Nhiều sà lan chở gạo từ miền Tây về Sài Gòn để xuất khẩu neo đậu trên sông Tiền chờ con nước để qua kênh Chợ Gạo - Ảnh: V.TR.
Tính ra các thế hệ của gia đình tôi đã gắn bó với kênh Chợ Gạo gần cả trăm năm rồi. Mặc dù cạnh tranh ngày càng gay gắt, lợi nhuận ngày càng ít nhưng con cháu tôi vẫn mê nghề
Ông NGUYỄN VĂN HÙNG
5 đời theo nghiệp tàu bè
12 tuổi, ông Nguyễn Văn Hùng ở TP Mỹ Tho (Tiền Giang) đã theo cha mưu sinh trên sông nước bằng nghề mua bán muối, nước mắm từ Mỹ Tho đến Chợ Lớn, Đồng Nai, Tây Ninh.
Đó là vào năm 1958. Bây giờ ông đã tròn 70 tuổi, nhưng thỉnh thoảng vẫn xuống sà lan cầm lái thay cho con cháu có việc bận phải lên bờ dài ngày.
"Tôi còn khỏe và thuộc từng chỗ cạn, chỗ sâu trên nên không có gì trở ngại cả" - ông nói.
Nội ông Hùng là người đầu tiên trong gia đình chọn nghề buôn bán trên sông để mưu sinh. Cha của ông tiếp bước và ông là đời thứ ba nối nghiệp sông nước. Hiện giờ con và cháu của ông cũng đang chở gạo, phân bón và vật liệu xây dựng giữa hai miền Đông và Tây Nam Bộ.
Thế hệ thứ tư và thứ năm này đang làm chủ tới 16 chiếc sà lan. Tất cả đều tham gia Hợp tác xã Rạch Gầm - nơi ông đang giữ trọng trách phó giám đốc. Đây là hợp tác xã vận tải thủy hùng mạnh ở các tỉnh phía Nam với hơn 130 chiếc sà lan, tổng tải trọng hơn 100.000 tấn.
Nguyễn Văn Tèo (bìa trái) ôm bánh lái sà lan chở đá. Thuyền trưởng Phan Hồng Thái (giữa) hướng dẫn, đào tạo Tèo - Ảnh: V.TR.
Cũng giống như nghề tài xế xe tải, đa phần người lái sà lan đều xuất thân nghèo khó, ít học. Phan Hồng Thái (35 tuổi, quê Gò Công Đông, Tiền Giang) bỏ học từ hồi cấp II vì kinh tế gia đình khó khăn.
16 tuổi, anh xin làm thuê trên một chiếc ghe gỗ chở cát từ miền Tây đi Sài Gòn với mong muốn có lương đủ sống và giúp đỡ gia đình.
Vừa làm thuê, vừa tranh thủ học lái tàu, vài năm sau Thái đã một mình ôm lái chiếc tàu gỗ thay cho chủ những lúc chạy trên sông lớn.
Rồi Thái xin qua làm công cho các sà lan boong (có tàu kéo hoặc đẩy) để có điều kiện học nâng cao tay nghề và đi thi lấy bằng thuyền trưởng. Năm 2008, anh bắt đầu tự mình ôm chiếc sà lan chở 500-1.200m3 cát đá cho đến bây giờ.
"Nhờ lái sà lan chở cát mà em quen và cưới được vợ ở TP Bạc Liêu. Bây giờ có ba đứa con rồi. Nghề này phải chấp nhận sống xa nhà mỗi tháng hơn ba tuần, nhưng bù lại lương cũng đủ nuôi vợ con" - Thái nói.
Trên chiếc sà lan chở đá biển số BD-079... mà tôi tháp tùng từ Đồng Nai về Vĩnh Long có ba người.
Thái là thuyền trưởng, còn Nguyễn Văn Tèo (22 tuổi) phụ chằng dây khi sà lan vào bãi và đứng trước mũi sà lan khi vào kênh Chợ Gạo để canh khoảng cách giữa các phương tiện, kịp thời cảnh báo cho Thái xử lý tình huống.
Người nhỏ nhất là Nguyễn Văn Liêm mới 16 tuổi, là "bếp trưởng" của sà lan.
Gia đình Tèo có năm anh em. Nhà nghèo nên tất cả đều bỏ học sớm. Người anh lớn của Tèo cũng đi theo sà lan.
Tèo nghỉ học từ lớp 8 theo anh Hai phụ việc trên sà lan chở cát được hai năm thì tách ra theo sà lan của thuyền trưởng Thái học nghề cho tới bây giờ.
Tèo tâm sự với tôi: "Em tính vài năm nữa sẽ thi lấy bằng thuyền trưởng để tự mình lái sà lan, thu nhập cao hơn để phụ giúp cha mẹ".
Đóng sà lan chở cát đem lại lợi nhuận nhưng cũng làm cho không ít người tán gia bại sản - Ảnh: V.TR.
Một thời xẻ thịt sà lan
Có thời điểm khoảng 70% phương tiện chạy trên kênh Chợ Gạo là sà lan chở cát từ miền Tây về Sài Gòn. Nhưng có lúc cả ngày không thấy chiếc nào vì lúc đó phần lớn sà lan bị kéo lên bờ để... xử lý nợ.
Thượng tá Nguyễn Văn Dũng (phó Phòng CSGT đường thủy Công an Tiền Giang) nói kênh Chợ Gạo đã ít nhất hai lần chứng kiến cảnh sà lan chở cát bị "xẻ thịt" nhiều đến mức tuyến đường thủy Sài Gòn - Miền Tây rơi vào cảnh đìu hiu. Đó là thời điểm 2000-2003 và 2011-2014.
Ông Nguyễn Trung Khánh, giám đốc một công ty sà lan, cho biết: "Mười năm trước có lúc tôi huy động cả trăm chiếc sà lan chạy liên tục để kịp giao cát cho tàu Singapore. Nhưng năm 2010 Chính phủ cấm xuất khẩu cát, hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu cát và chủ sà lan đều... banh xác".
Các doanh nghiệp xuất khẩu cát "chết" đã kéo theo hàng ngàn chủ sà lan ở miền Tây đổ nợ. Sà lan không ai thuê phải nằm một chỗ thời gian dài.
Không có nguồn thu mà phải è cổ ra trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng khiến hầu hết chủ sà lan kiệt quệ. Ngân hàng không thu được nợ đã quyết định phong tỏa, kê biên sà lan.
Tuy nhiên ngân hàng rao bán sà lan cũng rất khó khăn vì rất ít người có khả năng tài chính để mua. Và giải pháp tồi tệ nhất đã được thực hiện: kéo sà lan lên bờ cắt bán sắt vụn.
"Sà lan bị cắt để thanh lý trả nợ ngân hàng nhiều lắm. Nhiều người khóc tức tưởi luôn" - Hiểu, một chủ doanh nghiệp đóng tàu, kể.
Theo ông Trần Đỗ Liêm - chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa VN, tình trạng sà lan ở đồng bằng sông Cửu Long bị kéo lên bờ "xẻ thịt" còn do tác động của nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24-2-2011 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát.
Hàng loạt công trình đang và sắp thi công phải tạm dừng hoặc giãn tiến độ. Nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng đang ở mức cao đột ngột giảm tới đáy nên sà lan phải nằm bờ thời gian dài. Không có nguồn thu mà hằng tháng phải trả nợ ngân hàng nên rất ít chủ sà lan chịu nổi.
Nghề vận tải đường thủy đang khó khăn
Ông Nguyễn Văn Dũng là chủ ba chiếc sà lan chở gạo và thức ăn chăn nuôi ở cù lao Thới Sơn (Tiền Giang) cho rằng hiện nay ngành vận tải đường thủy nội địa đang rất khó khăn và có dấu hiệu đi xuống.
Theo ông, cước vận chuyển rất thấp vì chủ sà lan cạnh tranh với nhau đè giá xuống để giành khách hàng. Giá cước trung bình từ các tỉnh miền Tây về các cảng ở Sài Gòn là 80.000 đồng/tấn, nhưng chi phí bốc vác hết 30.000 đồng/tấn.
Trừ các chi phí xăng dầu, tài công, nhân công và các chi phí không tên trên đường đi thì chẳng còn bao nhiêu tiền.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận