27/10/2019 15:38 GMT+7

Giải bài toán 'Huế trực thuộc trung ương'

MINH TỰ thực hiện
MINH TỰ thực hiện

TTO - Huế trong quá khứ là thủ phủ của Đàng Trong và kinh đô của Việt Nam. Huế hiện tại là đô thị loại 1, thành phố Festival, bảo tồn nhiều di sản của thế giới. Vì vậy, Huế đã là một đô thị đặc thù với vị thế đặc biệt.

Giải bài toán Huế trực thuộc trung ương - Ảnh 1.

Huế là nơi còn giữ gìn nguyên vẹn di sản đô thị cổ và kinh đô của Việt Nam thế kỷ 19 - Ảnh: HOÀNG HẢI

Thế nhưng, Huế hiện nay vẫn là đô thị thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Làm thế nào để Huế trở thành đô thị trực thuộc trung ương? 

Bài toán này đã được đặt ra từ 23 năm trước, năm 1996, khi HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế trình lên Quốc hội đề án xây dựng toàn tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương, và không được tán thành vì không thể có một đô thị trực thuộc trung ương với đa phần diện tích, dân số là nông thôn và miền núi.

Đến năm 2009, đề án này lại một lần nữa được đệ trình, và Bộ Chính trị đã ra kết luận số 48 ngày 25-5-2009, tán thành phương hướng xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương. 

Tuy nhiên, sau mười năm thực hiện kết luận 48 của Bộ Chính trị, Ban chỉ đạo 182 (Ban Chấp hành trung ương) đánh giá tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn chưa hoàn thành được mục tiêu cơ bản là trở thành thành phố trực thuộc trung ương. 

Để hoàn thành mục tiêu này, Huế cần một nghị quyết mới của Bộ Chính trị, như đã ban hành cho Đà Nẵng, Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng.

Để xây dựng nghị quyết đó, Ban Kinh tế trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo "Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2045" vào ngày 25-10 tại Huế. Tuổi Trẻ lược ghi các ý kiến tại diễn đàn này.

Khái niệm mới: đô thị di sản

* Ông Phan Ngọc Thọ (chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế):

Cơ chế đặc thù cho Huế

phan ngoc tho

Huế đang phát triển đô thị theo định hướng "di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường". 

Việc mở rộng không gian đô thị Huế là đòi hỏi tất yếu. Sự phát triển của đô thị Huế luôn mang tính đặc thù, riêng biệt của một vùng đất di sản. 

Để Huế trở thành thành phố di sản quốc gia theo định hướng đó thì cần phải có cơ chế đặc thù. 

Vì vậy, tỉnh mong trung ương và các chuyên gia cùng nghiên cứu xây dựng thí điểm một cơ chế, chính sách mang tính đột phá và đặc thù cho Huế.


* TS Phan Thanh Hải (giám đốc Sở Văn hóa - thể thao Thừa Thiên Huế):

Huế là đô thị di sản đặc thù của Việt Nam

phan thanh hai


Cho đến nay không nơi nào ở Việt Nam có được ưu thế đặc biệt về di sản như Thừa Thiên Huế. Một hệ thống di sản được bảo tồn nguyên vẹn cả vật thể lẫn phi vật thể, văn hóa cung đình đến văn hóa dân gian, từ cảnh quan thiên nhiên đến lối sống Huế, con người Huế, những phong tục tập quán...

Do vậy, để phát huy những lợi thế này thì con đường phù hợp nhất chính là xây dựng Huế trở thành đô thị di sản cấp quốc gia đặc thù của Việt Nam. 

Đô thị Huế phải phát triển theo hướng phát triển bền vững dựa trên thế mạnh đặc trưng là di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên và thân thiện môi trường. 

Việc xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạt được nhờ vào việc bảo tồn và phát triển "thành phố di sản". Để kinh tế du lịch di sản trở thành động lực phát triển đô thị thì Huế phải hướng tới xây dựng một "thành phố du lịch di sản".

* PGS.TS Đặng Văn Bài (phó chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia):

Bổ sung khái niệm "đô thị di sản" vào luật

ông đặng văn bài

Với một hệ thống di sản đang được bảo tồn và phát huy rất tốt, Huế xứng đáng là thành phố di sản. Tuy nhiên, đây là một khái niệm mới, chưa có trong Luật di sản văn hóa cũng như trong các quy định về đô thị ở Việt Nam. 

Do đó, Bộ Văn hóa - thể thao & du lịch cần làm rõ khái niệm này và đưa khái niệm "thành phố di sản" hay "đô thị di sản" vào Luật di sản sửa đổi sắp tới. Như thế mới dễ dàng cho việc ban hành chính sách đặc thù cho Huế.

Đô thị di sản có bốn bộ phận cấu thành chính, đó là: cảnh quan thiên nhiên, ý tưởng quy hoạch ban đầu, quỹ kiến trúc đô thị mà tiêu biểu là các di tích lịch sử - văn hóa, lối sống - phong tục tập quán làm nên sắc thái đô thị. 

Tôi xin nhấn mạnh đến "lối sống Huế" với một phong cách riêng biệt, đó chính là hồn cốt làm nên đô thị di sản Huế.

Thành phố di sản - kinh tế du lịch

* TS Trần Du Lịch (thành viên Tổ tư vấn của Chính phủ):

Đô thị di sản phải phát triển bằng du lịch

ông trần du lịch ngay 26-10


Du lịch phải là trụ cột kinh tế của đô thị di sản Huế. Huế đã bảo tồn tốt di sản văn hóa của quốc gia và của cả nhân loại, nhưng Huế không thể nghèo mãi trên di sản quý giá như thế. Kinh tế phải tăng trưởng bằng việc phát huy giá trị di sản, không bảo tồn di sản một cách thụ động. 

Vì vậy cần một chính sách cho Huế trở thành đô thị di sản, giải quyết mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, để phát triển kinh tế. 

Cần xây dựng một nghị quyết như nghị quyết 43 mà Bộ Chính trị đã ban hành và đã mang lại thành công cho Đà Nẵng.

* TS Nguyễn Anh Tuấn (viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Tổng cục Du lịch):

Phát triển du lịch Huế gắn với phát triển đô thị

ông nguyễn anh tuấn


Hiếm có địa phương nào có tài nguyên du lịch đa dạng và đặc sắc như Huế, nổi bật nhất là di sản văn hóa. 

Huế có đầy đủ điều kiện để phát triển thành trung tâm du lịch của quốc gia. Sự phát triển du lịch của Huế có mối quan hệ mật thiết với chính sách phát triển đô thị. 

Việc làm rõ bản sắc của đô thị Huế để xác định chính xác "điểm cạnh tranh" là hết sức cần thiết, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững và tính hấp dẫn lâu dài của điểm đến.

Ông Nguyễn Văn Bình (ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Ban Kinh tế trung ương):

Cần một nghị quyết cho Huế!

hinh ong binh


Huế là trường hợp điển hình cho quan điểm "văn hóa vừa là nền tảng vừa là động lực phát triển".

Việt Nam có nhiều cố đô nhưng chỉ cố đô Huế là còn nguyên vẹn nhất. Niềm tự hào của một quốc gia không chỉ là thành quả hiện tại mà phải có quá khứ, đó là di sản văn hóa. Huế là nơi giữ gìn giá trị đó cho quốc gia và cả nhân loại.

Vì vậy, văn hóa là giá trị cốt lõi, là nền tảng để Huế phát triển. Các ngành kinh tế của Huế cũng xoay quanh trục văn hóa.

Việc đưa cả tỉnh Thừa Thiên Huế thành đô thị trực thuộc trung ương sẽ rất khó khả thi, 10 năm rồi vẫn chưa đạt được.

Nếu xây dựng Huế trở thành thành phố di sản trực thuộc trung ương thì phù hợp và khả thi hơn, dù hiện vẫn chưa có bộ tiêu chí cho loại hình đô thị này. Vì vậy, cần phải bàn cụ thể và nhanh chóng xây dựng bộ tiêu chí đó.

Vì Huế là của cả quốc gia nên không thể để Huế tự loay hoay mà trung ương phải hoạch định chính sách cho Huế. Phải đặt Huế trong liên kết vùng miền Trung và cả quốc gia. Quan điểm của tôi là cần ban hành một nghị quyết cho Huế.

Tôi mong muốn nghị quyết đó được thông qua, để lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ nhìn rõ hơn quan điểm: văn hóa vừa là nền tảng vừa là động lực phát triển, và Huế là biểu hiện sinh động nhất điều đó.

Với diện tích hơn 5.000km2, dân số gần 1,2 triệu người, Thừa Thiên Huế có thành phố Huế - cố đô của Việt Nam, là đô thị loại I, thành phố di sản thế giới, thành phố văn hóa ASEAN, thành phố Festival, và là 1 trong 5 đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế; là trung tâm văn hóa, du lịch; trung tâm y tế chuyên sâu; trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực của miền Trung và cả nước.

Huế hiện có gần 1.000 di tích, trong đó 5 di sản nhân loại, 2 di tích đặc biệt, 87 di tích cấp quốc gia, 8 nhóm cổ vật và 32 hiện vật là bảo vật quốc gia.

(Nguồn: UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

Xây dựng Huế thành đô thị di sản cấp quốc gia Xây dựng Huế thành đô thị di sản cấp quốc gia

TTO - Huế xứng đáng là thành phố di sản, nhưng khái niệm này chưa có trong Luật di sản văn hóa cũng như trong các quy định về đô thị ở Việt Nam.

MINH TỰ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp