30/04/2023 08:19 GMT+7

Giấc mơ con tàu cấp cứu cho Cần Giờ, để 'An' cho Thạnh An

TP.HCM đã sẵn có sông Sài Gòn làm trục phát triển từ những ngày đầu lập thành cách nay 325 năm. Nay, đô thị Nam Sài Gòn lại đang tiếp tục theo dòng sông mà vươn ra Biển Đông.

Bến tàu là nơi kết nối các nhu cầu sống của Thạnh An với đất liền, chuyển giao hàng hóa, lại chuyển giao cả những bệnh nhân cần "giờ vàng" cấp cứu - Ảnh: DUYÊN PHAN

Bến tàu là nơi kết nối các nhu cầu sống của Thạnh An với đất liền, chuyển giao hàng hóa, lại chuyển giao cả những bệnh nhân cần "giờ vàng" cấp cứu - Ảnh: DUYÊN PHAN

Đi về phía biển, TP.HCM có bao la rừng ngập mặn sinh quyển tại Cần Giờ, có cả đảo Thạnh An để phóng tầm mắt trong vịnh Gành Rái…

Triệu giọt mồ hôi

"30-4 năm nay sẽ đông vui lắm đó, nhớ xuống chơi nghen", những người dân Thạnh An vui vẻ nhắn gọi khi gặp chúng tôi đội nón, bịt khẩu trang đi dạo trên con đường "quốc lộ độc đạo" của đảo đang bụi mù giữa trưa tháng 4 nắng rát như lửa. 

Công trình hạ ngầm dây điện, chiếu sáng, cáp viễn thông, ống cấp nước và trải nhựa mặt đường đang vào hồi thi công khẩn trương để 30-4 này khánh thành, và Thạnh An sẽ có một "bộ mặt" mới khang trang hơn.

"Dẫu gì, đây cũng là thành phố, cũng là Sài Gòn mà", ông Trần Văn Bình khẽ khuấy tách cà phê bên hiên nhà, trầm ngâm nói với khách. 75 tuổi, không chỉ là dân "gốc" Thạnh An, ông còn từng là chủ tịch xã Thạnh An suốt mấy nhiệm kỳ từ khi sáp nhập về TP.HCM. 

"Ngày ấy dân Sài Gòn kêu vùng này là duyên hải, khỏi phải kể chi, trăm khó ngàn khó…", ông nói ngắn gọn, và chúng tôi càng hiểu. 

Cuộc sống bình yên trên đảo Thạnh An - Ảnh: T.TR

Cuộc sống bình yên trên đảo Thạnh An - Ảnh: T.TR

Những năm ấy giữa trung tâm thành phố cũng trăm khó ngàn khó, để sang quận 8 hay Nhà Bè, Bình Chánh là đã phải qua mấy lần đò, còn đến Cần Giờ, Duyên Hải ắt phải sắp xếp cả một kế hoạch hành quân. "Hồi ấy không có điện, cuộc sống vẫn như thời ông bà, cha mẹ tôi trăm năm trước, xóm Chày, xóm Lưới, xóm Giồng Chùa…", ông Bình nói tiếp. 

Những xóm làng nhỏ bé hình thành tự nhiên như con nước, thanh niên đi cào te đánh bắt cá cơm, lưới cá đối, ghẹ, đàn ông làm vài ruộng muối, phụ nữ lên chùa học làm thuốc đông y. Màn đêm xuống nhanh hơn mặt trời lặn. Nghèo đã hẳn nhưng bình yên thì không chắc.  

"Xa xôi cách trở, nghèo vậy đó mà có hồi đảo này nổi tiếng lắm đó nha", ông Bình thủng thẳng vừa nhấp ngụm cà phê vừa nói, mấy người ngồi quanh bàn bật cười. Chúng tôi cũng biết, cũng nghe tiếng - ấy là cái thời Thạnh An được người ta mệnh danh là "đảo Rado". 

Rado nghĩa là đồng hồ Rado - sang trọng, đắt giá nhất thời bấy giờ - và những chiếc đồng hồ ấy lại hiện diện trên tay những ngư dân Thạnh An vốn quanh năm quần quật với lưới cá, bùn sình rừng sác. Ấy là vì làn sóng vượt biên từ trong bờ quét qua đảo này để ra khơi. 

"Họ thuê dân đảo lái thuyền lái tàu; họ rủ rê dân đảo cùng đi, cùng tổ chức; họ tìm cách móc nối, mua chuộc người làm chính quyền, biên phòng… Vô cùng phức tạp", ông Bình nói.

Cuộc sống bình yên trên đảo Thạnh An - Ảnh: D.PHAN

Cuộc sống bình yên trên đảo Thạnh An - Ảnh: D.PHAN

Ông Bình khi ấy cũng là một thanh niên tuổi 20, cũng khổ sở vì cảnh nghèo, bức bối vì quẩn quanh trên đảo nhỏ, nhưng "cha tôi bảo không được có suy nghĩ đi theo ai hết, cha ông mình ở đây thì mình ở đây, sống chết trên đất này, nghèo giàu trên đất này" - ông đinh ninh nhắc lại lời người cha ngư dân mà ông hết mực kính yêu. 

Lịch sử của đảo Thạnh An đã dành nhiều thời lượng ghi lại giai đoạn khó khăn ấy. Cũng chính đó là thời điểm huyện Cần Giờ được bàn giao từ Đồng Nai về TP.HCM - 12-1-1978. Giữa trăm khó ngàn khó, triệu nỗi phức tạp của Sài Gòn, thành phố đã nghiêng vai gánh thêm Cần Giờ, thêm Thạnh An và cùng vật lộn, cùng nỗ lực để vượt qua.

"Rồi từ từ cũng yên, từ từ cũng hết đói, bớt dốt, từ từ không còn tăm tối. Vận động được trẻ đi học cấp I, cấp II, lập được lớp mẫu giáo, lập được trạm xá, xây dựng tập đoàn đánh cá, tập đoàn làm muối, kêu gọi hàng ngàn thanh niên đắp bờ kè chống xói lở, trồng rừng, dọn rác, khôi phục các lễ hội văn hóa… 

Bao nhiêu mồ hôi của bao nhiêu người đã kiên trì, kiên tâm đổ xuống để người dân an lòng ở lại đảo. Thành phố cũng quyết tâm lắm mới được như hôm nay", ông Bình kết câu chuyện lại như vậy.

Chúng tôi cũng nhẩm đếm. Đường Rừng Sác từ chục năm nay đã thênh thang, tàu ra đảo đã tấp nập. 

Cuộc sống bình yên trên đảo Thạnh An - Ảnh: D.PHAN

Cuộc sống bình yên trên đảo Thạnh An - Ảnh: D.PHAN

Năm 2015 Thạnh An được sáng bừng lên bằng điện lưới; 2018 bắt đầu có các khối lớp cấp III, học sinh trung học không còn phải dậy từ tờ mờ sáng đi đò vào bờ; 2021 chính thức được công nhận là xã đảo của TP.HCM; 2022 thực hiện chương trình bác sĩ trẻ tình nguyện luân phiên khám chữa bệnh… 

Bạn trẻ thành phố những năm gần đây đã nô nức rủ nhau ra Thạnh An ngắm biển, check-in với bờ kè đá, con đường đá ra biển, khu rừng đước, ăn hải sản, chèo kayak, xem lễ Nghinh Ông, lễ cúng Bà Thủy Long, Ngài Chủ... 

Nhiều hộ dân Thạnh An, Thiềng Liềng đang xây dựng thành điểm du lịch cộng đồng, dịch vụ đón khách ngày càng đa dạng. Dự án AI chẩn đoán bệnh đầu tiên của Việt Nam đang được chạy thử nghiệm tại trạm y tế...

Ấy thế nhưng chính khi đến trạm y tế xem AI chẩn bệnh, chúng tôi lại nhận ra ngần ấy nỗ lực vẫn còn chưa đủ.

Tàu cấp cứu của huyện đảo Trường Sa, và là giấc mơ hôm nay của Thạnh An

Tàu cấp cứu của huyện đảo Trường Sa, và là giấc mơ hôm nay của Thạnh An

Thạnh An không chỉ có những người sống trên rìa con đường độc đạo này, mà còn mấy trăm hộ dân bên ấp Thiềng Liềng cách mấy mươi phút đi ghe, còn những ngư dân trên tàu gỗ ngoài khơi Vũng Tàu, còn du khách đến chơi rải rác…

Tàu gỗ, ca nô không chạy được khi sóng lớn, mưa to, có trên hai ca cấp cứu cùng lúc là nhân sự y tế không đủ, tài công chạy tàu cũng không đủ. Khi đó, "giờ vàng" trong điều trị không tận dụng được…

Bác sĩ LUÂN THANH TRƯỜNG

Giấc mơ về con tàu cấp cứu cho Cần Giờ

Kết thúc một buổi sáng yên ả với vài bệnh nhân thông thường, bác sĩ Luân Thanh Trường, trưởng trạm, tay dắt xe máy, tay xách túi thuốc, đồ nghề. 

Trước khi về nhà ăn trưa, anh ghé qua thăm khám cho vợ chồng ông Xê - bà Bé, hai người già neo đơn, nghèo, lại mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp, chồng bị cắt một chân vì hoại tử phải ngồi xe lăn, vợ cũng tháo khớp một bàn tay, lại mắc thêm động kinh, ngồi run rẩy trên chiếc ghế nhựa. 

Bà khóc khi thấy bác sĩ đến với ống nghe đeo trên cổ, vẫy mỏm tay cụt chỉ hộp cơm vừa được ai đó mang đến, là khẩu phần của hai vợ chồng trưa nay…

Trên đường về nhà ở phía bên kia đảo, vẫn còn một điểm nữa phải ghé, cả đảo này ai cũng có số liên lạc của bác sĩ lưu trong điện thoại. Một người bị rối loạn tiêu hóa đang nằm bẹp, bác sĩ đến truyền điện giải đã đến bình thứ hai. 

Vừa chia tay để bác sĩ về nghỉ, chúng tôi quay lại trạm xá, lại gặp mấy người đang hơ hải dìu vào một người đàn ông đang vừa đi vừa ôm ngực. Anh chạy xe ôm, vừa khi nãy đón khách ngoài bến, đang đứng chuyển giúp một gói hàng từ tàu lên bờ thì con tàu chợt theo nước tách ra khỏi cầu cảng. 

"Tui té đập ngực vào mạn tàu", anh nhăn mặt nói trong cơn đau. Các bác sĩ tình nguyện đang có mặt vội đưa vào phòng chụp X-quang. Chỉ vài phút, phần mềm chẩn đoán AI đã cho kết quả: tràn dịch màng phổi, gãy hai xương sườn.

Bến tàu là nơi kết nối các nhu cầu sống của Thạnh An với đất liền, chuyển giao hàng hóa, lại chuyển giao cả những bệnh nhân cần "giờ vàng" cấp cứu - Ảnh: DUYÊN PHAN

Bến tàu là nơi kết nối các nhu cầu sống của Thạnh An với đất liền, chuyển giao hàng hóa, lại chuyển giao cả những bệnh nhân cần "giờ vàng" cấp cứu - Ảnh: DUYÊN PHAN

Lại điện thoại đến bác sĩ Trường, đầu dây bên kia hối hả: "Làm giấy chuyển viện, đưa ra bến liền may ra kịp tàu. Tôi sẽ ra đó ký". Từ hai phía của đảo, quy trình chuyển viện của Thạnh An vận hành. 

Bác sĩ Hưng vừa làm giấy vừa hối người nhà bệnh nhân về lấy bảo hiểm y tế, vừa tìm xe chở, vừa gọi vào báo với Bệnh viện huyện Cần Giờ để được cấp xe đón. 

Bác sĩ Trường chạy đến một tiệm tạp hóa: "Chị Sáu ứng quỹ 1 triệu giúp anh Hải xe ôm đi nhập viện, nếu không sao thì trả lại…". 

Thì ra trên đảo có một quỹ từ thiện do bà con góp lại, mỗi người 5.000-10.000 đồng để dành giúp người lúc ngặt. Rất nhanh, tiền được xuất, bác sĩ Trường chạy ra bến tàu. Tàu chở khách đã đi rồi, còn một chiếc tàu khác nghe gọi chở người cấp cứu đang vội vã cặp mạn. 

Giấy chuyển viện được bác sĩ Hưng đưa tới. Kê lên đùi ký vội vã rồi bác sĩ Trường nhảy xuống tàu, sửa soạn chỗ nằm cho bệnh nhân, dặn dò kỹ lưỡng người nhà…

Tàu nổ máy đi, bác sĩ Trường đứng nhìn theo, thở phào: "May là từ cuối năm ngoái tới nay có các bác sĩ tình nguyện đến giúp đỡ, chứ trước nay chỉ có mình tôi quay mòng mòng…". Hơi thở phào chưa dứt, điện thoại lại reo. 

Đầu dây bên kia báo bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa đang truyền nước thì có triệu chứng lạ. Không kịp từ giã chúng tôi, bác sĩ Trường lại nhảy lên xe máy chạy đi. Một lát đã thấy anh gọi về trạm xá: chuẩn bị chuyển viện. 

Ca thứ hai trong một buổi chiều. Bệnh nhân không ngồi được trên xe máy, mọi người tìm được một chiếc xe ba gác đạp, đặt ông nằm lên đó thay băng ca rồi đẩy ra bến tàu…

Bến tàu là nơi kết nối các nhu cầu sống của Thạnh An với đất liền, chuyển giao hàng hóa, lại chuyển giao cả những bệnh nhân cần "giờ vàng" cấp cứu - Ảnh: DUYÊN PHAN

Bến tàu là nơi kết nối các nhu cầu sống của Thạnh An với đất liền, chuyển giao hàng hóa, lại chuyển giao cả những bệnh nhân cần "giờ vàng" cấp cứu - Ảnh: DUYÊN PHAN

Chiều hôm đó ở trạm xá có thêm hai người lên giường nằm hồi sức, ấy là bạn bác sĩ tình nguyện và cô điều dưỡng bị say sóng khi trở về sau hai ca chuyển viện…

"Bây giờ trạm xá có máy móc, thiết bị, ngoài bến có tàu gỗ, có ca nô cấp cứu, vào bờ đường đi thông thoáng, có xe cấp cứu chờ sẵn, chớ mười mấy năm trước thì…", bác sĩ Trường bỏ lửng câu nói. 

Chúng tôi hiểu vì sao anh ngừng lời. Chuyện cấp cứu mà, trên mỗi giây mỗi phút, mỗi khâu thiếu thốn, chậm trễ là sinh mạng của con người. Và bây giờ? Bác sĩ Luân Thanh Trường khoát tay một vòng: 

"Bây giờ là tạm chấp nhận được, chứ chưa thể đủ. Thạnh An không chỉ có những người sống trên rìa con đường độc đạo này, mà còn mấy trăm hộ dân bên ấp Thiềng Liềng cách mấy mươi phút đi ghe, còn những ngư dân trên tàu gỗ ngoài khơi Vũng Tàu, còn du khách đến chơi rải rác… 

Tàu gỗ, ca nô không chạy được khi sóng lớn, mưa to, có trên hai ca cấp cứu cùng lúc là nhân sự y tế không đủ, tài công chạy tàu cũng không đủ. Thật sự đã có những ca bệnh phải tử vong vì không tận dụng được "giờ vàng" trong điều trị".

Những tâm sự này của bác sĩ Trường - một "người Sài Gòn gốc Gò Vấp" gắn bó với xã đảo Thạnh An suốt 20 năm - đã thấu tới các lãnh đạo Sở Y tế. 

Trong buổi thăm Thạnh An, giấc mơ về một con tàu cấp cứu có trang thiết bị sơ cứu, có bác sĩ túc trực ở Thạnh An, cơ động trong vịnh Gành Rái, để tô đậm thêm chữ "AN" đã được nhen lên. "Nếu được vậy thì còn gì bằng…", bác sĩ Trường cười, nụ cười hiếm hoi cuối buổi chiều tất bật.

Cuộc sống bình yên trên đảo Thạnh An - Ảnh: D.PHAN

Cuộc sống bình yên trên đảo Thạnh An - Ảnh: D.PHAN

Vẫn chưa đủ "an"

Là xã đảo duy nhất của thành phố, diện tích rừng biển rộng nhưng đất lại hẹp, dân số chỉ hơn 5.000, vậy nhưng khoảng cách 1,2km qua phà ngang sông, 70km đường bộ, thêm 5 hải lý đường biển đi bằng tàu gỗ đã khiến dặm đường phát triển của Thạnh An mấy mươi năm qua trở nên… thăm thẳm.

Gần đây, nhiều công trình, dự án đã được thành phố quyết tâm vượt đường vượt nước đưa đến đây. Nhưng vẫn chưa đủ. Chưa đủ "an" với Thạnh An…

Triển khai ngầm hóa lưới điện tại xã Thạnh An, huyện Cần GiờTriển khai ngầm hóa lưới điện tại xã Thạnh An, huyện Cần Giờ

Vừa qua, Tổng Công ty Điện lực TP.Hồ Chí Minh phối hợp Ủy ban Nhân dân huyện Cần Giờ tổ chức bàn giao mặt bằng thi công công trình 'Ngầm hóa lưới điện tại xã Thạnh An, huyện Cần Giờ'.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp