10/08/2011 07:45 GMT+7

Giá vàng điên loạn do đầu cơ chủ yếu ở Hà Nội

ÁNH HỒNG - PHẠM PHƯƠNG
ÁNH HỒNG - PHẠM PHƯƠNG

TT - Giá vàng trong nước tăng nhanh gây lo lắng cho nhiều người có nguyên nhân từ đầu cơ, lướt sóng, chủ yếu là ở Hà Nội. Tại Hà Nội, giá vàng lên đã khiến người người chen nhau “lướt sóng” vàng.

Ngày 9-8, Ngân hàng Nhà nước cấp phép cho nhập 5 tấn vàng và cho biết sẽ nhập thêm 5 tấn đã kéo giá vàng trong nước giảm lại sau khi tăng lên 46,2 triệu đồng/lượng.

P7Wms5IA.jpgPhóng to

Người dân Hà Nội chen nhau đi mua vàng sáng 9-8 - Ảnh: Nam Khánh

Giải mã việc giá vàng tăng như vũ bão những ngày gần đây, các công ty vàng cho rằng ngoài nguyên nhân tác động từ giá thế giới còn có yếu tố đầu cơ dựa trên tâm lý đám đông của nhiều người đẩy nhu cầu mua lên cao đột biến, trong khi nguồn cung hạn hẹp do các đơn vị kinh doanh đã vét vàng xuất khẩu trước đó.

Thực tế diễn biến giá vàng cũng như lượng người mua bán tại thị trường Hà Nội và TP.HCM đã phản ánh đúng thực tế đó.

Hà Nội: chen nhau “lướt sóng” vàng

Quan sát các cửa hàng vàng trên phố Hà Trung, Trần Nhân Tông sáng 8-8, lượng khách đến mua đông nghịt. Đặc biệt tại khu phố có nhiều cửa hàng vàng bạc Trần Nhân Tông, rất nhiều người dân chen chúc xếp hàng để giao dịch vàng. Đến gần trưa 9-8, khi giá vàng vọt lên mức 46,3 triệu đồng/lượng, nhân viên nhiều cửa hàng vàng cho biết đã hết vàng để bán. Tuy nhiên có khách vẫn tiếp tục chờ đợi...

Chỉ riêng tại cửa hàng vàng bạc Bảo Tín Minh Châu đến 12g trưa 9-8, lượng khách đến giao dịch được ghi nhận là 475 lượt người, trong đó 48% là người đi mua, 52% là người bán. Mặc dù lượng người bán nhiều hơn người mua nhưng theo thống kê, người bán chủ yếu bán vài chỉ, còn người mua nhiều nhất là 25 lượng..

Đặc biệt, có khá nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ, giới đầu cơ chỉ đứng theo dõi giá vàng mà chưa quyết định giao dịch ngay, một số khác tranh thủ mua vào và chốt lời khi thấy được giá.

Anh Hoàng Tô An, một người đầu tư vàng, cho biết đầu giờ sáng mua được mấy chục lượng ở giá 45,40 triệu đồng/lượng, khi giá đạt ở mức 46,20 triệu đồng/lượng bán ra anh đã quyết định bán để... kiếm lời.

Không chỉ anh An mà có khá nhiều nhà đầu cơ đứng thăm dò tại các cửa hàng vàng như Phú Quý, Bảo Tín Minh Châu, Thịnh Quang..., thậm chí có người còn hỏi mua lại vàng của người dân với giá cao hơn trong các cửa hàng nhằm kiếm lời. Vừa bước vào cửa hàng Phú Quý, chị T. cho biết vừa có mấy người ngoài cửa hàng hỏi muốn mua vàng và trả với giá 46 triệu đồng/lượng, cao hơn trong cửa hàng. Tuy nhiên, chị quyết định chưa bán vì thấy có khá nhiều người cũng đang đứng quan sát.

Đặc biệt, dù hôm 8-8 Ngân hàng Nhà nước đã phát đi tín hiệu sẽ cho nhập khẩu vàng nhưng cả buổi sáng 9-8 hầu hết những người dân đến giao dịch vàng tại Hà Nội khi được hỏi đều không biết.

TTnq4bof.jpgPhóng to
Hà Nội: khách hàng chen chúc xếp hàng mua vàng tại cửa hàng Bảo Tín Minh Châu - Ảnh: P.PHƯƠNG

TP.HCM: trầm lắng

Trái ngược với Hà Nội, tại thị trường TP.HCM giao dịch vàng khá trầm lắng. Người dân chỉ mua nhỏ giọt với số lượng ít, vài lượng trở lại. Chỉ vào bảng điện niêm yết giá vàng, chủ một tiệm vàng trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1, nói: từ sáng đến giờ giá vàng điều chỉnh không biết bao nhiêu lần, mở cửa chỉ 44,7 triệu đồng/lượng, sau gần ba tiếng bây giờ giá vàng đã lên 46 triệu đồng/lượng. “Giá vàng lên từng phút nên từ sáng đến giờ chẳng mua bán được gì” - chị này nói.

Nhiều tiệm vàng tại TP.HCM cho biết giá vàng liên tục lập kỷ lục nhưng giao dịch lại rất thấp. “Suốt mấy ngày qua chủ yếu là các cuộc điện thoại chỉ để hỏi giá chứ chẳng ai dám mua. Tôi nghe nói ở Hà Nội người ta xếp hàng mua vàng, nhưng ở đây chưa thấy hiện tượng đó bao giờ” - chủ một tiệm vàng trên đường Nguyễn An Ninh (quận 1) cho biết.

Bà Nguyễn Thị Cúc, phó tổng giám đốc Công ty vàng PNJ, cho biết hơn một nửa giao dịch thuộc về thị trường Hà Nội, phần còn lại bao gồm TP.HCM và các tỉnh còn lại. Do nguồn cung vàng hạn hẹp nên công ty chỉ dành để bán lẻ chứ không bán sỉ.

Tương tự tại Công ty vàng SBJ, bà Nguyễn Ngọc Quế Chi, tổng giám đốc SBJ, cho biết trong buổi sáng 9-8 đã bán ra hơn 1.000 lượng, chủ yếu tại thị trường Hà Nội.

uxFbYK9o.jpgPhóng to
TP.HCM: rất ít khách đến mua bán vàng (ảnh chụp tại một cửa hàng vàng ở quận 1) - Ảnh: M.ĐỨC

Tâm lý đám đông

Lý giải diễn biến trái chiều tại Hà Nội và TP.HCM, tổng giám đốc một công ty vàng cho biết là do thói quen của người dân. Tại Hà Nội luôn có lực lượng đầu cơ dựa trên chênh lệch giá vàng, hằng ngày những người này theo dõi sát sao diễn biến giá vàng, trường hợp phát hiện biến động là lập tức mua hoặc bán. Từng cất công tìm hiểu, vị tổng giám đốc này cho biết trong những thời điểm nóng sốt, lực lượng này thậm chí còn cắm chốt trước các cửa hàng vàng để chờ thời cơ.

Do vậy chỉ cần một động thái nhỏ, lực lượng này chen nhau mua hoặc bán tạo nên khung cảnh hỗn loạn. “Thực tế số lượng mua bán của họ không phải là nhiều nhưng việc đội mưa chen nhau mua bán thực tế tác động rất lớn đến tâm lý người dân. Đặc biệt những người có tiền nhàn rỗi” - vị tổng giám đốc này cho hay. Những ngày qua không ít người đã rút tiền đồng tại ngân hàng để mua vàng do lo ngại “hết vàng”, đặc biệt khi một doanh nghiệp vàng tại Hà Nội phải tạm đóng cửa hàng giờ trong ngày 8-8 với lý do cân đối lại nguồn hàng.

Tuy nhiên, vị tổng giám đốc này cho rằng việc chen nhau mua vàng chỉ là hiện tượng đám đông chứ thực chất lực mua từ người dân không lớn. Trong khi đó nhiều người dân thường không đủ bình tĩnh để phân tích thấu đáo mà thường theo tâm lý đám đông đã lao vào mua dù biết rằng chỉ cần bước ra khỏi cửa là đã lỗ 1 triệu đồng/lượng do chênh lệch giá mua - bán vàng quá lớn.

Ông Trần Thanh Hải, tổng giám đốc Công ty Đầu tư và kinh doanh vàng VN, cho biết người dân bị sốc khi giá vàng cứ mỗi ngày lại lập một đỉnh mới. Đặc biệt giá vàng giữ ở mức trên 40 triệu đồng/lượng nhiều ngày qua dễ tạo cho người dân cảm giác giá vàng đã ổn định. Nhiều người đã huy động tiền từ các kênh đầu tư khác để mua vàng.

Cũng theo giới chuyên gia, việc giá vàng bị đẩy lên ngoài nguyên nhân nguồn cung khan còn do giới kinh doanh làm giá. Không ngoại trừ việc nhiều thương hiệu vàng cũng tranh thủ cơ hội này để làm thương hiệu bằng nhiều chiêu thức khác nhau. Qua đó cũng kích thích sức mua từ những người có tiền nhàn rỗi. Trong khi đó các doanh nghiệp này chỉ đứng giữa hưởng chênh lệch hàng triệu đồng mỗi lượng.

Ghi nhận tại các tiệm vàng ở Đà Nẵng trong ngày 9-8 khá sôi động. Trong khi các cửa hàng vàng có thương hiệu vẫn tấp nập mua bán thì các cửa hàng vàng tư nhân dường như đứng giao dịch. Tại các cửa hàng Soạn Hà, Tâm Thịnh Lợi (chợ Hàn) hay như hiệu Hoa Kim Nguyên, Phúc Huy (chợ Cồn), rất ít người đến mua bán vàng miếng, chỉ mua bán vàng nữ trang nhưng số lượng ít.

Theo một chủ cửa hàng tư nhân, giá vàng biến động mạnh và tăng đột biến nên các cửa hàng có tâm lý chờ giá ổn định, không mạo hiểm mua vào bán ra. Theo ông Nguyễn Văn Lý - giám đốc Công ty CP vàng bạc đá quý SJC Đà Nẵng, tính từ đầu ngày đến 15g30, với giá thay đổi gần 15 lần, lượng vàng bán ra gấp hơn 4 lần lượng mua vào. Số lượng bán ra đến 900 lượng và chỉ mua vào được 200 lượng. Ông Lý cho biết đây là số lượng vàng giao dịch lớn nhất những ngày gần đây của SJC.

Sáng 9-8, giá vàng trong nước tiếp tục tăng mạnh, cao nhất lên đến 46,2 triệu đồng/lượng. Đến chiều giá vàng rớt xuống 45,6 triệu đồng/lượng, giá vàng thế giới ở mức 1.766 USD/ounce. Quy đổi theo tỉ giá ngân hàng, giá vàng trong nước vẫn còn cao hơn giá vàng thế giới 1,3 triệu đồng/lượng. Giá USD bán ra tại thị trường tự do đến cuối ngày đạt 21.300 đồng/USD.

Giá vàng giảm mạnh sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố cho phép nhập khẩu 5 tấn vàng để sản xuất vàng miếng, bổ sung nguồn cung vàng trong nước. Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh việc nhập vàng là để bình ổn thị trường vàng, ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, làm giá, bảo vệ lợi ích của người dân. Đồng thời Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết trong những ngày tới Ngân hàng Nhà nước dự kiến tiếp tục cấp giấy phép nhập khẩu thêm 5 tấn vàng để cung cấp cho thị trường trong nước, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Trước diễn biến rất phức tạp, khó lường của giá vàng thế giới, Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân thận trọng khi quyết định mua vàng để tránh thiệt hại không đáng có.

Theo đại diện Công ty SJC, trong vòng tối đa 48 giờ vàng sẽ về VN. Tuy nhiên không cần đợi vàng nhập khẩu về đến VN, chiều 9-8 các đơn vị kinh doanh đã vét vàng trong kho bán ra thị trường, tuy nhiên lực mua đã giảm hẳn.

Cũng có lo ngại xảy ra tình trạng nghẽn cổ chai nơi SJC có thể ảnh hưởng đến nguồn cung vàng trên thị trường. Lý do vàng nhập là vàng nguyên liệu, trong khi thị trường tiêu thụ vàng miếng SJC. Tất cả doanh nghiệp vàng, kể cả doanh nghiệp có thương hiệu vàng đang lưu hành trên thị trường, cũng phải đưa vàng nguyên liệu SJC dập ra vàng miếng SJC. Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Công ty SJC cho biết công suất dập vàng tối đa của SJC là 20.000 lượng/ngày, tương đương 800kg.

Theo các công ty vàng, thị trường không lo thiếu vàng vì hiện giá vàng trong nước đang cao nên các doanh nghiệp tranh thủ tung hàng ra bán. Các công ty vàng và ngân hàng cho biết đã chuẩn bị ngoại tệ để nhập vàng.

* Ông Trương Văn Phước (tổng giám đốc Ngân hàng Xuất nhập khẩu VN - Eximbank):

Nên theo nguyên tắc thị trường

Việc giá vàng trong nước tăng nhanh trong những ngày qua, có thời điểm cao hơn 1-2 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới, là phản ứng của người dân, nhà đầu tư vàng. Ngoài ra còn do chính sách của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua chưa tạo được sự liên thông giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Cũng phải thừa nhận người dân VN khá nhạy cảm với diễn biến giá vàng. Đây không phải câu chuyện mới mà đã liên tục lặp lại thời gian qua.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước cấp hạn ngạch nhập khẩu, giá vàng trong nước đã giảm, tạo ra sự tương thích tương đối giữa giá vàng trong nước - quốc tế. Theo tôi, Ngân hàng Nhà nước cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng là đúng lúc vì Ngân hàng Nhà nước còn phải thu thập thông tin, đồng thời xem xét diễn biến thị trường. Tuy nhiên, lâu dài trong một nền kinh tế hội nhập nên ứng xử theo các nguyên tắc của thị trường.A.H.

* Ông Đinh Nho Bảng (phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN):

Cần điều hành đồng bộ, thông thoáng

Giá vàng VN liên tục biến động và có những lúc tăng mạnh như hiện nay là do tác động của giá vàng thế giới và một phần tác động do tâm lý đám đông. Việc Ngân hàng Nhà nước cho nhập khẩu vàng là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, giá vàng biến động mạnh đã diễn ra nhiều lần rồi chứ không phải lần đầu, ta biết được sẽ có lúc nó biến động nhưng không phòng trước mà đến khi nó diễn ra mới chữa cháy (tức là cho nhập khẩu vàng). Vì vậy để tránh tình trạng giá biến động quá mạnh ảnh hưởng đến tâm lý người dân, thị trường vàng trong nước, các cơ quan nhà nước nên bàn cách xem xuất nhập khẩu vàng như thế nào cho hợp lý. Cần có sự điều hành đồng bộ, thông thoáng hơn trên thị trường vàng để người dân không mất niềm tin vào đồng tiền VN, cũng như ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ và giá vàng trong nước không cách quá xa giá thế giới.

ÁNH HỒNG - PHẠM PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp