Giấc mơ đại học ngày càng trở nên xa vời, thay vào đó Ngọc chỉ muốn mẹ khỏe lại - Ảnh: TRẦN MAI
Ngọc ngồi đó, bên cạnh người mẹ với đôi chân yếu ớt cần được xoa bóp để xua đi cơn đau cứ chực chờ từng cơn gió mùa ập đến. Hôm nay áp thấp về, đôi chân bà Nguyễn Thị Liêm (54 tuổi) càng đau đớn hơn.
Hai tiếng: Gia đình
Đôi mắt bà từ lâu cũng đã không còn nhìn thấy gì đó rõ ràng, cứ yếu dần, yếu dần. Và ở tuổi 17 Ngọc ước mơ đơn giản: "Em ước được đến trường và mẹ vẫn còn nhìn thấy em mỗi ngày"...
"Mẹ vì hai từ gia đình mà quyết định sinh em, em phải cố giữ hai từ gia đình ấy".
Nguyễn Thị Bích Ngọc
Bà Liêm "tự túc" sinh ra Ngọc khi đã 37 tuổi. Ngày người đàn bà khuyết tật ở chân quyết định sinh con là trong lòng mang nỗi khát khao cháy bỏng được làm mẹ. Người mẹ nghèo đã lường trước được những khó khăn, vậy mà bà vẫn phải thừa nhận: "Tôi hạnh phúc vì có con, nhưng khó khăn ngoài suy nghĩ ban đầu".
Có Ngọc, bà Liêm cũng có thêm từ gia đình, thay vì cảnh cô đơn ngày trước. Khi Ngọc còn nhỏ, bà Liêm bước thấp bước cao làm đủ thứ nghề để nuôi con. "Giờ Ngọc lớn bằng từng này rồi, bao năm qua không có con chắc tôi cũng không còn động lực sống" - bà Liêm nói.
Câu chuyện cứ xấp ngửa theo nhịp cảm xúc, để "Ngọc lớn bằng từng này", bà Liêm bảo là nhờ còn có đôi tay.
Từ khi có Ngọc, bà Liêm vay tiền nuôi gà, heo tạo ra nguồn thu nhập chính nuối sống tổ ấm cheo neo của mình. Cứ thế mà hạnh phúc như một lẽ tự nhiên. Chân bà Liêm vẫn tập tễnh đi lại được, chỉ cần chân đến nơi là mọi việc nhường lại cho đôi tay, thế mà lại đến một ngày...
Nửa năm trước, vào một ngày trời đổ gió, bà Liêm nghe chân trái (chân trụ, chân phải bị tật) có biểu hiện lạ, cơn đau nhức khiến bà không đi lại được. Bà Liêm cố nghĩ do trái gió trở trời, dù linh tính cho bà thấy có điều không ổn.
Bà im lặng chịu đau cố gắng làm việc để con khỏi lo lắng. Nhưng chân teo lại dần đã không thể giấu được Ngọc: "Dù mẹ nói ổn, nhưng em thấy mẹ yếu và đau lắm. Mẹ nghĩ em không biết nhưng tối nào em cũng nghe mẹ rên rỉ dù rất nhỏ".
Khi thấy chân mẹ gần như đi lại không được và cơ thể gầy rộp, Ngọc cùng mẹ đi khám bệnh. Hết bệnh viện huyện, rồi tỉnh rồi ra tận Đà Nẵng bệnh tình vẫn không thuyên giảm mà tiền thì đã không còn. Hai mẹ con xin đơn thuốc rồi trở về quê, từ chối nằm viện điều trị nội trú. "Mẹ em đi lại gần như không được, chỉ quanh quẩn trong nhà thôi. Trời chuyển là đau lắm" - Ngọc tâm sự.
Hai tháng trở lại đây, đôi mắt bà Liêm lại có dấu hiệu mờ đi. Bà không dám đi khám vì sợ lại nhập viện mổ mắt với chứng bệnh đục thủy tinh thể, vừa phải mất một khoản tiền lớn không biết xoay sở như thế nào, không lẽ lại để con xoay trở.
"Nhiều lúc ngồi bất lực nhìn nó lúi húi làm mấy công việc nặng nhọc mà tôi quặn lòng. Chỉ dám nép mình một góc cửa nhìn con, sợ bé Ngọc nó thấy nó lại buồn tủi, nhà thì có hai mẹ con, đi không vững, mắt tôi lại dần mờ đi thế này…" - Bà Liêm ngậm ngùi.
Mỗi ngày Ngọc phải bóp chân cho mẹ, dù vậy đôi chân bà Liêm vẫn ngày một yếu dần - Ảnh: TRẦN MAI
Giữ lấy "Gia đình"
Mỗi tháng, mẹ con chị nhận được khoản trợ cấp hộ nghèo là bốn trăm nghìn đồng. Với số tiền này, bà Liêm phải chi tiêu rất tiện tặn. Biết được gia cảnh khó khăn, Hội Liên hiệp phụ nữ của xã cũng đã cho bà vay vốn mua bầy heo, có cái duy trì nguồn thu nhập chính cho cuộc sống hai mẹ con.
Và những công việc trước đây mẹ làm giờ "nhường" hết lại cho con. Nhóm bếp nấu nồi rượu vừa ủ xong, Ngọc tâm sự: "Mẹ vì hai từ gia đình mà quyết định sinh em, em phải cố giữ hai từ gia đình ấy".
Từ nhỏ, Ngọc nhận thức được hoàn cảnh của mình nên chưa bao giờ đòi hỏi quần áo, sách vở mới. Hàng xóm thương tình cho gì thì Ngọc nhận để đến trường, miễn là vẫn giữ lấy con chữ. Ở tuổi 17 Ngọc "quên" luôn mình đang vào thì con gái. Ngọc bảo rằng không cần quần áo đẹp, chỉ cần mẹ khỏe, mỗi ngày đi học về còn được gọi: "Mẹ ơi".
Tan học, cô gái tranh thủ chạy ra chợ mua thức ăn, về nấu nướng chăm mẹ. Rồi lại lo cho đàn heo, gà kêu ầm ĩ khi tới giờ ăn. Khổ cực vậy nhưng suốt 11 năm học qua, Ngọc luôn là học sinh khá, giỏi.
Và đâu đó tròn "tàn tro" của cuộc sống Ngọc vẫn giữ cho mình một "đốm lửa" ước mơ: "Em không biết mình sẽ học được đến lúc nào. Nhưng em ước sẽ trở thành một trưởng phòng kinh doanh trong tương lai" - Ngọc nói.
Sự học của Ngọc ngày càng khó khăn hơn bao giờ hết khi cánh cửa đại học đang cập kề. Tiền thuốc thang cho mẹ, tiền học phí, bao nhiêu khoản phải chi tiêu cho sinh hoạt của cả nhà lúc bấy giờ chẳng biết trông cậy vào ai.
Thấy mẹ vay mượn, chạy vạy làng trên xóm dưới nhưng vẫn thiếu trước hụt sau. Đồng tiền từ những nồi rượu gạo hiếm lắm mới có người mua vài lít…
Hai mẹ con chỉ còn trông bán được giá bầy lợn nhưng lại rớt giá thảm hại. Ngọc bèn nghĩ cách nhận giày về may. Mỗi chiếc giày Ngọc kiếm thêm được 3000 đồng - 4000 đồng. "Đi đâu em cũng cứ lo mẹ ở nhà một mình lỡ ngã thì..." - Ngọc đứt giọng.
Đôi chân và đôi mắt ngày một yếu dần mà một tương lai mới đã đến rất gần. Cổng đại học không còn xa với những cố gắng của Ngọc. Nhưng những cơn đau nhức của mẹ đôi khi làm Ngọc chùn đi ước mơ tuổi 17 của mình. Thay vào đó Ngọc bảo: "Em ước có đủ tiền để mẹ đi mổ mắt và đôi chân khỏe lại như trước kia là mừng rồi".
Vì hai tiếng "Gia đình" và giữ lại điều ấy, cô gái 17 tuổi và mẹ đang chống chọi từng ngày. Tương lai với họ không xa vời như người khác mà trong tổ ấm ấy, chỉ cần giữ lại hai tiếng gia đình đã là hạnh phúc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận