải quân Thái Lan cùng các tình nguyện viên quốc tế tham gia cứu hộ được theo dõi sức khỏe phòng trường hợp bị lây nhiễm.

"Họ sẽ được giám sát và theo dõi các dấu hiệu bệnh tật. Không có ai có dấu hiệu căng thẳng" - thanh tra Thongchai thông tin.

Đừng là nạn nhân của cảm xúc

Bầu không khí vui mừng ngập tràn từ phòng họp báo, hàng trăm người ngóng chờ ngoài Bệnh viện Chiang Rai cho tới mạng xã hội. Giờ phút họ mong chờ đã tới, thông tin họ muốn nghe suốt hơn hai tuần lễ đã xuất hiện: nhóm 13 người mắc kẹt trong hang động Tham Luang ở Thái Lan đã được giải cứu an toàn.

Trong hoạn nạn, người Thái đã đoàn kết. Sự nỗ lực của họ, cộng với tấm lòng hào hiệp từ thợ lặn, chuyên gia, tình nguyện viên khắp các nước khác đổ về Thái Lan, đã tạo ra hiệu ứng tích cực nhất mà con người có thể hướng tới. Tính nhân văn trong một cuộc giải cứu rõ ràng đáng trân quý. Sự hi sinh trong hoạn nạn là vô giá. Trải qua một giai đoạn như thế, người ta càng hiểu thêm về ý nghĩa của cuộc sống, của sự cho đi.

Nhưng không ít những cái nhướn mày đã xuất hiện. Phải chăng người ta đã làm quá lố với một vụ mắc kẹt? Tại sao vụ việc này lại được truyền thông toàn cầu săn đón, khi tình hình được cập nhật từng phút trong những bản tin phát trực tuyến của những đầu báo uy tín hàng đầu? Và tại sao chuyện tương tự lại không xảy ra trong hoàn cảnh hàng trăm, hàng ngàn người đã bỏ mạng ở những nơi khác? Chúng ta đang kéo tấm chăn hẹp mang tên hạnh phúc về phía ai, và điều đó có công bằng không?

Đài ABC (Úc) đã đặt dấu hỏi, và nhà nghiên cứu đạo đức và tâm lý xã hội Dan Crimston tại Đại học Queensland lý giải như sau: vấn đề mấu chốt là đơn giản chúng ta đang nhìn thấy đội bóng nhí Thái Lan. Khi chúng ta quan sát các nỗ lực cứu hộ và nhìn thấy cảm xúc của các cậu bé, của gia đình chúng. Sự cảm thông và những hi vọng được sinh ra từ đó. Và tình yêu thương được chia sẻ rộng rãi, nó sẽ mang hiệu ứng cộng hưởng.

Ông Crimston cũng không phủ nhận vai trò của truyền thông. Nhưng vai trò của truyền thông - những người muốn hướng tới cái đẹp và tính nhân văn - cũng phải được tiếp sức bằng việc họ có được tiếp cận "hiện trường" hay không. Cách vụ việc tại Thái Lan được tiếp cận khác hẳn việc truyền thông bị hạn chế khi đề cập tới hơn 200 trẻ em đang bị giam giữ tại Nauru và đất liền ở Úc. Và để sự cảm thông, tình yêu thương không tan biến trên màn hình, con người cần nhìn nhận thực tế, nhìn nhận sự tồn tại của những vấn đề lâu dài, chứ không nên lệ thuộc vào cảm xúc nhất thời. Còn đó rất nhiều thảm họa có thể ngăn chặn bằng sự quan tâm và nhận thức đúng mực.

Niềm vui không trọn

harris

Trong những ngày Thái Lan chứng kiến niềm vui từ đợt giải cứu thành công, có một nhân vật đón chào thành quả trong những tiếng nấc. Đó là ông Richard Harris (ảnh), bác sĩ gây mê tới từ Adelaide (Úc). Ông là một trong những người cuối cùng rời khỏi hang động Tham Luang, nhưng trong khoảnh khắc ấy ông hay tin cha mình đã qua đời.

Là một trong những tình nguyện viên tích cực và nổi bật nhất đợt giải cứu này, ông Harris đã hủy bỏ một kế hoạch nghỉ dưỡng để đến Thái Lan. Ông đánh cược với mạng sống khi di chuyển trong quãng đường 4km trong hang Tham Luang để tiến hành kiểm tra y tế cho các cậu bé - một bước quan trọng để thực hiện nhiệm vụ giải cứu.

Ông Harris đã từ chối nói chuyện với truyền thông trong bối cảnh đau thương pha lẫn niềm vui. Nhưng "sếp" của ông Harris, bác sĩ Andrew Pearce, cho biết cộng sự của mình đang rất đau buồn vì cái chết của người cha. Ông nói: "Đây rõ ràng là giai đoạn đau buồn cho gia đình Harris... Ông ấy sẽ về nhà sớm và sẽ có thời gian cho gia đình mình. Ông ấy yêu cầu được tôn trọng quyền riêng tư cho gia đình vào lúc này".

Từ nước Úc, Thủ tướng Malcolm Turnbull, Ngoại trưởng Julie Bishop cũng như Hiệp hội Y tế Úc đều tri ân ông Harris như một bác sĩ và một nhân cách tuyệt vời.

Công bố hình ảnh đầu tiên của đội bóng nhí Thái Lan sau khi được cứu

TTO - Những hình ảnh đầu tiên của đội bóng thiếu niên Thái Lan đã được công bố tại cuộc họp báo ở Mae Sai tối 11-7.

NHẬT ĐĂNG - BẢO DUY - THUẬN THẮNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp