13/03/2022 09:09 GMT+7

Giá vật liệu tăng, nhà thầu càng làm càng lỗ

BẢO NGỌC
BẢO NGỌC

TTO - Thép, cát xây dựng, xăng dầu... đồng loạt tăng giá làm nhiều chủ thầu xây dựng lao đao. Nhiều chuyên gia cảnh báo nếu không có giải pháp bù giá kịp thời thì nhiều công trình, dự án lớn sẽ đình trệ.

Giá vật liệu tăng, nhà thầu càng làm càng lỗ - Ảnh 1.

Thi công công trình đê biển Nam Đình Vũ, TP Hải Phòng - Ảnh: NAM TRẦN

Các loại vật liệu xây dựng tăng giá mạnh theo giá xăng dầu cũng như chịu tác động bởi căng thẳng Nga - Ukraine đã tác động trực tiếp tới giá thành xây dựng các công trình, dự án đầu tư công.

Càng làm càng lỗ?

Chỉ trong những ngày đầu tháng 3, giá thép xây dựng liên tục tăng mạnh 600.000 - 1.400.000 đồng/tấn tùy loại. Các loại vật liệu xây dựng khác như cát, gạch cũng tăng cao. Tại một số điểm bán vật liệu xây dựng ở TP.HCM, giá cát đang ở mức 300.000 đồng/m3, tăng 10.000 đồng/m3 so với đầu năm, còn gạch ống tăng thêm 100 đồng/viên.

Theo ông Nguyễn Quang Cung, chủ tịch Hiệp hội Ximăng VN, ximăng trong nước cũng đang có áp lực tăng giá lớn khi các nhiên liệu đầu vào như than, xăng dầu tăng giá. Theo nhiều nhà thầu xây dựng, giá xăng dầu hiện nay đã tăng khoảng 60% so với hồi đầu năm khiến cho chi phí các ca máy thi công trên các công trường xây dựng bị đội lên rất cao.

Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, khuyến cáo rằng vật liệu xây dựng tăng giá quá cao sẽ làm chậm tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, kể cả các dự án được chỉ định thầu. 

"Bởi giá vật liệu tăng làm đội giá thành xây dựng, nên nhà thầu nào cũng lo ngại. Các định mức đơn giá cũ trong hồ sơ mời thầu không còn phù hợp với giá cả thị trường", ông Lâm nói.

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, chi phí thép chiếm 12 - 16% tổng chi phí xây dựng công trình. Nếu giá thép xây dựng tăng 10%, giá thành xây dựng các công trình sẽ tăng thêm 1%. 

Hơn nữa, đà tăng giá của giá thép có thể chưa dừng lại khi nhu cầu sử dụng thép sẽ tăng mạnh trong thời gian tới khi các bộ, ngành, địa phương triển khai gói hỗ trợ phục hồi kinh tế gần 350 ngàn tỉ đồng, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, hàng loạt công trình xây dựng mới được triển khai.

Một nhà thầu xây dựng đường cao tốc ở phía Bắc cho biết chi phí vật liệu xây dựng chiếm khoảng 50% chi phí đầu tư dự án đường cao tốc. Do đó, việc vật liệu xây dựng tăng giá là điều mà tất cả các nhà thầu đều không mong muốn. 

"Nếu đà tăng giá không được kiểm soát, càng làm càng lỗ thì sẽ có nhiều nhà thầu phải chấp nhận dừng công trình, chấp nhận chịu phạt tiến độ", vị này nói.

Bù giá để đảm bảo tiến độ công trình?

TS Nguyễn Việt Hùng, nguyên vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT), cho rằng để gỡ vướng cho các nhà thầu thi công dự án đầu tư công, Chính phủ cần ban hành một giải pháp tình huống cho phép bù giá cho nhà thầu thi công các dự án để đạt được mục tiêu kích cầu đầu tư công, tạo đà hồi phục cho nền kinh tế. 

Trong năm 2007 - 2008, khi giá cả biến động mạnh, lạm phát tăng cao, Chính phủ cũng đã ban hành giải pháp bù giá cho các công trình xây dựng.

"Vì nếu để nhà thầu xây dựng bỏ cuộc sẽ ảnh hưởng tới tiến độ xây dựng các dự án đầu tư công, nền kinh tế không hồi phục như kỳ vọng, tác hại sẽ lớn hơn nhiều. 

Vì vậy, Nhà nước đã phải chấp nhận rút hầu bao để hỗ trợ các nhà thầu tiếp tục thi công các công trình, dự án" - ông Hùng nói, nhưng cho rằng để ra được chính sách này thông thường mất khoảng 7-8 tháng nên sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ các dự án.

Ông Hồ Minh Hoàng, chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, cho rằng vật liệu tăng giá đến ngưỡng nhất định thì nhà thầu còn có thể chịu đựng được, nhưng nếu tăng quá cao thì Nhà nước cũng cần xem xét để bù giá cho nhà thầu. 

Tất nhiên, nhà thầu có năng lực tài chính sẽ không thể ngồi chờ Nhà nước bù giá xong mới làm. "Để bảo đảm tiến độ, nhà thầu vẫn phải xoay xở để thi công dự án đúng tiến độ. Nhưng đến khâu thanh toán quyết toán, Nhà nước sẽ xem xét để bù giá lại cho nhà thầu", ông Hoàng đề xuất.

* Ông Nguyễn Thanh Trung (chủ tịch HĐQT Công ty CP Tôn Đông Á):

Không thể không tăng giá

Giá xăng dầu tăng mạnh đã tác động lập tức đến chi phí vận chuyển của doanh nghiệp, chưa kể các chi phí nhiên liệu cho sản xuất như khí đốt cũng tăng lên. Một số mặt hàng đã tăng giá chào mới so với tháng 1-2 lên đến 20 - 30%.

Chúng tôi đang sản xuất bằng nguyên liệu dự trữ, nên thời điểm này chưa tác động đến giá thành sản phẩm. Đợt tăng giá nguyên liệu sẽ có độ trễ 1-2 tháng, nên đến tháng 3 và 4 thì giá các sản phẩm sẽ đội giá tương ứng với giá nguyên liệu.

Trong năm 2021, giá sản phẩm đầu ra đã đội lên so với trước dịch khoảng 40%, sau đó hạ nhiệt và hiện giảm khoảng 15 - 20% so với cao điểm. Nhưng với mức tăng mạnh của nguyên liệu như hiện nay, giá sản phẩm lại tăng lên. (NGỌC HIỂN)

10 ngày, thép 3 lần tăng giá 10 ngày, thép 3 lần tăng giá

TTO - Những ngày đầu tháng 3, thép xây dựng 3 lần tăng giá. Nhiều mặt hàng khác cũng tăng khiến hàng loạt nhà thầu đối mặt nguy cơ vỡ trận, nhiều công trình có thể vỡ tiến độ.

BẢO NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp