Vòng loại khu vực TP.HCM sẽ diễn ra tại hai cụm sân của Đại học Cảnh sát nhân dân và Đại học Tôn Đức Thắng. Trong đó, sân Đại học Tôn Đức Thắng sẽ tổ chức các trận vòng bảng cho đến chung kết.
Hứa hẹn lấp đầy các khán đài
Khánh thành từ năm 2013, khu phức hợp thể thao của Đại học Tôn Đức Thắng nhanh chóng trở thành địa điểm vô cùng lý tưởng để đăng cai các giải đấu của sinh viên. Nơi đây có một sân bóng đá, cụm sân quần vợt và nhà thi đấu trong nhà có thể tổ chức các môn bóng rổ, bóng chuyền, bóng bàn, võ thuật...
Đặc biệt, sân bóng đá nơi đây sử dụng mặt cỏ nhân tạo đạt chuẩn 2 sao của FIFA, có đèn chiếu sáng 1200 lux, cùng hệ thống phòng y tế... và khán đài có sức chứa lên đến 7.000 người. Nhờ có chất lượng chẳng khác gì sân bóng của một CLB chuyên nghiệp, sân này thường xuyên trở thành địa điểm tập luyện của các đội trẻ tuyển Việt Nam và cả các đội quốc tế.
Nhưng trên hết, nơi đây vẫn là địa điểm phục vụ cho nhu cầu chơi thể thao của sinh viên. Ông Nguyễn Thế Nghĩa - người phụ trách quản lý khu phức hợp thể thao Đại học Tôn Đức Thắng - cho biết cùng một thời điểm, nơi đây có thể phục vụ cho hàng trăm hoặc cả ngàn sinh viên chơi thể thao. Các sinh viên cũng là đối tượng được ưu tiên khi thuê sân thi đấu.
Vì vậy, vòng loại khu vực TP.HCM diễn ra tại sân Đại học Tôn Đức Thắng càng hứa hẹn sẽ tăng thêm bầu không khí sôi động của giải. Bởi ngoài lực lượng khán giả là công nhân, viên chức từ các đội bóng dự giải, khán đài nơi đây còn chào đón thêm các sinh viên yêu mến quả bóng tròn.
Đảm bảo về mặt cỏ
Trên hết, chất lượng của sân thi đấu là điều đáng mong đợi nhất của một giải đấu. Ông Văn Xuân Thiện - một trong những người đầu tiên làm sân bóng đá cỏ nhân tạo tại Việt Nam - cho biết thực trạng mặt sân ngày càng tệ đi là bởi việc các nhà đầu tư tìm cách "cắt giảm" bớt những nguyên liệu làm sân.
Theo ông Thiện, một sân cỏ nhân tạo đúng theo chuẩn của FIFA sẽ bao gồm năm lớp. Lớp dưới cùng là lớp đá cấp phối, tiếp đến là lớp vải địa kỹ thuật, lớp cát, lớp hạt nhựa cao su và trên cùng là phần ngọn cỏ (sợi yarn).
"Nhiều người chơi bóng đá phong trào trung niên đã phải chuyển từ sân cỏ nhân tạo 5 người, 7 người sang chơi sân cỏ tự nhiên ở sân 11 người vì vấn đề này. Do mặt sân kém chất lượng nên rất thô cứng, rất dễ gây ra nhiều loại chấn thương khác nhau" - ông Nguyễn Thành Nam, một HLV có tiếng trong giới bóng đá phong trào ở TP.HCM, chia sẻ.
Cũng vì vậy, số ít các sân bóng chất lượng như của Đại học Tôn Đức Thắng luôn là địa điểm trong mơ với dân chơi bóng đá phong trào. Ông Nguyễn Thế Nghĩa cho biết nhà trường có máy xới cỏ và sử dụng hai tuần một lần. Đồng thời rải thêm hạt cao su để đảm bảo mặt sân luôn giữ được chất lượng, phòng tránh được chấn thương cho người chơi.
Bất ngờ với quy mô giải đấu
Ông Nguyễn Ngọc Nam - chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần xây dựng Coteccons và là trưởng đoàn đội bóng - cho biết đội khá bất ngờ với quy mô của giải đấu. Không chỉ có quy mô toàn quốc và có số lượng đội tham dự đông đảo, giải còn có sự chuyên nghiệp và bài bản.
Ông Nam nói: "Phong trào bóng đá ở Coteccons rất tốt khi có nhiều giải đấu nội bộ ở các công trường và toàn công ty. Do đó, anh em cầu thủ đã thi đấu trên nhiều mặt sân khác nhau. Nhưng chúng tôi nghe nói mặt sân thi đấu ở vòng loại khu vực TP.HCM còn xịn hơn nữa. Đặc biệt là chất lượng của sân Đại học Tôn Đức Thắng, nơi đã tổ chức các giải đấu lớn.
Thi đấu với quyết tâm cao để đem chiến thắng về cho đội nhà, các cầu thủ dễ xảy ra vấn đề về chấn thương. Nhưng nếu thi đấu trên mặt sân tốt, điều này không chỉ giúp cầu thủ thể hiện tốt kỹ thuật chơi bóng của mình mà còn tránh để xảy ra chấn thương đáng tiếc. Anh em đang rất mong chờ đến ngày ra sân thi đấu, được chạy trên mặt sân chất lượng và ghi những bàn thắng quyết định".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận