Nhìn xung quanh thấy bạn bè ai cũng thành công, luôn đối mặt với sự gặng hỏi và so sánh từ gia đình... là tình trạng phổ biến mà nhiều bạn trẻ đang đối mặt và bị áp lực.
Ám ảnh "con nhà người ta"
Mặc dù đậu vào ngành tốp đầu với điểm chuẩn cao ngất ngưởng ở một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, nhưng T. (21 tuổi) vẫn luôn cảm thấy tự ti vì nghĩ rằng bản thân không đủ hiểu biết, đủ giỏi để có thể tự do thể hiện cá tính ở trường lớp.
Từ đó, cô dần thu mình lại và ngày càng cảm thấy áp lực trước sự nổi bật, thành công của bạn bè đồng trang lứa.
Cảm giác này không chỉ đeo bám T. mỗi khi cô đi học, mà còn ở lúc lướt mạng xã hội giải trí.
Cứ mở điện thoại lên, T. sẽ đọc được những tin tức liên quan đến việc bạn bè vừa đạt được một thành tựu mới, học được một kỹ năng mới... hay thậm chí là có những người tiết lộ mức lương cao ngất ngưởng so với mặt bằng chung.
Điều này khiến T. dường như rơi vào trầm cảm và có những cảm xúc rất tiêu cực.
"Mẹ của tôi là giáo viên nên rất chú trọng vào thành tích học tập của con. Nếu như cùng một bài mà tôi được 9, bạn thân tôi được 10 thì mẹ sẽ không ngừng gặng hỏi tại sao bạn đó được 10 nhưng con chỉ được 9, thay vì công nhận sự nỗ lực của tôi đi từ 7, 8 lên 9 chẳng hạn" - T. tâm sự.
ThS tâm lý Đặng Hoàng An (giảng viên khoa tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) chia sẻ: "Có hai nguyên nhân chính dẫn đến áp lực đồng trang lứa ở người trẻ, đó là nguyên nhân bên trong và nguyên nhân bên ngoài.
Nguyên nhân bên trong xuất phát từ chính người mắc phải tình trạng đó. Còn những nguyên nhân bên ngoài có thể đến từ người khác, tác nhân... ở ngoài xã hội tác động vào người trẻ".
Biến áp lực thành động lực
Là người thường xuyên tiếp xúc và làm việc với sinh viên, ông Đặng Hoàng An nhận ra số lượng bạn trẻ mắc phải tình trạng này ngày càng có xu hướng tăng.
Truyền thông và mạng xã hội có sự tác động nhất định đến lối nghĩ và hành động của người trẻ. Khi tiếp nhận những thông tin về thành tựu hay giải thưởng của người khác, các bạn trẻ có xu hướng tự so sánh và tự hình hành áp lực ngay từ bên trong.
Tuy nhiên, áp lực bản thân với các bạn đồng trang lứa không phải lúc nào cũng xấu. Nó thậm chí có thể biến thành động lực to lớn nếu các bạn trẻ hiểu rõ được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân mình và lấy người khác làm tấm gương để vươn lên.
Từng là một người không dám nói tiếng Anh quá ba câu, Xuân Phúc (sinh viên năm 4 Đại học Bangkok, Thái Lan) đã rất ngại khi thấy xung quanh cậu ai cũng thành thạo ngoại ngữ hoặc có bằng IELTS điểm cao.
Nhưng cậu nhận ra nếu cứ trốn tránh thì cậu sẽ không bao giờ có thể chinh phục được ngôn ngữ này.
Vì vậy cậu đã quyết định bước ra khỏi vòng an toàn, bắt đầu nghe thật nhiều video tiếng Anh và mạnh dạn đứng trước mặt những người nước ngoài để nói chuyện dù vốn từ vựng chưa nhiều.
"Hồi học cấp 3, tôi từng ấp ủ ước mơ được đi du học nhưng học tiếng Anh mãi chẳng xong. Cứ nhìn bạn bè lần lượt đi du học, tôi buồn nhiều lắm. Đúng là muốn học tốt ngoại ngữ cũng cần phải có năng khiếu, nhưng tôi chọn cách đi từ từ.
Sai ở đâu thì đứng dậy ở đó. Và tôi đã đạt được điểm IELTS 6.0, đủ để tôi có thể hoàn thành ước mơ du học" - Xuân Phúc nói.
Theo Xuân Phúc, cần phải hiểu rõ được bản thân là "một cá thể độc lập và duy nhất" để không gán hình ảnh của bản thân vào khuôn mẫu của bất kỳ ai khác.
Chọn lọc thông tin như "ăn mía"
ThS tâm lý Nguyễn Bảo Ân - người sáng lập Let Go Dear, phòng tham vấn chuyên về mô hình phục hồi sức khỏe tâm thần và tâm lý học tích cực - cho biết để tránh khỏi những suy nghĩ tiêu cực về bản thân với những thông tin mà họ nhận được, vấn đề chọn lọc tiếp thu tin tức ở người trẻ cần được diễn ra chủ động hơn.
"Có một hình ảnh rất thú vị minh họa cho việc tiếp nhận thông tin từ người khác, đó chính là như cách chúng ta ăn mía. Hãy ăn nước ngọt và nhả xác mía, đừng làm ngược lại.
Bên cạnh đó, các bạn cần phải học cách để chuyển trọng tâm chú ý của mình vào các yếu tố ưu tiên trong việc phát triển bản thân, thay vì đắm chìm vào những thông tin đó và cảm thấy lạc lối, khó chịu" - ông Ân nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận