Giá vàng đang chịu hàng loạt sức ép do các yếu tố hỗ trợ không còn - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Dù giá vàng thế giới đã phục hồi nhưng nếu so với mức đỉnh hồi đầu tháng 3 là 2.052,6 USD/ounce, giá vàng thế giới đã bốc hơi 130 USD/ounce, tương đương 3,6 triệu đồng/lượng.
Lúc này giá vàng thế giới đang chịu hàng loạt sức ép do giữa Nga và Ukraine đang có nhiều dấu hiệu khả quan, dẫn đến nhu cầu phòng ngừa rủi ro giảm. Thêm vào đó Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) được cho là sẽ hành động quyết liệt hơn nhằm hạn chế đà leo thang của giá cả.
Mới đây Ngân hàng Goldman Sachs đưa ra dự báo cho rằng FED sẽ tăng lãi suất 0,5% mỗi lần trong hai cuộc họp chính sách tiền tệ tới đây. Một số ngân hàng lớn khác cũng đồng tình với quan điểm này.
Theo các chuyên gia, những diễn biến gần đây cho thấy FED đang chuyển từ hỗ trợ nền kinh tế sang thắt chặt và điều này sẽ gây sức ép lên giá vàng trong thời gian tới.
Với mức giá hiện nay, quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương 53,36 triệu đồng/lượng.
Công ty SJC hôm nay 30-3 niêm yết giá bán vàng miếng ở mức 68,7 triệu đồng/lượng, giá mua vào ở mức 68 triệu đồng/lượng.
So với hai ngày trước, giá bán vàng miếng SJC đã bốc hơi đến 750.000 đồng/lượng. Ở chiều mua vào, giá vàng miếng SJC cũng giảm đến 700.000 đồng/lượng.
Công ty PNJ cũng niêm yết giá bán vàng miếng SJC ngang ngửa với mức giá tại Công ty SJC. Trong khi đó các tiệm vàng lớn, giá bán vàng miếng cũng ở mức 68,7 triệu đồng/lượng, còn giá mua vào cao hơn 100.000 đồng/lượng.
Như vậy, có thể thấy hiện chênh lệch giữa giá mua - bán vàng miếng SJC đang giữ ở mức 600.000 - 700.000 đồng/lượng, bằng 1/3 so với thời điểm sốt giá.
Trong khi đó các tiệm vàng lớn, khoảng cách giữa giá mua - bán vàng miếng còn 600.000 đồng/lượng, mua vào ở mức 68,1 triệu đồng/lượng, bán ra 68,7 triệu đồng/lượng.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC đang cao hơn 15,34 triệu đồng/lượng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận