Lao động phổ thông làm việc trong các khách sạn ở Phú Quốc hiện cũng được săn đón - Ảnh: HUY THỌ
Mỗi lần có dự án resort mới mở, chúng tôi lại hồi hộp vì kiểu gì cũng mất người.
Ông Phạm Công Sơn
Cần nhìn nhận rõ trách nhiệm của chính quyền, trường học và doanh nghiệp trong kết nối, xử lý bài toán "khát" nhân sự ngành du lịch của Phú Quốc để đảm bảo sự phát triển bền vững, xanh của hòn đảo này.
Đây là vấn đề được đặt ra tại tọa đàm "Phú Quốc khát nguồn nhân lực du lịch" do báo Tuổi Trẻ tổ chức ở Phú Quốc (Kiên Giang) ngày 12-11.
Cứ có khách sạn mới lại... hồi hộp
Ông Nguyễn Hữu Tuynh, đại diện Premier Residences Phu Quoc Emerald Bay, cho biết vì thiếu nhân sự cho khách sạn nên đơn vị vừa phải qua Cần Thơ tìm người. Sắp tới, đơn vị sẽ tổ chức các hội chợ việc làm ở Kiên Giang, hi vọng tiếp cận thêm nhiều ứng viên.
"Tình trạng thiếu nhân lực trải dài nhiều vị trí từ lao động phổ thông đến lao động cấp cao, nhưng căng thẳng nhất vẫn là các vị trí quản lý. Chúng tôi đang chuẩn bị đưa vào hoạt động một khu vui chơi cùng một khu nghỉ dưỡng ở Phú Quốc và hiện cũng đang chạy đôn chạy đáo tìm nhân sự" - ông Tuynh nói.
Ông Phạm Công Sơn, giám đốc điều hành The Shells resort, cũng cho biết tình trạng "khát" nhân sự đã diễn ra nhiều năm qua và doanh nghiệp cũng tìm biện pháp giải quyết.
"Hiện nhu cầu nhân sự cấp cao ở khách sạn 5 sao Phú Quốc rất lớn, một phần vì môi trường an sinh xã hội còn hạn chế nên không thu hút được cấp nhân sự này ra đảo.
Nhiều giám đốc sau một thời gian làm ở Phú Quốc đều xin về lại đất liền vì điều kiện bệnh viện, trường học chưa thật sự tốt cho gia đình họ" - ông Sơn nói và cho hay thực tế các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều chính sách giữ chân người lao động như xây ký túc xá, tăng lương...
"Đến nay áp lực đã giảm phần nào, nhưng mỗi lần có dự án resort mới mở thì chúng tôi lại hồi hộp vì kiểu gì cũng mất người" - ông Sơn nói.
Theo ông Tăng Chí Quyên - đại diện Sở Du lịch Kiên Giang, Phú Quốc đang góp đến gần 90% doanh thu ngành du lịch cả tỉnh. Chỉ tính riêng Phú Quốc đã có 12 khách sạn 5 sao đang hoạt động, 7 khách sạn 4 sao...
Trong khi đó, trong 13.000 lao động đang làm việc trong lĩnh vực du lịch của tỉnh có tới 11.500 người làm trong các khách sạn, còn lại là mảng lữ hành, dịch vụ khác.
"Tỉ lệ lao động ngành đã qua đào tạo khoảng 60%. Nghe khá hấp dẫn, nhưng trình độ cao đẳng, đại học chưa tới 20%, còn lại là sơ cấp ngắn hạn hoặc do doanh nghiệp tự đào tạo tại chỗ" - ông Quyên nói.
Xóa lằn ranh cung cầu
TS Trương Sĩ Vinh - phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch, Tổng cục Du lịch - nhìn nhận nếu đầu tư hạ tầng chỉ mất 1-2 năm hoàn thiện thì đầu tư nhân lực hoàn toàn khác.
Theo các con số hiện nay, đảo Phú Quốc đang có 23.000 phòng ở các khách sạn, 4-5 sao, nếu tính hệ số trung bình mỗi phòng các nhà quản lý phải cần 1,3 - 2 người phục vụ thì chúng ta cần xấp xỉ 36.000 nhân lực.
Các con số dự báo ngành du lịch cũng được cảnh báo tình trạng khủng hoảng nhân sự từ nhiều năm trước khi sự đầu tư vào hòn đảo này trở nên sôi động.
"Năm 2017, Bộ Giáo dục và đào tạo đã có cơ chế đặc thù về đào tạo nguồn nhân lực du lịch ở các địa phương. Theo đó, giữa trường và doanh nghiệp phải liên kết ít nhất 50% tiềm lực đào tạo thì sẽ hưởng được cơ chế đặc thù.
Vậy có điều gì đến nay mà chưa làm được khi câu chuyện nhân lực của Phú Quốc cần bắt đầu từ sự hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường, không thể tách rời" - ông Trương Sĩ Vinh nói.
Theo ông Trần Hùng Việt - chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, mỗi năm Phú Quốc có khoảng 300 học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học, phần lớn phụ huynh có tâm lý gửi con vào TP.HCM học tập và sinh sống, một số ít có những ngã rẽ khác.
Nếu có định hướng nghề nghiệp sớm cho các em học sinh biết được ngay tại quê hương mình đang có một cơ hội việc làm trong ngành du lịch, khách sạn và hình dung được công việc du lịch cần như thế nào thì sẽ giữ chân được người địa phương đi học và quay về...
Theo ông Lê Xuân Trung - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, buổi tọa đàm do báo Tuổi Trẻ tổ chức đồng hành là các doanh nghiệp, trường học đặt ra câu chuyện làm sao để Phú Quốc đang là nơi thu hút đầu tư mạnh mẽ của ngành du lịch cũng là nơi mà những người lao động dễ dàng tìm kiếm được cơ hội việc làm ở đây, ngay trên quê hương mình.
* Ông Nguyễn Tuấn Khanh (phó hiệu trưởng Trường ĐH Kiên Giang):
Cần sự hỗ trợ của doanh nghiệp
Năm học 2019-2020, ĐH Kiên Giang đã mở được hai ngành mới về quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành và quản lý khách sạn. Đây là hai ngành mới nhưng rất được quan tâm và được kỳ vọng sẽ đóng góp một phần cho nguồn lực du lịch Phú Quốc đang "khát" hiện nay.
Tuy vậy, về công tác đào tạo, trường vẫn mong muốn nhận sự hỗ trợ của doanh nghiệp, làm sao hai bên cùng chủ động bắt tay xóa bỏ ngăn cách cung cầu hiện nay.
Những người làm vị trí cao trong các doanh nghiệp, có nghiệp vụ hoàn toàn có thể tham gia đào tạo đứng lớp cùng nhà trường.
Trường ĐH Kiên Giang cũng đang xây dựng đề án đặc thù về đào tạo nguồn nhân lực và đề xuất có thể thành lập các bộ phận training (huấn luyện) ngay trong doanh nghiệp.
* Ông Nguyễn Thành Tâm (giám đốc Trung tâm du lịch nhà hàng khách sạn Trường cao đẳng quốc tế Kent):
Dạy học không thể thiếu thực hành
Hiện đã có các chương trình chuyên sâu, mang tính thực hành cao trong ngành du lịch. Tuy vậy, vẫn đang có độ vênh trong công tác đào tạo của nhà trường và doanh nghiệp.
Nhiều sinh viên đi thực tập nhưng doanh nghiệp không dám cho tiếp xúc với khách, dẫn đến sinh viên học ngành du lịch thuộc bài nhưng khi gặp khách hàng thì lúng túng, quên hết bài.
Chúng tôi chứng kiến Phú Quốc đang thu hút một lượng nhân lực từ nơi khác đổ về, nhưng cứ sau một thời gian họ lại rời đi, để lại chỗ trống nhân lực, doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn.
Trong khi rất nhiều người địa phương do không có kỹ năng nên chỉ được nhận làm bán thời gian, lương thấp. Nếu đào tạo được cho người địa phương thì sự gắn bó lâu dài hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận