HLV Lê Đức Liệu chỉnh động tác cho Đặng Gia Khiêm. Ảnh: H.Đ |
Từ chỗ chỉ có duy nhất một nơi tập luyện cho đội tuyển (ở Trường ĐH Thể dục thể thao, Thủ Đức), chỉ trong vòng vài năm gần đây, các phòng tập bắn súng ngày càng xuất hiện nhiều ở TP.HCM.
Hiệu ứng Hoàng Xuân Vinh
Bà Huỳnh Phương Loan, trưởng bộ môn bắn súng của Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM, cho biết đến tận năm 2012, các trung tâm TDTT quận huyện mới có được phòng tập bắn súng đầu tiên. Nhưng hiện nay đã có 5 nơi có phòng tập bắn súng, bao gồm các quận: 1, 9, Bình Thạnh, Gò Vấp và Tân Phú.
Trong số đó, Bình Thạnh là một trong những nơi phong trào tập luyện bắn súng phát triển nhất. Nếu như buổi sáng là giờ tập luyện của nhiều thành viên trong tuyển bắn súng TP.HCM thì đến giấc chiều, tối, nơi đây nhộn nhịp hơn hẳn với hàng chục học sinh mỗi ngày đến đây đăng ký tập luyện.
“Phòng tập ở đây không dành cho việc kinh doanh. Các học sinh tập luyện chủ yếu là đăng ký thông qua trường học, từ các buổi đi phổ cập, tuyển người của chúng tôi tại các trường. Chúng tôi vẫn làm công việc này đều đặn hằng năm nhưng phải thừa nhận chỉ trong nửa năm qua số lượng các học sinh đăng ký đi tập bắn súng ngày càng nhiều” - HLV Cao Thanh Nam ở Trung tâm TDTT quận Bình Thạnh cho biết.
Hơn nửa năm sau kỳ tích đoạt HCV Olympic đầu tiên cho lịch sử thể thao VN, hiệu ứng mà xạ thủ Hoàng Xuân Vinh mang lại vẫn còn rất tràn đầy. Hỏi bất kỳ VĐV bắn súng trẻ tuổi nào cũng nhận được câu trả lời “thần tượng của em là anh Hoàng Xuân Vinh”. Nguyễn Chính Ngọc Liên, một nữ xạ thủ của tuyển TP.HCM hiện đang là sinh viên năm nhất ĐH Hutech, cho biết: “Tôi hiểu rõ sức mình, không có nhiều hoài bão ở con đường VĐV chuyên nghiệp. Nhưng từ sau kỳ tích của anh Hoàng Xuân Vinh, tôi lại càng háo hức hơn với việc tập luyện. Dù rất bận rộn từ khi vào ĐH nhưng tôi vẫn không bỏ việc tập luyện”.
Trong khi đó, HLV Lê Đức Liệu của Trung tâm TDTT quận Tân Phú cho biết lượng học sinh đăng ký tập môn này đã tăng 25 - 50% chỉ trong một năm qua. “Hồi năm 2013, mỗi năm có khoảng 1.000 em học sinh đăng ký thi tuyển vào đội bắn súng của quận. Đến nay con số này là cỡ 2.000. Từ số này, chúng tôi lọc ra khoảng 50-100 em có năng khiếu mỗi năm. Tất nhiên, số lượng người trụ lại sau vài tháng tập luyện thực thụ còn ít hơn thế nhiều. Nhiều em cũng dễ dàng nản, bỏ cuộc khi biết quá trình tập luyện của môn bắn súng gian khổ đến thế nào, nhưng việc tăng lượng người đăng ký cũng giúp chúng tôi có nhiều lựa chọn hơn” - ông Liệu nói.
Thi tuyển xếp vỏ đạn, cầm đèn laser...
Bắn súng - môn thể thao đòi hỏi rất nhiều kỹ thuật, có độ phức tạp cao - tuyển người như thế nào? Đó là một câu chuyện rất thú vị, về những bài kiểm tra khá lạ lùng dành cho các em học sinh trong ngày đầu đến với phòng tập bắn súng. Sẽ chẳng có chuyện được cầm súng trong bài thi tuyển, thay vào đó là một loạt những bài kiểm tra thoạt trông chẳng chút gì liên quan đến thể thao.
“Đầu tiên, chúng tôi đo các chỉ số hình thể của học viên, từ chiều cao, cân nặng cho đến bàn tay, cánh tay. Tiếp đến, bài kiểm tra đầu tiên các em phải làm là cầm bia bằng tay thuận đứng bất động, chúng tôi sẽ đo độ vững vàng của các em. Bài kiểm tra tiếp theo khó hơn, xếp các vỏ đạn chồng lên nhau trong một khoảng thời gian nhất định. Cuối cùng là cầm đèn laser soi vào bia để mô phỏng việc nhắm, bắn” - HLV Lê Đức Liệu kể.
Nếu như việc cầm đèn laser tương đối hấp dẫn với các VĐV nhỏ tuổi thì xếp vỏ đạn luôn là bài kiểm tra “oải” nhất, vì đòi hỏi độ khéo léo, nhẫn nại, từ tốn, điềm tĩnh trong hoàn cảnh thúc bách về thời gian. Các học sinh nào xếp được 6-7 vỏ đạn chồng lên nhau trong khoảng 1 phút đã được xem là thành công, đạt tiêu chuẩn. Xếp được đến 9-10 vỏ đạn được đánh giá là có tố chất đặc biệt để trở thành VĐV bắn súng chuyên nghiệp.
“Hồi đó thấy các bạn dự thi ai cũng than bài kiểm tra xếp vỏ đạn khó đến mức bất hợp lý, nhiều bạn không xếp nổi vỏ đạn nào. Tôi ban đầu nghĩ mình cũng vậy, nhưng chẳng hiểu sao lúc làm lại thấy dễ dàng. Có lẽ do bình thường tính tôi ít nói, làm việc chậm nhưng chắc” - Đặng Gia Khiêm, một VĐV trẻ của quận Tân Phú, chia sẻ về kinh nghiệm trong ngày đầu đến với bắn súng.
Ông Liệu cho biết thực ra số lượng bài kiểm tra theo chuẩn quốc tế lên đến hơn 10 bài, bao gồm cả việc đo trí nhớ tạm thời, khả năng tập trung, viết thư (để kiểm tra tay có bị run hay không)... nhưng do điều kiện tập luyện lẫn việc bộ môn bắn súng ở VN chưa quá phát triển nên các HLV đã lọc bớt. Trong hàng ngàn học sinh đăng ký, chỉ 1/10 được giữ lại để tập, rồi trong số này sau tầm 2-3 tháng số người sớm nản chí, bỏ cuộc lên đến hơn 90%.
Có vẻ ngoài nhàm chán, gian khổ như vậy nhưng những VĐV trẻ tuổi nào đã kiên quyết với đam mê bắn súng, các em lại nhìn nhận những lợi ích đặc biệt của môn thể thao này. “Từ khi tập bắn súng, tôi thấy khả năng tập trung trong lúc học của mình ngày càng tốt hơn, trí nhớ cũng được cải thiện. Dù bắn súng không chạy nhảy nhiều nhưng tay chân của tôi lại vững vàng, cứng cáp hẳn ra” - Đặng Gia Khiêm chia sẻ.
Tận dụng từng mảnh giấy bìa cũ Nếu ngay ở đội tuyển bắn súng VN, thực trạng công nghệ lạc hậu ở các phòng tập đã tồn tại thì với các phòng tập cấp quận, huyện, khó khăn lại càng nhiều hơn. Dù chỉ là tập bắn với bia giấy nhưng các HLV cũng phải tận dụng, lấy lại các mảnh bìa cactông cũ từng được sử dụng ở các giải đấu cho các VĐV tập luyện. Một mảnh bia này có giá khoảng 300-400 đồng. “Đạn cũng là một khó khăn khác. Thông thường 1kg đạn khoảng 1.500 viên có giá khoảng 170.000 đồng. Chúng tôi chỉ dám cho các em tập bắn nhiều mỗi khi sắp đến các giải đấu” - HLV Liệu cho biết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận