Ngày 11-6, thị trấn Kemmerer ảm đạm bừng tỉnh khi Công ty TerraPower khởi công dự án xây dựng lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới - nhỏ hơn và rẻ hơn so với các lò kiểu cũ và không thải ra khí CO2.
Dự án Natrium có thể phải kéo dài đến năm 2030 do một số khó khăn, nhưng TerraPower sẽ không có gì phải lo bởi đứng sau họ là một cái tên có sức ảnh hưởng lớn và nguồn tài chính dồi dào: Bill Gates.
Tương lai cho năng lượng Mỹ?
Tỉ phú Bill Gates, hiện là người giàu thứ bảy thế giới, đang nuôi tham vọng khởi động lại công nghệ điện hạt nhân trên toàn quốc nhằm chống lại biến đổi khí hậu. Ông Gates đã rót hơn 1 tỉ USD vào TerraPower và con số sẽ còn tăng.
Phát biểu tại lễ động thổ dự án vào ngày 10-6, vị tỉ phú Mỹ nhấn mạnh cần có năng lượng sạch để giải quyết vấn đề khí hậu và để làm vậy cần những đổi mới để năng lượng sạch cạnh tranh được với nhiên liệu hóa thạch.
Ông tin điện hạt nhân thế hệ mới chính là câu trả lời cho cả vấn đề khí hậu lẫn kinh tế. "Tôi không tham gia vào TerraPower để kiếm thêm tiền. Tôi tham gia vì chúng tôi cần xây dựng rất nhiều lò phản ứng kiểu này", tờ New York Times dẫn lời ông Gates.
Ông Gates tự tin thị trấn nhỏ bé Kemmerer sẽ là nền tảng cho tương lai năng lượng của Mỹ và bang Wyoming sẽ sớm trở thành nơi có "cơ sở hạt nhân tiên tiến nhất thế giới".
Thời gian qua, bang Wyoming - nơi sản xuất đến 40% sản lượng than của Mỹ - đã chứng kiến ngành nhiệt điện than lụi tàn, kinh tế lay lắt và dân cư thưa thớt dần sau gần 100 năm sống dựa vào than.
Nhà máy điện ở Kemmerer dự kiến ngừng đốt than vào năm 2026, tiến tới đóng cửa vào năm 2036, và dự án điện hạt nhân của ông Gates chính là phao cứu sinh cho hàng ngàn người dân ở thị trấn này và một số vùng lân cận.
Nhà sáng lập Microsoft quan tâm đến điện hạt nhân từ những năm 2000 bởi ông tin rằng cần có một nguồn điện sạch dồi dào để ứng phó với biến đổi khí hậu.
"Năng lượng gió và mặt trời thực sự tuyệt vời và chúng ta phải xây dựng chúng nhanh nhất có thể, nhưng cũng khó mà đủ" - ông nói và cho rằng những năng lượng này sẽ không hiệu quả ở nơi ít gió và nắng trong mùa đông.
Điện hạt nhân thế hệ mới
Tuy nhiên, một vấn đề với năng lượng hạt nhân là nó cực kỳ tốn kém. Các lò thế hệ cũ là những dự án khổng lồ, phức tạp, khó xây dựng và khó huy động tài chính.
Hai lò phản ứng của Mỹ được xây dựng trong 30 năm qua là Vogtle Unit 3 và 4 ở bang Georgia có chi phí đến 35 tỉ USD - cao hơn gấp đôi so với ước tính ban đầu và hoàn thành trễ nhiều năm so với kế hoạch.
Tỉ phú Gates cho rằng công nghệ mới sẽ tạo ra sự khác biệt. Hiện nay, mọi nhà máy hạt nhân của Mỹ đều sử dụng lò phản ứng nước nhẹ. Do nước có áp suất cao nên những nhà máy này cần đường ống nặng và tấm chắn dày.
Trong khi đó, lò phản ứng của TerraPower sử dụng natri lỏng thay vì nước nên sẽ hoạt động ở áp suất thấp hơn.
Trong trường hợp khẩn cấp, nhà máy có thể được làm mát bằng các lỗ thông hơi thay vì hệ thống bơm phức tạp.
Lò phản ứng này chỉ có công suất 345 megawatt, bằng 1/3 kích thước lò phản ứng của Vogtle, nên mức đầu tư nhỏ hơn - khoảng 4 tỉ USD.
Ông Chris Levesque (CEO TerraPower) cho biết các lò phản ứng mới sẽ sản xuất điện với chi phí chỉ bằng một nửa so với các nhà máy điện hạt nhân truyền thống.
"Đây là một loại nhà máy đơn giản hơn nhiều. Điều đó mang lại cho chúng ta lợi ích cả về an toàn lẫn chi phí", ông nói. Ngoài ra, thiết kế của TerraPower còn có một điểm độc đáo khác là cho phép dễ dàng điều chỉnh sản lượng điện.
Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức khác đang chờ dự án của tỉ phú Gates. Năm 2022, TerraPower phải hoãn dự án vì hủy bỏ mua nhiên liệu hạt nhân từ Nga.
Công ty này cũng phải thuyết phục các cơ quan quản lý rằng lò phản ứng của họ không cần nhiều biện pháp bảo vệ tốn kém như các lò truyền thống.
Họ đã nộp đơn xin cấp phép xây dựng lò phản ứng hạt nhân và dự kiến quá trình xem xét sẽ mất khoảng hai năm. TerraPower cho biết nhiều phần của dự án không cần xin phép có thể xây dựng sớm hơn.
Kỳ vọng và hoài nghi
Trên toàn nước Mỹ, năng lượng hạt nhân đang nhận được sự quan tâm lớn. Tại một hội nghị gần đây ở New York, Thứ trưởng Bộ Năng lượng phụ trách cơ sở hạ tầng David Crane nói hai năm trước ông "thực sự không thấy" tương lai cho năng lượng hạt nhân.
Nhưng khi nhu cầu về điện tăng cao, ông Crane "rất lạc quan" về các lò hạt nhân có thể cung cấp năng lượng xuyên suốt và tốn ít diện tích.
Nhưng cũng vẫn còn nhiều ý kiến tỏ ra hoài nghi về điện hạt nhân. "Không có bằng chứng nào cho thấy những lò phản ứng nhỏ này sẽ được xây dựng nhanh hơn hoặc rẻ hơn những lò phản ứng lớn hơn" - ông David Schlissel, giám đốc Viện Kinh tế năng lượng và phân tích tài chính, nói và cho rằng vẫn nên ưu tiên đầu tư an toàn hơn như năng lượng gió, năng lượng mặt trời và pin.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận