Ông Lâm Quốc Thanh, cháu nội của ông Lâm Hồng Hẩu, trình bày sự việc - Ảnh: Hữu Khoa |
Năm 1960, ông nội tôi (ông Lâm Hồng Hẩu) đem một số bằng khoán điền thổ và giấy tờ về quyền sở hữu đất thế chấp tại Việt Nam Công thương Ngân hàng để đảm bảo cho khoản nợ 2.780.000 đồng.
Tổng cộng diện tích các lô đất trên các bằng khoán và trích lục địa bộ để thế chấp gần 10ha, vị trí đất thuộc các xã An Nhơn, Hạnh Thông, Bình Hòa và Tân Sơn Hòa (thuộc khu vực Q.Gò Vấp, Tân Bình và Bình Thạnh, TP.HCM bây giờ). Việc thế chấp này có đăng ký tại Ty Đề áp (cơ quan quản lý nhà, đất).
Sau ngày 30-4-1975, ông nội tôi đã trả bớt một số trong khoản nợ trên. Năm 2003, cha tôi (ông Lâm Hồng Thạnh) muốn xóa thế chấp trên các giấy tờ đất nên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM hướng dẫn cha tôi trả nợ.
Sau khi cha tôi trả nợ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM đã phát hành hai công văn xác nhận ông nội tôi không còn nợ của ngân hàng và việc thế chấp các bất động sản trên xem như đã được giải trừ (xóa thế chấp).
Những lô đất và số bằng khoán được giải trừ đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM liệt kê rõ trong hai công văn trên.
Từ đó đến nay, gia đình tôi đã nhiều lần gửi đơn yêu cầu xóa đăng ký thế chấp nhưng Trung tâm thông tin và đăng ký nhà, đất (nay là Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, thuộc Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM) không chịu xóa thế chấp, cũng không cấp giấy chủ quyền nhà đất mới cho gia đình tôi.
Gia đình tôi đã gửi đơn rất nhiều nơi, liên hệ rất nhiều lần nhưng đến nay không cơ quan nào giải quyết xóa thế chấp trên các bằng khoán và giấy tờ hợp lệ về đất đai trên cho gia đình tôi.
Luật đất đai năm 2003 cũng như các quy định trong giai đoạn này thừa nhận các loại giấy chủ quyền nhà, đất của chế độ cũ là hợp lệ và được quyền giao dịch. Vậy tại sao Trung tâm thông tin và đăng ký nhà, đất không làm thủ tục xóa đăng ký thế chấp, trả lại quyền mua bán, chuyển nhượng, thế chấp đối với các khu đất trên cho gia đình chúng tôi?
Việc các cơ quan chức năng không thực hiện đúng chức trách của mình, trả lại tài sản cho gia đình tôi sau khi giải trừ thế chấp đã gây thiệt hại nặng nề cho gia đình tôi. Tại sao pháp luật đất đai công nhận cho gia đình tôi được tài sản trên mà các cơ quan thừa hành bên dưới không chấp hành?
* Đại diện Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất TP.HCM:
Không thể xóa đăng ký thế chấp
Từ năm 2003 đến nay, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đã nhiều lần nhận đơn của gia đình ông Thanh và các cơ quan khác chuyển đến với nội dung yêu cầu xóa đăng ký thế chấp theo hai văn bản xác nhận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM năm 2003. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất TP cũng đã nhiều lần có văn bản trả lời gia đình ông Thanh và các cơ quan chuyển đơn.
Theo tài liệu trước năm 1975, có một số lô đất được liệt kê trong hai công văn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM năm 2003 (thuộc xã Tân Sơn Hòa) đã bị trưng thu phục vụ cho công ích.
Sau năm 1975, gia đình ông Thanh không có quá trình sử dụng đất đối với các bất động sản được liệt kê trong hai công văn của ngân hàng. Phần lớn đất trên hiện nay do người dân sử dụng ổn định và một phần thuộc sân bay Tân Sơn Nhất.
Vì vậy, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất không thể xóa đăng ký thế chấp đối với các bất động sản trên. Và gia đình ông Thanh cũng chưa đủ điều kiện để được cấp giấy chủ quyền nhà, đất theo quy định hiện hành.
* Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM:
Không có căn cứ để hoàn tiền cho ông Thạnh
Đối với các khoản vay trước năm 1975, ngân hàng chỉ tiếp nhận và lưu giữ các giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp chứ không tiếp nhận và quản lý tài sản trên thực tế. Do đó, khi giải trừ thế chấp, ngân hàng không tính đến yếu tố tài sản thế chấp có còn thuộc quyền sở hữu, sử dụng trên thực tế của người thế chấp tài sản hay không.
Năm 2003, ngân hàng thu nợ đối với khoản vay trước năm 1975 của ông Lâm Hồng Hẩu căn cứ vào đơn xin giải trừ thế chấp của ông Lâm Hồng Thạnh (con ông Hẩu). Việc trả nợ này do ông Thạnh tự nguyện và là giao dịch kết thúc quan hệ vay nợ của ông Hẩu với ngân hàng.
Gia đình ông Hẩu không còn quản lý, sử dụng phần đất được giải trừ thế chấp là một quan hệ khác, không liên quan đến việc thu nợ của ngân hàng. Vì vậy, việc này không làm căn cứ để ngân hàng xem xét hoàn lại số tiền mà ông Thạnh đã trả nợ.
* Luật sư Nguyễn Văn Kha Đoàn luật sư TP.HCM):
Nên xem xét hoàn lại tiền trả nợ
Cách xử lý của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất TP và của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP hoàn toàn đúng theo quy định pháp luật hiện hành. Phần đất thuộc sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay không thể trả lại cho gia đình ông Thanh vì đã được nhà nước (chế độ cũ) trưng thu trước năm 1975.
Phần đất còn lại hiện nay các hộ dân đã sử dụng, phần lớn đã được Nhà nước cấp giấy chủ quyền nhà, đất. Quan trọng hơn, các hộ dân này sử dụng liên tục trên 30 năm nên gia đình ông Thanh cũng không thể đòi lại tài sản được.
Theo quy định hiện hành, khi người sử dụng đất trả hết nợ, xóa thế chấp thì có đầy đủ các quyền đối với bất động sản của mình. Ở đây, người dân nợ ngân hàng chế độ cũ, trả nợ cho Ngân hàng Nhà nước sau năm 1975, sau khi trả nợ xong thì không thuộc đối tượng được sử dụng đất theo quy định của luật đất đai hiện hành.
Nguyên nhân của việc tréo ngoe này là do quá trình tiếp nhận, chuyển giao giữa hai chế độ. Vì vậy, xét về tình thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM nên xem xét hoàn trả số tiền mà gia đình ông Thanh đã trả nợ để thể hiện tính nhân văn của Nhà nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận