Trường mầm non Tân Hợp (xã Tân Hợp, huyện Văn Yên, Yên Bái) xập xệ - Ảnh: CHÍ TUỆ
Cả năm nay, Yên Bái là một điểm nóng. Nóng chuyện biệt phủ, nóng chuyện quan chức một nhà...
Nay, chúng tôi xin cung cấp thêm một chuyện nóng nữa của Yên Bái: là một trong những tỉnh khu vực Tây Bắc vẫn còn quá nhiều trường, điểm trường xuống cấp.
Không chỉ ở những huyện vùng cao cực kỳ khó khăn như Trạm Tấu, Mù Cang Chải, mà ngay ở huyện Văn Yên, Yên Bình sát ngay thành phố, vẫn có những điểm trường tranh tre, vách đất, mái lá xiêu vẹo.
Điểm trường mầm non Cầu Máng (xã Tân Hợp, huyện Văn Yên) là một trong những điểm trường vách đất, mái lá. Không thể ngờ, bên cạnh đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai lại có một điểm trường xiêu vẹo, xập xệ đến thế.
Điểm trường có 3 lớp mầm non nhưng chỉ có 2 phòng học: 1 phòng học vách đất, mái lá cọ cũ kỹ, 1 phòng học vừa được xây dựng mới năm 2016.
Dù điểm trường nằm ngay cạnh con đường cao tốc hiện đại, nhưng đường từ trung tâm xã đến điểm trường này lại cực kỳ khó đi.
Điểm trường mầm non Cầu Máng, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái - Video: CHÍ TUỆ - NGỌC QUANG
Dẫn chúng tôi xuống điểm trường, phó chủ tịch UBND xã Tân Hợp Triệu Đình Khôi ái ngại cho biết khó khăn nhất của xã là đường sá đi lại, với khoảng 20km đường xuống cấp nghiêm trọng, mặt đường đầy ổ voi, ổ gà. Đường sá, trường lớp của Tân Hợp đang là rào cản, là một trong sáu tiêu chí mà Tân Hợp không thể đạt chuẩn nông thôn mới.
Theo ông Khôi, xã có 14 thôn bản thì đến thời điểm này vẫn còn 5 thôn bản chưa có điện lưới quốc gia. Số phòng học cũng thiếu, và chỉ riêng bậc học mầm non hiện vẫn thiếu 4 phòng học, ngay điểm trường mầm non Cầu Máng cũng còn thiếu 2 phòng học nên trẻ phải học xen ghép, lẫn lộn các độ tuổi…
Cô giáo Nguyễn Thị Hảo, người gắn bó với điểm trường Cầu Máng ngay từ khi thành lập, cho biết điểm trường được mở từ năm 2000. Ban đầu chỉ có một phòng học với khoảng 20 trẻ của ba thôn, bản: làng Còng, Ghềnh Ngai và Khe Lại.
Nhiều năm nay, số lượng trẻ của ba thôn tăng nhanh, số trẻ trong tuổi đến lớp luôn duy trì khoảng 60 trẻ, và điểm trường vì thế cũng phải "nở nồi" đảm bảo đủ 3 lớp cho các độ tuổi: 3, 4, 5. Vì khó khăn nên địa phương chỉ bố trí được 2 phòng học tranh tre, vách đất, mái lá.
Suốt từ khi thành lập đến năm 2016, một số nhà hảo tâm mới hỗ trợ khoảng 200 triệu để xây dựng một phòng học rộng khoảng 50m2. Một phòng học tranh tre, mái lá bên cạnh vẫn là nơi học hành, ngủ nghỉ của 30 trẻ.
Nguồn: Bộ GDĐT - Đồ họa: VĨ CƯỜNG
Cô giáo Nguyễn Thị Quyên cho biết những ngày nắng nóng hay mưa gió đều là cực hình với cô và trò: "Phòng học mái lá, mùa nắng hanh khô thì nguy cơ cháy rất cao. Cô trò học trong lớp cũng nơm nớp lo sợ. Còn ngày mưa, đường đến trường của trẻ ở cả 3 thôn đều phải qua các khe suối, đập tràn.
Lớp mái lá thì mưa dột, gió lùa, nhiều lúc phải di dời các con sang phòng học bên cạnh để trú tránh. Năm nào phụ huynh cũng phải góp lá cọ để lợp lại mái, nhưng cứ hễ mưa lớn là phụ huynh lại không cho con đến lớp vì sợ nguy hiểm…".
Theo ông Triệu Đình Khôi, xã Tân Hợp có hơn 1.100 hộ dân, với khoảng 4.300 người chủ yếu là người đồng bào Dao, Tày (chiếm hơn 60%), Kinh, Mông, kinh tế chỉ dựa vào nông nghiệp và lâm nghiệp nên đời sống của người dân vẫn nghèo khó, với tỉ lệ hộ nghèo vẫn còn trên 31%.
Thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2017 này chỉ ước đạt khoảng 20 triệu đồng/người/năm. Vì nghèo nên trường lớp thiếu, xuống cấp mà vẫn không đầu tư cải tạo được. Không chỉ trường, lớp không đạt chuẩn mà đường sá, điện lưới cũng là những thứ rất xa xỉ ở Tân Hợp…
Cô trò trường mầm non Tân Hợp, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái phải dạy và học trong lớp học mái lá đơn sơ thế này - Ảnh: CHÍ TUỆ
"Trường đạt chuẩn thì phải đủ 3 cứng (nền, tường, mái), phải có phòng đa năng, có phòng máy tính, nhưng với Tân Hợp trường lớp vẫn tạm bợ, xiêu vẹo thế này nên giáo viên có đạt chuẩn thì trường cũng còn lâu mới đạt chuẩn.
Dân kêu lắm, kỳ họp hội đồng nhân dân nào dân cũng phản ảnh, kiến nghị, chúng tôi chỉ biết kiến nghị lên trên nhưng mãi vẫn vậy…" - ông Khôi ngán ngẩm.
Ông Lê Quốc Toản, chánh văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Yên Bái, thừa nhận tỉnh còn quá nhiều điểm trường, trường học tạm bợ, khó khăn. Để hoàn thiện mục tiêu xóa bỏ gần 1.000 phòng học tạm bợ trên địa bàn tỉnh vẫn là một bài toán, câu chuyện dài của Yên Bái.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận