20/02/2016 08:21 GMT+7

Giá xăng thấp nhất trong 9 năm, vận tải vẫn chưa giảm giá

L.THANH - C.V.KÌNH - T.PHÙNG
L.THANH - C.V.KÌNH - T.PHÙNG

TT - Hiệp hội Doanh nghiệp vận tải cho rằng “giá xăng giảm chưa tới ngưỡng để giảm giá”, vậy liệu khi xăng tăng giá, các DN có đợi đến ngưỡng giá xăng tăng 30% mới tăng giá cước?

Giá nhiều loại hàng hóa - trong đó có nông sản - chưa giảm một phần do giá cước vận chuyển không giảm tương ứng với giá xăng dầu - Ảnh: Hữu Khoa
Giá nhiều loại hàng hóa - trong đó có nông sản - chưa giảm một phần do giá cước vận chuyển không giảm tương ứng với giá xăng dầu - Ảnh: Hữu Khoa

Ngày 19-2, Bộ GTVT và Bộ Tài chính đồng loạt có văn bản thúc các doanh nghiệp kinh doanh vận tải giảm ngay giá cước, sau khi giá xăng dầu liên tục giảm mạnh và hiện đứng ở mức thấp nhất trong chín năm trở lại đây.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng các cơ quan chức năng cần sớm sửa cơ chế quản lý giá cước, để doanh nghiệp (DN) toàn quyền tự điều chỉnh giá cước và chịu trách nhiệm thay vì phải đăng ký khi điều chỉnh giá cước như hiện nay.

Phải giảm ngay cước vận tải

Trong văn bản, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã yêu cầu các sở GTVT làm việc với các đơn vị kinh doanh vận tải kê khai lại ngay giá cước, đảm bảo giá cước vận tải phù hợp với giá nhiên liệu giảm, đồng thời yêu cầu các DN vận tải phải kê khai rõ các yếu tố chi phí cấu thành giá cước vận tải (có chi phí nhiên liệu) để làm cơ sở cho các cơ quan quản lý rà soát và kiểm tra.

Ngoài ra, các sở GTVT phối hợp với sở tài chính cùng các cơ quan liên quan về quản lý giá cước vận tải tại địa phương, kiểm tra việc thực hiện của các đơn vị vận tải và kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm, báo cáo kết quả triển khai thực hiện về Bộ GTVT trước ngày 10-3.

Cùng ngày, trong văn bản đề nghị Bộ GTVT thúc DN giảm giá cước, ông Nguyễn Anh Tuấn, cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, cho biết từ đầu năm 2016 đến nay, giá xăng dầu liên tục giảm mạnh, trong đó xăng Ron 92 có bốn lần được điều chỉnh giảm với tổng mức giảm 2.650 đồng/lít, khoảng 16%, trong khi dầu diesel 0,05S giảm 2.400 đồng/lít, khoảng 20%.

Do đó, Bộ Tài chính yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải rà soát giá nhiên liệu hiện nay để xây dựng phương án giá, kê khai lại giá cước vận tải phù hợp với biến động giảm giá nhiên liệu.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN Phan Thế Ruệ cho biết sau đợt điều chỉnh vào ngày 18-2, giá xăng A92 chỉ còn khoảng 13.700 đồng/lít, mức giá thấp nhất trong 9 năm qua. Trên thực tế, thời gian qua giá xăng bán lẻ đã giảm tới khoảng 50%.

Do đó, theo ông Ruệ, đầu vào của các ngành vận tải, đặc biệt là vận tải chở hàng và chở khách, vận chuyển taxi (các ngành sản xuất chủ yếu dùng dầu)... giảm mạnh.

Bình luận về ý kiến của một lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp vận tải rằng “giá xăng giảm chưa tới ngưỡng để giảm giá”, ông Ruệ đặt vấn đề rằng liệu khi xăng tăng giá, các DN có đợi đến ngưỡng giá xăng tăng 30% mới tăng giá cước?

Sớm sửa cơ chế quản lý giá cước

Theo ông Ruệ, để buộc các DN vận tải giảm giá cước, Bộ Tài chính cũng cần có những cuộc thanh tra, kiểm tra xem giá xăng chiếm bao nhiêu phần trăm giá thành vận tải, tính toán xem khi giá xăng tăng 10%, DN tăng giá cước bao nhiêu và ngược lại.

Khi thông tin này được công bố công khai, người tiêu dùng sẽ dùng quyền lực của mình, đó là từ chối dịch vụ của những hãng không giảm hoặc giảm giá cước không phù hợp với mức giá của nhiên liệu đầu vào.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng cần phải sửa cơ chế quản lý giá cước vận tải đường bộ.

Theo ông Long, theo quy định hiện hành, nếu muốn điều chỉnh giá cước, DN taxi phải kê khai với cơ quan quản lý mức giá cước mới, chờ cán bộ nhà nước đến kẹp chì đồng hồ rồi mới được thực hiện, chưa kể DN còn phải mất phí mỗi lần điều chỉnh giá cước...

Do đó khi giá xăng tăng, DN vận tải tăng giá cước rất nhanh nhưng khi giá xăng giảm, DN lấy đủ lý do để trì hoãn giảm giá cước.

“Đây là quy định quá bất hợp lý, cơ chế thị trường rồi mà vẫn phải xin và chờ đợi thì không chấp nhận được” - ông Long nói. Để đảm bảo lợi ích của người dân, theo ông Long, hãy để DN toàn quyền tự điều chỉnh giá cước và chịu trách nhiệm về tính chính xác của đồng hồ đo cước. Còn cơ quan quản lý chỉ giám sát mức giá mà DN kê khai có đúng hay không, đồng hồ đo có chính xác…

* Ông Nguyễn Anh Tuấn (cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính):

Cước vận tải phải giảm khi nhiên liệu giảm 20%

Bộ Tài chính và Bộ GTVT đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều về thực hiện cước vận tải bằng ôtô.

Theo đó, giá nhiên liệu đầu vào giảm từ 20% trở lên so với giá nhiên liệu tại thời điểm kê khai liền kề trước thì tối đa sau 5 ngày, doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải kê khai hoặc thông báo giá cước phù hợp với mức giảm của chi phí nhiên liệu.

L.THANH ghi

L.THANH - C.V.KÌNH - T.PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp