30/03/2024 09:35 GMT+7

Giá vàng sẽ giảm khi bỏ độc quyền

Tại cuộc họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia ngày 28-3, đa số ý kiến tại cuộc họp đồng tình đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.

Các chuyên gia đánh giá việc bỏ độc quyền vàng miếng sẽ làm giảm chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Các chuyên gia đánh giá việc bỏ độc quyền vàng miếng sẽ làm giảm chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổng hợp đầy đủ các ý kiến, hoàn thiện báo cáo, đề xuất các giải pháp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bỏ độc quyền nhưng không thả nổi

Chuyên gia Nguyễn Thế Hùng cho biết thị trường vàng thế giới vẫn đang chu kỳ tăng giá. Giá kim loại quý này liên tục phá vỡ kỷ lục trong bối các ngân hàng có động thái đã và sẽ cắt giảm lãi suất.

Nếu không xóa bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, khó ổn định thị trường. "Chưa cần cho nhập khẩu, chỉ cần xóa bỏ độc quyền, giá vàng sẽ lập tức giảm ngay vài triệu đồng mỗi lượng", ông Hùng nói.

Ông Huỳnh Trung Khánh, phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho rằng khi bỏ độc quyền, thị trường phong phú hơn thì chắc chắn giá vàng SJC hay giá vàng ở Việt Nam nói chung sẽ giảm. Ít nhất là chênh lệch với giá vàng thế giới sẽ thu hẹp thay vì có thời điểm chênh lệch lên tới 16 - 18 triệu đồng/lượng.

Bỏ độc quyền vàng miếng cũng là điều kiện để sau này cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu, vì cho doanh nghiệp sản xuất mà không có nguyên liệu thì cũng không có tác dụng.

Lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh vàng ở Hà Nội cũng cho rằng bỏ độc quyền nhưng không thả nổi sẽ giúp thị trường vàng minh bạch hơn, giữ vững chủ trương chống vàng hóa nền kinh tế. Giảm chênh lệch giá vàng sẽ giúp kim loại quý này bớt ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế vĩ mô.

Cân đối tỉ giá ra sao?

Từ góc độ thành viên tham gia thị trường, lãnh đạo doanh nghiệp kinh doanh vàng ở Hà Nội cho rằng việc bổ sung thêm các doanh nghiệp nhập khẩu vàng có đủ điều kiện là "hành động đúng đắn, cần thiết". Động thái này giúp hạn chế hiện tượng buôn lậu vàng.

Ông Shaokai Fan, giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm giám đốc Ngân hàng Trung ương toàn cầu tại Hội đồng Vàng thế giới, chỉ ra chính sách hạn chế nhập khẩu vàng là nguyên nhân chính khiến giá vàng trong nước chênh lệch lớn với giá vàng thế giới.

Do đó cho phép nhập khẩu vàng sẽ giúp kéo giảm khoảng cách chênh lệch này. Việc sửa đổi nghị định 24 một cách phù hợp sẽ giúp Chính phủ quản lý được thị trường vàng chính thức.

Nhưng vị chuyên gia này cũng cảnh báo nhập khẩu vàng sẽ có tác động nhất định tới kinh tế vĩ mô. Rất may là dự trữ ngoại hối Việt Nam đã tốt hơn nhiều so với trước đây.

Theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính), tỉ giá chợ đen vừa qua "nóng" khả năng đến từ nhập lậu vàng. Khi giá trong nước còn chênh cao với thế giới sẽ kích thích nhập khẩu tiểu ngạch.

Nên việc nhập khẩu vàng chính ngạch sẽ kiểm soát tốt hơn, tránh thất thu thuế, thậm chí là cơ sở kiểm soát tốt hơn tỉ giá. Việc cho phép nhập khẩu vàng dưới sự quản lý, giám sát từ cơ quan quản lý sẽ kiểm soát được ngoại tệ.

Ông Cường cũng nói khi bỏ độc quyền vàng SJC, khoảng cách chênh lệch về giá giảm xuống, không còn nhiều cơ hội kiếm lợi.

Ông Shaokai Fan góp ý Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong quản lý thị trường vàng. Hiện nay nhiều quốc gia quản lý thị trường vàng rất tốt bằng cách biến vàng thành sản phẩm tài chính, không đơn thuần trao đổi vàng vật chất.

Giá vàng thế giới tăng chóng mặt, phá vỡ mọi kỷ lụcGiá vàng thế giới tăng chóng mặt, phá vỡ mọi kỷ lục

Giá vàng thế giới tăng dựng đứng ngay trước kỳ nghỉ lễ Phục sinh, chốt ở mức 2.234 USD/ounce, ngày 29-3.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp