Giấc mơ của các kỹ sư Viettel - Ảnh 1.

Vào những năm 1950, Shimon Peres (cha đẻ của mô hình Quốc gia khởi nghiệp, người khai sinh ra ngành công nghiệp quốc phòng Israel), lúc bấy giờ đang ở tuổi 27, đã được giao nhiệm vụ mua sắm vũ khí cho quân đội Israel. Chính tại thời điểm này, ông cùng người bạn là kỹ sư Al Schwimmer đã mơ tới việc xây dựng ngành công nghiệp hàng không "Made in Israel". 

 Ý tưởng này ngay lập tức bị những lãnh đạo khác trong nước dè bỉu. Israel thời điểm đó còn chưa sản xuất nổi chiếc xe đạp. Nhưng Peres không bận tâm đến điều này. Dưới sự ủng hộ của David Ben Gurion – Thủ tướng đầu tiên của Israel, ông đã giúp đỡ Al Schwimmer sáng lập tập đoàn tư nhân Công nghiệp Hàng không Israel (IAI) vào năm 1953 với 70 nhân viên. Thời gian đầu, công ty chủ yếu bảo dưỡng máy bay cho không quân nước này. Nhưng chỉ 6 năm sau, IAI đã sản xuất được chiếc máy bay đầu tiên dựa theo thiết kế của Pháp với tên gọi Tzutkit.

Giấc mơ của các kỹ sư Viettel - Ảnh 2.

Đến nay, IAI là một trong những công ty kỹ thuật hàng không hàng đầu thế giới. Không chỉ sản xuất máy bay chiến đầu cho quân đội Israel, công ty còn tiên phong về công nghệ không gian. IAI đã giúp Israel trở thành quốc gia thứ 8 trên thế giới có khả năng tự phóng tên lửa vào vũ trụ từ năm 1988 bên cạnh các cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Quốc… Và IAI không phải là thứ điên rồ duy nhất về công nghiệp quốc phòng mà Shimon Peres cũng như Nhà nước Israel làm nên. 

Dù cách IAI và Israel cả về không gian lẫn thời gian nhưng ở đất nước hình chữ S (Việt Nam) – có một công ty cũng khởi động những khát vọng tương tự cách đây gần 10 năm: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel). Nếu xét về điểm khởi đầu cách đó 20 năm nữa, Viettel chỉ là một công ty xây lắp, chuyên đi dựng cột, kéo cáp thuê cho ông lớn viễn thông thời đó là VNPT. Thế nhưng, chẳng ai có thể ngăn cản họ có giấc mơ lớn dù cho giấc mơ đó có thể bị ai đó giễu cợt.

Giấc mơ của các kỹ sư Viettel - Ảnh 3.

Sau khi thành công lớn với lĩnh vực viễn thông, rồi tiến ra nước ngoài cũng có những thành tựu ban đầu, Viettel quyết định tiến công vào lĩnh vực nghiên cứu sản xuất, làm chủ công nghệ cao với giấc mơ về một ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam hùng mạnh. Cũng có nét giống những người sáng lập ra Nhà nước Israel, lãnh đạo của Viettel mơ ước được góp sức vì sự hùng cường và hòa bình lâu dài của đất nước.

Thế nhưng, ngay từ khi khởi đầu với việc tiếp nhận Nhà máy thông tin M1, Viettel cũng nhận được không ít ánh mắt nghi ngờ về tính khả thi. Một đất nước có nền công nghiệp từng bị chế giễu là “không sản xuất nổi một con ốc vít đúng nghĩa” lại có công ty muốn sản xuất thiết bị quân sự công nghệ cao cũng có vẻ hơi… hoang đường. Thực tế, lĩnh vực này là cuộc chơi đặc quyền của vài quốc gia phát triển, với những tổ hợp công nghiệp quốc phòng khổng lồ.


Giấc mơ của các kỹ sư Viettel - Ảnh 4.

Bắt đầu với việc sản xuất máy thông tin quân sự (nhiệm vụ đầu tiên là máy sóng ngắn 125 wat - với tên gọi VRS 641), các kỹ sư Viettel khi đó còn mơ hồ về nguyên lý để làm ra vỏ máy, chưa nói đến thiết kế phần cứng, rồi nguồn linh kiện đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thiết bị quân sự… nhưng họ không nhìn vào quá khứ chưa ai làm được ở Việt Nam.

“Việc khó mà quyết tâm thì sẽ tìm được lời giải. Còn nếu cứ đứng ngoài mà sợ thì chẳng có phép màu nào xuất hiện”, ông Nguyễn Văn Ty - Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty M1, chia sẻ. Ông chính là một trong những người chế tạo máy thông tin quân sự đầu tiên của Viettel. Và rồi sau 8 tháng, chiếc máy thông tin quân sự đầu tiên do các kỹ sư Viettel làm chủ toàn bộ đã ra đời.

Đến nay, Viettel đã sản xuất được 8 loại máy thông tin quân sự khác nhau với công nghệ ở thế hệ thứ 4, kém 1 thế hệ so với loại máy tiên tiến nhất thế giới. Nhưng quan trọng nhất, nhờ làm chủ cả phần cứng và phần mềm của thiết bị, những kỹ sư Viettel đã có lời giải cho việc bảo mật cao của quân đội Việt Nam.

Giấc mơ của các kỹ sư Viettel - Ảnh 5.

Cùng với sự khởi đầu là máy thông tin quân sự, Viettel tiến hành nhiều dự án sản xuất khí tài quân sự quan trọng khác và cũng đạt được những thành công rất khó tin như: hệ thống radar cảnh giới phòng không và cảnh giới biển, hệ thống cảnh giới vùng trời VQ1-M, máy bay không người lái và cả những vũ khí phòng không công nghệ cao rất tối tân khác…

Năm 2017, khí tài phòng không hiện đại “Made by Viettel” còn được xuất khẩu, đưa Việt Nam vào danh sách một trong 9 quốc gia trên thế giới sản xuất thành công thiết bị quân sự hiện đại có thể “xuất ngoại”. Hệ thống radar do các kỹ sư Viettel thiết kế và sản xuất như RV-01, RV-02 còn có khả năng bắt được máy bay tàng hình… đưa trang bị cho quân đội Việt Nam tiến thẳng lên hiện đại. Khí tài quân sự công nghệ cao này của Viettel cũng góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ “không để Tổ quốc bị bất ngờ từ các tình huống trên không”.

Trong khi đó, sản phẩm máy bay không người lái (UAV) có gắn camera trinh sát điều khiển do Viettel sản xuất đã gây được nhiều ấn tượng tại Triển lãm Indo Defence 2018.

Viết về thiết bị này, Tạp chí Quốc phòng Jane’s của Anh cho biết Viettel đã mang đi trưng bày mẫu máy bay không người lái (UAV) cỡ nhỏ có tên gọi Shikra với trọng lượng 26 kg và sải cánh 3,5 m. Tuy nhiên, tờ tạp chí này nhấn mạnh Viettel sẽ không dừng ở đây mà đã lên kế hoạch chế tạo các mẫu UAV lớn hơn. Trước mắt, đó là phiên bản có sải cánh 5 - 6 m và hoạt động được 10 giờ trên không (tăng gấp 5 lần so với Shikra).

Đặc biệt, Viettel đã cho biết kế hoạch nghiên cứu và sản xuất loại UAV cỡ lớn với sải cánh 20 m. Đây nhiều khả năng sẽ là biến thể có khả năng mang theo vũ khí có tầm hoạt động 150 km và thời gian bay trên không là 20 giờ.

“Loại UAV này kích thước tương đương với MQ-9 Reaper của Mỹ, chiếc máy bay không người lái chủ lực của Hoa Kỳ có chiều dài 11 m, sải cánh 20 m và trọng lượng cất cánh tối đa 4.760 kg. Tuy nhiên, MQ-9 Reaper chỉ bay được liên tục 14 tiếng khi mang đầy tải, trong khi con số này ở mẫu UAV Viettel sẽ là 20 tiếng”, tờ tạp chí về quốc phòng của Anh cho biết.

Giấc mơ của các kỹ sư Viettel - Ảnh 7.

Sản xuất máy thông tin quân sự, radar hay máy bay không người lái… cũng mới là giai đoạn đầu trong công cuộc khởi tạo thực tại mới của Viettel với mục tiêu trở thành Tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao vào năm 2020.

Khi bước chân vào lĩnh vực này, Viettel đã chọn cho mình một con đường rất khó: làm chủ và tự sản xuất các thiết bị quân sự công nghệ cao. Viettel muốn có những sản phẩm “Made by Vietnam”, chứ không chỉ “Made in Vietnam” với công nghệ lõi của nước ngoài. Và cũng giống như những người Israel năm xưa, những người Viettel cũng bắt đầu với một quyết tâm không thể lay chuyển nhưng trong sự hoài nghi của nhiều người.

Giấc mơ của các kỹ sư Viettel - Ảnh 8.

10 năm trước, những kỹ sư Viettel đã khởi tạo thực tại mới cho ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam với giấc mơ tương tự như Simon Peres từng làm với ngành công nghiệp quốc phòng của Israel. Và trong 2 năm gần đây, giấc mơ của Viettel đã có những “quả ngọt” đầu tiên. Tổng doanh thu ở mảng nghiên cứu sản xuất thiết bị công nghệ cao trong 2 năm 2017-2018 đạt 17.400 tỉ đồng, lợi nhuận 5.250 tỉ đồng.

Nếu so sánh những kết quả này với các tổ hợp công nghệ quốc phòng khổng lồ của thế giới, thành quả ban đầu còn rất nhỏ bé. Nhưng nếu nhìn lại những nghi ngờ lớn với khả năng của người Việt Nam “không sản xuất được cả con ốc vít đúng nghĩa” thì những kỹ sư Viettel đã có những bước tiến dài.

Tất nhiên, những kết quả đó vẫn còn khiêm tốn, và nhìn vào những gì Shimon Peres từng mơ và từng làm với Israel, Viettel vẫn còn cả một chặng đường rất dài ở phía trước.


Giấc mơ của các kỹ sư Viettel - Ảnh 9.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp