Các em học sinh trường Tiểu học Thạnh An (H.Cần Giờ) thưởng thức phở do các Hoa hồi vàng phục vụ - Ảnh: DUYÊN PHAN
Và từ hành trình của mình, những người yêu phở còn nhận ra rằng thành phần trong một tô phở của "Ngày của phở 12-12" không chỉ có bánh phở, nước dùng, cọng hành, ngò xanh tươi mà còn có "gia vị" của nhân ái, yêu thương và sẻ chia. Đó cũng là hương vị phở bay xa nhất.
Khi hương phở không chỉ có hồi, quế, thảo quả...
Bàn câu chuyện đưa hương vị phở đi thật xa, nhưng rồi những người tổ chức cũng giật mình vì món ăn những tưởng thân quen lại vô cùng lạ lẫm với người dân ấp đảo Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM. Ngay trong thành phố của chúng ta, bà con mình vẫn chưa có cơ hội thưởng thức một tô phở ngon đúng vị... phở.
Vậy là sân Trường tiểu học Thạnh An đã có một ngày ngập trong hương phở, tiếng xuýt xoa trong sự háo hức của các em học sinh bên tô phở nóng hổi, nghi ngút khói. Sau bữa tiệc gần 2.000 suất phở hôm ấy, trẻ em Thiềng Liềng có thêm một kỷ niệm đẹp về một món ăn quê hương.
Anh Phạm Quang Duy - trưởng bộ phận F&B của Công ty cổ phần dịch vụ hàng không Tân Sơn Nhất (Sasco), người được vinh danh Hoa hồi vàng 2021 - đã không giấu được sự hào hứng khi mang về Thiềng Liềng 300 suất phở ngon, lành nhất cho bà con ở đây giữa tháng 12-2021.
Gắn bó với món phở, chuyên phục vụ những du khách rất đặc thù, đó là những hành khách khắp nơi trên thế giới đến và đi qua sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, vì thế anh Duy cũng có những ấp ủ cho riêng mình làm sao đưa phở đi xa một cách bài bản, có hệ thống.
"Bà con mình ở nhiều nơi chưa được ăn phở hay thưởng thức một tô phở ngon, vì thế, thật vui vì mọi người đã có bữa tiệc phở đúng nghĩa" - anh Duy trải lòng sau chuyến đi.
Trước hành trình về với bà con Thiềng Liềng, phở đã trên những "Chuyến xe yêu thương" mang theo sự sẻ chia trong những ngày TP.HCM chống dịch đầy gian khó.
Những "Xe phở yêu thương" đã đến với các khu cách ly, khu điều trị, bệnh viện dã chiến, kịp thời chăm sóc sức khỏe cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và bệnh nhân COVID-19... để rồi, đã được chào đón theo những cảm xúc thật đặc biệt.
Đó là ánh mắt hạnh phúc của người mẹ nhìn cậu con trai 12 tuổi háu ăn phở, không quên nhắc "từ từ thôi kẻo nghẹn", là một bà bầu F0 đang ở triệu chứng mất mùi nhưng thưởng thức hết cả tô phở bò đang nghi ngút khói hay một gia đình ở xóm trọ nghèo không may nhiễm COVID-19, được quây quần cùng nhau ăn phở, một bữa ăn mà trong những ngày bình thường, cũng thật hiếm.
Những tô phở trong "Xe phở yêu thương" chắc chắn ngon và lành, bởi nó không chỉ được nấu bằng những nguyên liệu chỉn chu nhất, đầy đủ thịt bò, rau thơm, gia vị hồi, quế, thảo quả, tiêu, chanh, nước mắm... mà thêm nhiều "gia vị" của yêu thương và sẻ chia.
Phở đi khắp thế gian
Ông Kajiwara Junichi trải nghiệm gánh phở tại Hà Nội. Kỷ niệm đáng nhớ trong hành trình 5 năm đồng hành cùng Ngày của phở ngày 12-12 - Ảnh: NAM TRẦN
5 năm trước, vào ngày 12-12-2017, cũng tại TP.HCM, "Ngày của phở 12-12" lần đầu tiên chỉ là một sự kiện nho nhỏ, gói gọn trong một khán phòng của trung tâm sự kiện White Palace trên đường Hoàng Văn Thụ. "Ngày của phở 12-12" năm nay đã có những bước tiến dài hơn.
Việc Google đưa biểu tượng Doodle Phở trên trang chủ của mình không chỉ trong lãnh thổ Việt Nam mà còn ở 20 quốc gia khác trong ngày 12-12-2021 đã giúp phở - món ăn độc đáo, hấp dẫn trong kho báu ẩm thực Việt - được lan tỏa mạnh mẽ hơn, ấn tượng hơn trên bản đồ ẩm thực thế giới.
Theo chân người Việt đi làm ăn, buôn bán từ Hàn Quốc, Mỹ, Đức, Singapore hay Úc... phở đã được nhắc đến bằng sự tự hào của những người đang cùng góp sức lan tỏa hương phở bay xa. Những tô phở đã vượt qua giá trị một món ăn ngon, trở thành món ăn mang tính biểu tượng văn hóa ẩm thực của Việt Nam, đem đến một sự tự hào cho người Việt bất cứ nơi đâu.
Năm nay sức khỏe không cho phép bản thân tham gia tất cả các hoạt động trong "Ngày của phở 12-12", ông Kajiwara Junichi - tổng giám đốc Công ty Acecook Việt Nam - vẫn cảm nhận sự quan tâm dành cho món phở đang lớn dần lên.
Người Việt đã có lễ hội phở và được thưởng thức nhiều hương vị phở khác nhau. "Hiểu thêm nhiều vị phở, dần dần tình yêu dành cho phở cũng sâu đậm hơn, tôi tin người Việt sẽ tự hào hơn về nền văn hóa ẩm thực của mình" - ông Kajiwara Junichi bày tỏ.
Nghệ nhân ẩm thực Bùi Thị Sương chia sẻ bà vui khi thấy phở thu hút được nhiều người hơn, và mọi người đã nói về vị ngon của phở, tìm hiểu học cách nấu phở, đó là cách phở đi vào đời sống hiệu quả nhất.
Không khí "Ngày của phở 12-12" làm bà nhớ mãi kỷ niệm chuyến đi đến Thụy Điển, nơi bà chứng kiến giữa vô vàn món ăn bắt mắt, nhưng nhiều người xếp hàng để được ăn món phở Việt Nam.
"Ngày của phở 12-12" sẽ góp phần đưa ẩm thực Việt ra quốc tế, xứng đáng với vị trí đáng ra phải có từ lâu rồi.
Người Việt nếu không làm được điều gì đó cho ẩm thực Việt, cho phở Việt thì rất buồn. Sau 5 năm, hành trình này đang được chắp cánh để đi xa hơn, đem giá trị kinh tế cao hơn cho hạt gạo, đó là mong mỏi của bất kỳ người yêu món ăn ngon, lành này" - bà Sương nói.
Phở trên những nẻo đường nhân ái
Chị Thanh Nguyên - chủ tiệm phở Hai Thiền - vui vẻ nấu phở cho người dân ấp đảo Thiềng Liềng, huyện Cần Giờ - Ảnh: DUYÊN PHAN
Phở xuất hiện mọi nơi, từ các nẻo đường làng quê cho đến các ngõ ngách của thành phố, từ những quán ăn vỉa hè, quán bình dân, trong các nhà hàng sang trọng. Mọi người ăn phở như là một món ăn sáng hoặc cũng có thể ăn trưa, ăn chiều hay tối nhưng rất khó cảm thấy ngán.
Và từ khi được khởi xướng đến nay, những người thực hiện "Ngày của phở 12-12" còn đưa các suất phở đến với các em nhỏ ở rẻo cao, những anh chị lao công, giữ gìn vệ sinh, cảnh quan của thành phố...
Nấu cả trăm suất phở với cảm giác như chuẩn bị bữa cơm cho một gia đình lớn, các đầu bếp là những Hoa hồi vàng đã chăm chút, tỉ mỉ nồi nước dùng xuyên đêm, những chiếc bánh phở mềm, dai nóng hổi... được tráng tại chỗ... Khung cảnh khó quên không chỉ với thực khách mà cả người nấu ngày hôm ấy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận