Con tàu rệu rã ở cảng chẳng ai đoái hoài. Cơ quan chức năng phải kéo đi cho tàu khác ra vào - Ảnh: TRẦN MAI
Sa Huỳnh từng là thủ phủ của nghề giã cào với những phiên biển bạc tỉ, làng mạc trù phú. Cảnh sung túc ấy lùi vào dĩ vãng, bây giờ làng chài đối diện với nợ nần, những con tàu bạc tỉ, neo lại vì thua lỗ, biển đã chẳng còn gì để cào...
Chú đừng đăng tên tuổi tui nghen, kẻo người ta nghĩ tui bể nợ đến đòi tiền lại mệt thêm.
Một chủ tàu giã cào cần bán trả nợ
Bán tàu, chuyển nghề
Tôi gọi vào một số điện thoại trên tấm biển "bán tàu liên hệ số...". Bên kia đầu dây, giọng một phụ nữ đượm buồn: "Anh mua hả? Tàu em mới đóng hơn hai năm thôi". "Công suất bao nhiêu, giá thế nào chị?" - tôi hỏi.
Người phụ nữ suy nghĩ rất nhanh và đưa ra giá khiến tôi choáng... vì rẻ: "Tàu nhà em 330 mã lực mới đóng, giá 150 triệu đồng, vì có việc nhà nên mới bán".
Tôi xin địa chỉ tìm đến nhà chị, lúc này mới thú thật là phóng viên. Chị cũng thú thật: "Chồng em làm nghề giã, đi sáu phiên cào không được gì lâm nợ tổn phí, rồi thêm nợ ngân hàng lúc đóng tàu, không đủ sức làm tiếp nên bán. Chồng em giờ đi phụ hồ kiếm ít đồng trả lãi rồi".
Người phụ nữ làng biển nhớ lại cái ngày bỏ ra hơn 3 tỉ đồng đóng đôi tàu giã cào, thay cho đôi tàu cũ, và nhìn vào những con tàu giã cào khác mà đầy hi vọng. Vài phiên đầu trúng lớn, chị nhẩm tính rồi nói chồng: "Cứ đà này qua năm trả hết nợ ngân hàng là khỏe".
Nào ngờ, những phiên biển sau đó, tàu trở về trống rỗng. Gượng mấy phiên, vay nóng tiền đổ tổn phí hi vọng... gỡ rồi dính cứng luôn.
"Tôi đăng bán tàu từ tết, hai tháng trước bán được 1 chiếc giá 180 triệu đồng, giờ bán chiếc này 150 triệu đồng để trả bớt nợ ngân hàng" - chị buồn buồn.
Ở Sa Huỳnh, việc bán tàu như vậy không hiếm, chị kể một loạt chủ tàu khác cũng đang cần bán, và dặn dò: "À, chú đừng đăng tên tuổi tui nghen, kẻo người ta nghĩ tui bể nợ đến đòi tiền lại mệt thêm".
Quá trưa, tôi ghé căn chòi bên dòng sông Cầu Lỗ (xã Phổ Châu, thị xã Đức Phổ), anh Nguyễn Văn Khoa, thuyền trưởng kiêm chủ tàu cá QNg 98126, vội rải thức ăn cho đàn gà rồi ra cảng Sa Huỳnh tưới nước cho đôi tàu giã cào công suất 720CV nằm bờ từ tết khỏi bị hở bộng, rã keo vì nắng. Anh chẳng ấn định ngày ra khơi trở lại bởi "càng đi càng lỗ, ở nhà nuôi gà vẫn hơn".
Một thời anh Khoa chỉ huy đôi tàu ngang dọc khắp biển Việt Nam, từ ngư trường vịnh Bắc Bộ đến biển miền Trung, miền Nam. Nói vậy để thấy kinh nghiệm biển khơi thuyền trưởng Khoa không thiếu.
Khoản nợ 700 triệu đồng của ngân hàng, anh Khoa chưa biết khi nào sẽ trả xong. Chỉ tính riêng 7 triệu đồng tiền lãi mỗi tháng cũng nặng nề với gia đình anh lúc này. Chàng thuyền trưởng lực lưỡng, nổi tiếng làng chài ngày nào giờ gầy nhom, khoản nợ khiến anh mất ngủ triền miên.
Đôi tàu bạc tỉ giờ rao bán 500 triệu mãi vẫn chẳng có người mua, anh Khoa hết cách trả bớt nợ ngân hàng. "Mỗi ngày tôi phải ra cảng chạy nước, tránh tàu bị hỏng. Nhưng neo cảng lâu ngày, máy móc, sắt thép trên tàu hoen gỉ hết rồi" - anh thở dài.
Bây giờ, anh Khoa cố gắng gầy dựng đàn gà, mỗi ngày cùng bạn tàu làm gà giao khách kiếm sống. Và đó cũng là chỗ dựa duy nhất để anh trả lãi.
Đưa đôi tay chai sần lau khuôn mặt lấm tấm mồ hôi, anh bảo nhớ biển ghê gớm. "Đi biển là nghề truyền thống gia đình, chắc đến đời tôi là bỏ nghề" - anh Khoa buồn rầu.
Thật ra ở thủ phủ nghề giã cào này như anh Khoa đã là may mắn, bởi chỉ vướng nợ ngân hàng. Nhiều chủ tàu khác vướng nợ tín dụng đen phải bỏ quê vào Nam mưu sinh và trốn nợ.
Nhìn cảng Sa Huỳnh với những chiếc tàu bỏ lâu ngày hoang hóa, những thớ gỗ nứt toác vì nắng, dây neo rệu rã, vết gỉ sắt chảy dài thành tàu cũng đủ hiểu chủ nhân đã phải bỏ tàu lâu lắm rồi!
Từ ngang dọc biển khơi, giờ anh Khoa nuôi gà kiếm sống - Ảnh: T.M.
Giã biệt nghề giã cào
Hôm chúng tôi đến Sa Huỳnh, trùng thời điểm cán bộ ngành thủy sản tỉnh Quảng Ngãi đến kiểm tra hiện trường, tìm biện pháp lôi những chiếc tàu neo quá lâu án ngữ lối đi ra khỏi cảng, tạo không gian thông thoáng cho tàu cá khác ra vào. Cán bộ thủy sản hỏi chủ tàu đâu, vang lên là giọng khô khốc của một ông lão ngồi bên cảng: "Đi trốn nợ rồi"!
Câu nói của ông lão chặn đứng mọi câu hỏi của cơ quan chức năng. Ông Lê Trung Thành - phó chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường Phổ Thạnh - bảo rằng khoảng 40 chiếc tàu neo ở cảng chỉ là số ít, nhiều con tàu giã cào của ngư dân địa phương không về cảng Sa Huỳnh mà neo ở các cảng cá khác, ngư dân trở về quê còn chủ tàu đổi số điện thoại trốn biệt, sợ bị đòi nợ vay nóng.
Lãnh đạo một ngân hàng tại Quảng Ngãi cũng thở dài trước số nợ hàng trăm tỉ đồng của ngư dân hành nghề giã cào. Đây là nợ khó đòi, ngân hàng cũng rất mệt mỏi và xem đòi nợ ngư dân là "thách thức nặng nề".
Có một thời nghề giã cào "hot" đến mức ngư dân không ngần ngại cầm cố nhà, vay nóng để đóng tàu hành nghề.
Lật cuốn sổ ghi chép, ông Võ Thu - chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường Phổ Thạnh - cho hay toàn xã có 1.200 tàu cá, trong đó có 800 tàu hành nghề giã cào đôi. Sức hút của nghề tận diệt ngày nào giờ phải trả giá, khoảng 200 tàu nằm bờ ở khắp các cảng cá.
"Tình hình này Nhà nước không có chính sách để các ngân hàng khoanh nợ, giảm lãi suất thì ngư dân chỉ có nước... ra đường ở" - ông Thu nói.
Tuy nhiên, giã biệt nghề giã cào là câu chuyện tất yếu và buộc phải làm, với những người quản lý ngành thủy sản kết cục này không có gì lạ.
Khoảng 6 năm trước, Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi đã cảnh báo những hệ lụy của nghề giã cào gây ra, nhưng ngư dân không nghe. Họ ồ ạt đóng tàu, rồi hàng trăm đôi tàu mỗi ngày tận diệt cá tôm, tàn phá biển khơi. Bong bóng lợi nhuận khủng của nghề xẹp xuống nhanh chóng khi biển cạn kiệt.
Ông Phùng Đình Toàn - phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi - nói: "Chúng tôi đã làm mọi cách để ngư dân ngừng tận diệt thủy sản bằng nghề giã cào. Họ bỏ ngoài tai, cầm cố nhà cửa, vay nóng đóng tàu giã cào, hậu quả hiện giờ không có gì bất ngờ"...
Ngư dân cần lắng nghe những khuyến cáo đúng
Tấm biển “bán ghe” phai nhòe do treo đã rất lâu - Ảnh: TR.M.
Nhận xét về mong mỏi Nhà nước có chính sách khoanh nợ, giảm lãi suất, ông Toàn bảo quá khó bởi đây là chuyện giữa chủ tàu và ngân hàng, Nhà nước không thể lấy tiền ngân sách để gánh lỗ cho chủ tàu giã cào.
"Hiện Bộ NN&PTNT đang trình Chính phủ chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho các tàu hành nghề giã cào, có chính sách mua lại các tàu giã cào của ngư dân làm ăn thua lỗ. Nếu chính sách này được thông qua, tôi hi vọng ngư dân có trách nhiệm hơn với nghề nghiệp của mình và lắng nghe những khuyến cáo đúng của cơ quan chức năng" - ông Toàn nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận