23/04/2018 11:26 GMT+7

Giải cờ vua dành cho người khiếm thị

HUY ĐĂNG
HUY ĐĂNG

TT - Không có ánh sáng từ đôi mắt, những người khiếm thị vẫn có thể tìm kiếm niềm vui từ những cuộc đấu trí sôi nổi trên bàn cờ vua - môn thể thao đang được phát triển trong cộng đồng người khiếm thị.

Anh Nguyễn Mạnh Hùng (phải) đấu cờ với PGS.TS Nguyễn Thiện Tống. Ảnh: H.Đ.
Anh Nguyễn Mạnh Hùng (phải) đấu cờ với PGS.TS Nguyễn Thiện Tống. Ảnh: H.Đ.

4 năm kể từ lần tổ chức gần nhất, giải đấu cờ vua dành cho người khiếm thị do Thư viện sách nói dành cho người mù tổ chức đã trở lại hôm 22-4, với sự tham dự của 67 VĐV đến từ nhiều tỉnh thành.

Nỗ lực gầy dựng sân chơi

Để có được giải đấu sôi nổi hôm 22-4 là sự nỗ lực của rất nhiều người, bao gồm bà Nguyễn Hướng Dương - giám đốc Thư viện sách nói - cũng như các nhà tài trợ, những mạnh thường quân đã gắn bó với cộng đồng người khiếm thị nhiều năm qua. Ra đời từ năm 2011, giải tổ chức đều đặn hằng năm đến năm 2014 thì gián đoạn vì Thư viện sách nói phải xây trụ sở mới và không có kinh phí. Đến năm nay, giải mới chính thức trở lại nhờ sự giúp đỡ của các mạnh thường quân. Đáng kể nhất là bà Lan Hạnh - người đã xây dựng phòng tập cờ vua cũng như tài trợ chính cho giải.

Gặp vô số khó khăn trong việc vận động tài trợ giải, cộng đồng Thư viện sách nói vẫn quyết tâm gầy dựng trở lại giải đấu cờ vua dành cho người khiếm thị - sân chơi ra đời từ ý tưởng của kỳ thủ Nguyễn Mạnh Hùng. Những ai hâm mộ thể thao khuyết tật VN ắt hẳn không xa lạ gì với cái tên Nguyễn Mạnh Hùng - chàng kỳ thủ khiếm thị đa tài.

Vừa học hành thành tài, Mạnh Hùng vừa trở thành một kỳ thủ nổi tiếng với đam mê vô cùng nơi bàn cờ. Giành nhiều thành tích ở các kỳ Para Games, Mạnh Hùng đồng thời quyết tâm phát triển phong trào chơi cờ vua cho người khiếm thị. Anh chính là người đã soạn ra bộ giáo án cờ vua bằng chữ nổi hiện đang được lưu truyền rộng rãi trong cộng đồng người khiếm thị.

“Khi tôi soạn ra bộ giáo trình cờ vua cho người khiếm thị, Thư viện sách nói đã tài trợ in ra nhiều cuốn và phát cho các học sinh trong Trường Nguyễn Đình Chiểu. Từ đó tôi có ý tưởng đến một ngày sẽ gầy dựng thêm nhiều giải đấu cho các em học sinh khiếm thị thi đấu cờ vua. Trước đó, phong trào chơi cờ khiếm thị hầu như chỉ có ở Q.Tân Bình. Cờ vua thực sự là một môn thể thao rất thích hợp dành cho người khiếm thị, nó giúp rèn luyện trí nhớ, óc tưởng tượng, phù hợp để họ áp dụng vào cuộc sống thường ngày”, anh Mạnh Hùng nói.

Sau nhiều năm vận động, cuối cùng phong trào cờ vua dành cho người khiếm thị của Thư viện sách nói đã có một “cơ ngơi” khang trang nằm trong căn nhà khá lớn ở đường Đinh Tiên Hoàng (Q.1) - cũng là nơi tổ chức giải đấu diễn ra hôm 22-4. Cứ mỗi năm, giải đấu lại mời một kỳ thủ nổi tiếng để giao lưu như Từ Hoàng Thông, Nguyễn Anh Khôi...

Tiến sĩ sáng mắt đấu thạc sĩ khiếm thị

Ngày thi đấu được mở màn bởi một cuộc so tài vô cùng đặc biệt, giữa anh Nguyễn Mạnh Hùng và PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - giảng viên Trường ĐH Bách khoa. Ngoài chuyên môn về kỹ thuật hàng không, TS Nguyễn Thiện Tống còn có một sở trường ít ai biết trên bàn cờ vua. Đam mê cờ vua hàng chục năm trời cũng như đã đồng hành với Thư viện sách nói từ những ngày đầu thành lập, TS Nguyễn Thiện Tống xung phong thi đấu với anh Mạnh Hùng ở giải năm 2012. Và kết quả thật bất ngờ, chàng kỳ thủ khiếm thị đánh bại vị tiến sĩ giàu kinh nghiệm trong ván cờ duy nhất ở giải năm đó.

Khi được hỏi về kỷ niệm này, TS Nguyễn Thiện Tống tỏ ra rất vui vẻ và kể: “Thực sự thì lần đó tôi có hơi chủ quan, cứ nghĩ rằng mình thi đấu với người khiếm thị nên không cần ôn luyện lại gì đâu, trước đó tôi đã không còn thi đấu cờ vua nhiều năm rồi. Và thực sự tôi đã thua. Tôi không dám đem cái học vị của mình ra để so sánh với ai, nhưng điều này chứng tỏ những người khiếm thị có thể làm được điều mà những người sáng mắt chưa chắc làm được. Tôi không phải dân cờ vua chuyên nghiệp, nhưng bản thân anh Nguyễn Mạnh Hùng cũng có một cuộc sống, công việc trí thức khác bên cạnh nghiệp đánh cờ mà”.

Chàng kỳ thủ Nguyễn Mạnh Hùng chính là một biểu tượng trong cộng đồng người khiếm thị về khả năng hòa nhập với cuộc sống của người bình thường. Không chỉ chơi cờ vua, anh còn học hành thành đạt khi tốt nghiệp khoa xã hội học ĐH Văn Hiến, sau đó lấy tiếp bằng thạc sĩ ngành tâm lý ở ĐH Sư phạm TP.HCM. Cuộc tái đấu giữa ông Nguyễn Thiện Tống và anh Hùng ở giải năm nay được mọi người đùa vui là màn so tài giữa “tiến sĩ sáng mắt” và “thạc sĩ khiếm thị”.

“Cờ vua là một trong những môn thể thao hiếm hoi, có lẽ là duy nhất mà người khiếm thị có thể thi đấu sòng phẳng với người bình thường. Vì vậy khi đến với cờ vua, những người khiếm thị sẽ rèn luyện được thêm bản lĩnh, tính kiên nhẫn để đối đầu với mọi chuyện trong cuộc sống, bên cạnh việc rèn tư duy, trí nhớ. Tất nhiên cũng không dễ đâu, để có thể nhớ hết bàn cờ trong hoàn cảnh không thấy gì thực sự rất hao tổn trí lực”, anh Hùng nói.

Vài nét về Thư viện sách nói

Ra đời vào năm 1998 từ những nỗ lực của bà Nguyễn Hướng Dương - người đã vượt qua số phận nghiệt ngã, Thư viện sách nói dành cho người mù sau những năm đầu chật vật tìm kiếm tài trợ nay đã có một cơ ngơi vững chắc ở đường Đinh Tiên Hoàng (Q.1, TP.HCM). Ban đầu, Thư viện sách nói hướng đến mục tiêu cho ra nhiều CD đọc sách. Đến những năm gần đây, nơi đây còn tổ chức dạy tin học cũng như cấp nhiều học bổng cho người khiếm thị.

HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp