06/12/2016 14:26 GMT+7

Giấc mơ của ông Mười Điềm

TIẾN LONG - YẾN TRINH
TIẾN LONG - YẾN TRINH

TTO - Cách đây 20 năm, có người đã muốn biến khu cù lao chằng chịt ruộng ao rau muống cuối đường Phan Xích Long thành một khu du lịch với đầy đủ hệ thống cáp treo, khu vui chơi giải trí.

*** Error ***
Gần bốn tháng nay, ông Đỗ Văn Điềm (Mười Điềm) bị ngã gãy xương chậu phải nằm ở nhà, nhưng từ trên căn hộ chung cư ông vẫn ngắm nhìn con đường mà ông một thời ấp ủ giấc mơ đổi thay cuộc sống của những kiếp nghèo - Ảnh: Tự Trung

Dự án được thực hiện nhưng cuối cùng thất bại...

“Kiến trúc sư” trưởng của dự án này là ông Đỗ Văn Điềm (Mười Điềm), lúc đó là giám đốc Công ty Công ích Phú Nhuận.

Trong cuốn sách 300 năm Phú Nhuận - mảnh đất, con người, truyền thống, có dành vài dòng ít ỏi để nói đến dự án này như sau: “Hiện nơi đây đang được quy hoạch xây dựng một khu vui chơi lớn, tầm cỡ TP”.

Giấc mơ đổi thay

Ông Mười Điềm giờ đã 90 tuổi, đang sống ở tầng 5 khu chung cư Nhiêu Tứ, trên đường Phan Xích Long cùng vợ chồng người con trai.

Hằng ngày ông Điềm có thói quen đi bộ vào buổi chiều, vừa tập thể dục vừa nhìn ngắm, dõi theo nhịp sống nhộn nhịp của con đường mà ông đã gắn bó hơn nửa đời người.

Nhiều người sống hiện tại ở khu đường Phan Xích Long quá quen với hình ảnh một ông già người nhỏ thó, chậm rãi bước đi trên lề đường vào mỗi buổi chiều tà.

Cũng như quãng thời gian hơn 15 năm về trước, ông tìm đến khu đất sình lầy này khảo sát thực hiện dự án khu vui chơi, ấp ủ giấc mơ đổi thay cuộc sống của những người nghèo bên dòng kênh đen.

Ông kể: "Sau năm 1975, tôi được phân công về làm giám đốc Công ty Vật tư dịch vụ và du lịch Phú Nhuận. Doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu, sản xuất kinh doanh sản phẩm điện tử, dịch vụ, khách sạn nhà hàng và kinh doanh bất động sản. Hồi đó dân cù lao đã đông đúc. Nơi đây là một trong những điểm nóng tệ nạn nhức nhối của TP”.

Bao thế hệ lãnh đạo quận trăn trở một cuộc đại chỉnh trang.

Đến khoảng cuối những năm 1980, một nhà đầu tư Singapore đã đến khảo sát và đề xuất đầu tư xây dựng khu cù lao thành trung tâm vui chơi của TP.

Công ty này dự định lấy đường Phan Xích Long làm trục chính, đào thông một hệ thống kênh chính giữa lòng đường, nối thông bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vào tận sâu trong nội đường để làm hệ thống cáp treo.

Hai bên mặt đường san phẳng để xây dựng vườn thú, núi giả như khu Đầm Sen, Suối Tiên hiện nay.

Rồi dự án triển khai. Ngày ngày xe ủi kéo đến ủi đất lấp phẳng ruộng ao rau muống. Dân quanh vùng hồ hởi chờ sự đổi khác của con đường. Nhưng được hai tháng thì dự án ngưng lại vì... thiếu vốn. Giấc mơ của ông Mười Điềm dở dang.

Cuộc chỉnh trang ngoạn mục

Nhưng không lâu sau đó, TP cho triển khai dự án Khu dân cư Rạch Miễu với mục tiêu đổi thay bộ mặt khu lao động nghèo ở “xóm nước đen”.

Cuộc chỉnh trang, đổi thay nào cũng có mất mát, thua thiệt của một nhóm người. Câu chuyện chỉnh trang khu “cù lao” (Q.Phú Nhuận) không nằm ngoài quy luật đó.

Trong khoảng thời gian thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu dân cư Rạch Miễu, các Luật đất đai, Luật xây dựng còn nhiều bất cập, chưa được hoàn thiện nên chính quyền gặp nhiều bất đồng từ phía người dân.

Nhưng cuối cùng mọi chuyện cơ bản được giải quyết và “vẽ” ra bộ mặt con đường Phan Xích Long như ngày nay.

Dự án Khu dân cư Rạch Miễu thuộc phường 1, 2 và 7, một phần phường 3 (Q.Phú Nhuận) triển khai theo quyết định 2611 ngày 9-11-1992 của UBND TP.HCM.

Dự án có tổng diện tích 35ha, được ngân sách hỗ trợ 80 tỉ đồng, gồm các hạng mục nhà ở, biệt thự, đường giao thông, cầu và các công trình phúc lợi công cộng. Có hơn 1.300 hộ dân nằm trong phạm vi giải tỏa để thực hiện dự án.

Nhiều lãnh đạo TP thời đó xem dự án xây dựng khu dân cư Rạch Miễu là dự án điểm nhằm chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường và an sinh xã hội, thay đổi bộ mặt của Phú Nhuận. Đường Phan Xích Long được xem là trục đường chính của dự án.

Trong suốt thời gian dài từ năm 1998-2003, thông tin của dự án quy hoạch khu dân cư Rạch Miễu xuất hiện trên báo dày đặc.

Thời đó, cùng với bốn dự án là khu Bạch Đàn (Q.Bình Thạnh), tuyến đường song hành Hà Nội, chợ An Khánh (Q.2), khu siêu thị An Lạc (H.Bình Chánh), khu dân cư Rạch Miễu trở thành năm điểm “nóng” về khiếu kiện.

Tháng 4-1993, Công ty Kỹ thuật xây dựng quận Phú Nhuận và UBND quận cùng tiến hành giải tỏa, đền bù, thực hiện dự án.

Cho đến gần hai năm sau (tháng 12-1994), Chính phủ (là cấp có thẩm quyền) mới có quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất để xây khu dân cư này. Hầu hết người dân đều quan tâm đến giá đền bù và khiếu nại gay gắt ngay từ khi bắt đầu thực hiện dự án.

Người dân đã nêu những bất hợp lý như họ bị cưỡng chế giải tỏa nhưng không có quyết định thu hồi đất, sau đó UBND TP mới có quyết định, nhưng quyết định này là vượt thẩm quyền vì diện tích đất trên 1ha phải do cấp Thủ tướng ra quyết định.

Trong nhiều năm, dân tại đây đều đóng thuế đất thổ cư nhưng khi đền bù lại áp dụng giá đất nông nghiệp rất thấp, có khi chỉ 35.000 đồng/m2, nhưng sau đó bán lại giá rất cao, ít nhất cũng 2 triệu đồng/m2. Với số tiền đền bù đó, dân không thể nào mua được một chỗ ở khác.

Đã có những cuộc họp bàn căng thẳng từ các đoàn công tác Chính phủ, Bộ Xây dựng, lãnh đạo TP, Q.Phú Nhuận... kéo dài nhiều năm để giải quyết và quyết tâm thực hiện dự án điểm này.

Xung quanh vấn đề giá đền bù, UBND TP đã ban hành hàng loạt quyết định, cái sau hủy cái trước và cứ mỗi lần như vậy giá đền bù lại được điều chỉnh. Các hộ đi khiếu nại đều đặt vấn đề nếu đã làm đúng thì tại sao cứ phải sửa chữa thay đổi giá đền bù nhiều lần?

Đến năm 2002, sau khi có kết luận của Đoàn công tác Chính phủ (tháng 1-2001), UBND TP đã có những quyết định sửa đổi chính sách giải tỏa đền bù tái định cư. Lần sửa đổi này được đa số người dân ở khu quy hoạch đồng tình. Tất cả những khiếu nại cụ thể đều được giải quyết.

Dự án có 954 hộ nằm trong khu quy hoạch, trong đó có 818 hộ có nhà ở, đất ở và 136 hộ canh tác rau muống. Đến cuối tháng 3-2002, còn hơn 50 hộ khiếu nại về chính sách sửa đổi.

Dự án cơ bản hoàn chỉnh, nhiều nhà cao tầng, biệt thự được xây dựng với nhiều kiểu, loại kiến trúc hiện đại. Bộ mặt con đường sầm uất bậc nhất Q.Phú Nhuận thành hình dạng từ đó.

Phan Xích Long là một Hội kín

Đường Phan Xích Long kéo dài từ đường Nguyễn Đình Chiểu đến khu Cù lao ngang các phường 1, 2, 3. Đường lần lượt mang tên Hương Mão (thập niên 1940), Thái Lập Thành (1954).

Đến năm 1975 đổi tên thành đường Phan Xích Long. Phan Xích Long tên thật là Phan Phát Sanh, là người lập “Hội kín Phan Xích Long”, khởi xướng hai cuộc nổi dậy vũ trang chống Pháp năm 1913 và 1916 tại Sài Gòn.

Hội kín Phan Xích Long ra đời năm 1913, tổ chức theo tinh thần Thiên Địa Hội. Nhiều người Phú Nhuận đã tham gia hai cuộc bạo động lớn của Hội kín này, như trận gài bom trong TP (1913) và trận đột kích Khám Lớn Sài Gòn (1916).

Một trong những căn cứ địa của lực lượng Phan Xích Long ở Phú Nhuận nằm trong cụm rừng, nay là xóm Cổng xe lửa số 10, đường Nguyễn Kiệm, P.4 (đầu con đường Phan Xích Long hiện nay ở P.3, Q.Phú Nhuận ăn vào xóm này).

>> Kỳ tới: Cuộc đổi thay kỳ diệu 

-----

Các kỳ trước:

>> Kỳ 1: 

>> Kỳ 2: 

TIẾN LONG - YẾN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp