Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) trong lễ tuyên thệ nhậm chức của trưởng đặc khu Macau Hạ Nhất Thành ngày 20-12 - Ảnh: REUTERS
Nếu chính quyền Bắc Kinh cần một bằng chứng cho thấy "một quốc gia, hai chế độ" là ý tưởng thành công, không ứng viên nào sáng giá hơn Macau vào thời điểm hiện tại.
Macau thành công vì người Macau yêu nước
Phát biểu trong lễ nhậm chức trưởng đặc khu Macau của ông Hạ Nhất Thành hôm 20-12, ông Tập nhấn mạnh bởi vì người Macau "yêu nước", nên họ biết cách thể hiện quan điểm "một cách hợp lý" và góp phần vào sự thành công của nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ".
GDP của Macau tăng gấp 8 lần trong 20 năm, tăng vọt từ 6,4 tỉ USD năm 1999 lên mức 55 tỉ USD trong năm ngoái, GDP bình quân đầu người hơn 84.000 USD - đứng hàng thứ hai thế giới; giáo dục được miễn phí trong 15 năm, đẩy tỉ lệ học đại học lên hơn 80%.
Macau còn mở rộng đúng nghĩa đen, khi tăng diện tích từ 22km2 lên 32km2 bằng các công trình lấn biển, kết nối với Hong Kong và Quảng Đông bằng những cây cầu vượt biển dài nhất thế giới.
"Ý thức về quốc gia và tinh thần yêu nước đã ăn sâu vào trái tim của những người trẻ tuổi", ông Tập nhấn mạnh trong buổi lễ ngày 20-12, khẳng định lòng trung thành đối với Bắc Kinh là lý do quan trọng nhất cho những thành công của Macau. Trong số 700.000 dân Macau, số người di cư từ Trung Quốc đại lục sau năm 1999 chiếm gần một nửa, theo hãng thông tấn AFP.
"Tôi muốn nhấn mạnh ngay tại đây rằng sau khi Hong Kong và Macau được trao trả cho Trung Quốc, các vấn đề tại hai đặc khu hành chính này là công việc nội bộ của chúng tôi, không cần lực lượng nào từ bên ngoài chỉ trỏ can thiệp vào", Chủ tịch Tập Cận Bình gửi thông điệp đến Mỹ và các nước phương Tây xung quanh vấn đề Hong Kong.
Báo South China Morning Post nhận định những gì ông Tập nói ra tại Macau trong suốt chuyến đi 3 ngày không chỉ nhằm bảo vệ "một quốc gia, hai chế độ", đó còn là "lời rao giảng gián tiếp lãnh đạo Trung Quốc muốn gửi đến Hong Kong".
Từ Macau nhìn về Đài Loan
Cho đến tận những năm đầu tiên của thập niên 1990, có 3 lãnh thổ lịch sử vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của Trung Quốc là Hong Kong, Macau và Đài Loan. Khi nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đề ra ý tưởng "một quốc gia, hai chế độ", đối tượng mà ông hướng đến không phải Hong Kong hay Macau mà là Đài Loan. Trong khi Hong Kong và Macau đã trở về với đại lục theo nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ", Đài Loan vẫn còn tách biệt 70 năm sau cuộc nội chiến.
Nhưng nói như ông Lưu Kết Nhất - trưởng văn phòng các vấn đề Đài Loan của Chính phủ Trung Quốc - trên Nhân Dân Nhật Báo hôm 19-12: "Cơ hội để thực hiện sứ mệnh phục hưng Trung Hoa chưa bao giờ lớn như lúc này. Trung Quốc đã có đủ điều kiện để tái thống nhất Đài Loan".
Hồi đầu năm nay, ông Tập một lần nữa làm sống dậy ý tưởng của người tiền bối Đặng Tiểu Bình khi kêu gọi Đài Loan về với đại lục theo mô hình "một quốc gia, hai chế độ", rằng "người Trung Quốc không nên đánh người Trung Quốc". Đề xuất đó đã liên tục vấp phải sự từ chối thẳng thừng của chính quyền Đài Loan do bà Thái Anh Văn đứng đầu - người tuyên bố không muốn đi vào vết xe đổ của Hong Kong.
Các phát ngôn của ông Lưu được đưa ra khi chỉ còn vài tuần nữa là đến cuộc bầu cử chọn ra người đứng đầu Đài Loan. Trong khi bà Thái vẫn đang chiếm ưu thế so với các ứng viên thân Bắc Kinh, một học giả Trung Quốc nhận định những tuyên bố của ông Lưu cho thấy Bắc Kinh không quan tâm phe nào sẽ cầm quyền ở Đài Bắc bởi trước sau gì họ cũng sẽ thống nhất Đài Loan.
"Khôi phục sự vĩ đại của Trung Quốc"
“Chủ tịch Tập Cận Bình muốn gì? Nói ngắn gọn, đó là khôi phục sự vĩ đại của đất nước Trung Hoa” - giáo sư Graham Allison, một cố vấn trải qua nhiều đời tổng thống Mỹ, nhận định trong quyển Định mệnh chiến tranh xuất bản lần đầu năm 2017.
Theo giáo sư Allison, sự vĩ đại mà ông Tập muốn khôi phục không chỉ là một nước Trung Quốc giàu có, lấy lại vị thế thống trị khu vực trước khi người phương Tây đặt chân đến. Đó còn là “tái áp đặt quyền kiểm soát trên các khu vực lãnh thổ đã từng là một phần của đại Trung Hoa” như Đài Loan, Hong Kong và Macau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận