06/01/2008 06:00 GMT+7

Gia trưởng - thuộc tính của đàn ông?

Tiến sĩ ĐINH PHƯƠNG DUY
Tiến sĩ ĐINH PHƯƠNG DUY

TT - Bất cứ gia đình nào cũng cần gia trưởng để duy trì nề nếp, gia phong? Cái nhìn thú vị về gia trưởng từ lăng kính của một người đàn ông...

IJVKmgAm.jpgPhóng to
TT - Bất cứ gia đình nào cũng cần gia trưởng để duy trì nề nếp, gia phong? Cái nhìn thú vị về gia trưởng từ lăng kính của một người đàn ông...

Ngày nay nhiều người cho rằng đàn ông hơi bị... nữ tính hóa từ việc biểu lộ cảm xúc đến cách thức thể hiện hành vi! Tuy nhiên không ít người quan tâm đến một khía cạnh "độc quyền" xưa nay của nam giới, đó là tính gia trưởng trong nhận thức và ứng xử.

Gia trưởng... gia truyền!

Gia trưởng được hiểu đơn giản là chủ nhà, là thủ trưởng gia đình, là nhà quản trị dòng họ, vậy có gì phải săm soi, có gì để "lớn tiếng" với những người gia trưởng chứ? Nhưng mọi việc có thể sẽ đơn giản hơn khi chức vụ gia trưởng được "bầu bán" một cách công khai hoặc được ai đó "bổ nhiệm". Đằng này gia trưởng thường được một cá nhân tự ứng cử và trúng cử đương nhiên mà không có bất kỳ đối thủ tranh cử nào!

Phải chăng vì trong hầu hết các hộ gia đình, chức chủ hộ đều được mặc định chỉ dành riêng cho đàn ông, người phụ nữ ít có cơ hội đảm nhận vai trò này nếu vẫn còn đó... dấu vết của người đàn ông, dù họ có phải là đàn ông "thứ thiệt" hay không! Điều này có thể tạo tâm lý "ta là một, là riêng, là thứ nhất", và đôi khi ngộ nhận về vai trò của mình nên người đàn ông sẽ gia trưởng một cách hết sức tự nhiên mà không cần biết người xung quanh có chấp nhận hay không.

Có người lại cho rằng vì con trai từ nhỏ đã được giáo dục phải mạnh mẽ, phải cứng rắn cho ra dáng đàn ông nên điều đó đã hun đúc tính gia trưởng của họ rồi. Tính gia trưởng đã được bật đèn xanh ngay từ trong gia đình chứ đâu có xa xôi gì? Có người cho rằng vì ở các nước phương Đông, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn nặng nên gia trưởng vẫn như là một... đặc điểm trang sức của cánh đàn ông. Ngay chính người phụ nữ cũng xem trọng con trai hơn con gái. Do đó tính gia trưởng của đàn ông vừa có tính gia truyền, vừa có tính lịch sử của cả một hệ ý thức tồn tại biết bao đời nay!

Gia trưởng "biết điều" trong xu thế mới?

Trong thực tế, phải chăng chỉ có người đàn ông mới tỏ ra gia trưởng? Những quan hệ gọi là gia trưởng không chỉ xuất hiện trong gia đình mà còn trong cả sinh hoạt cơ quan... Một số nhà quản lý khi điều hành công việc đã thể hiện sự quyết đoán của mình đến mức thiên hạ gọi đó là tính gia trưởng.

Mặt khác, ở nhiều gia đình, không ít người đẹp lại hết sức quyền uy như một chủ nhân tuyệt đối của gia đình hay của đơn vị công tác. Mặc dù có vẻ gia trưởng nhưng những phụ nữ ấy vẫn hết sức duyên dáng và quyến rũ như thường, tính gia trưởng chẳng hề làm suy giảm nét phụ nữ đặc trưng của họ! Phải chăng ngày nay tính gia trưởng không còn là đặc tính riêng của nam giới? Phải chăng ngày nay nhiều phụ nữ đã trở nên gia trưởng, hay có thể cho rằng tính gia trưởng đã bắt đầu chuyển đổi vị trí từ người đàn ông sang người phụ nữ?

Dù ở nam hay nữ, tính gia trưởng là tích cực hay tiêu cực trong quá trình giao tiếp, thiết lập quan hệ hiệu quả với người xung quanh? Trong gia đình có cần chút gia trưởng để "làm chủ tình hình" hay... giành thế áp đảo không? Khi cha hoặc mẹ có tính gia trưởng thì con cái sẽ gìn giữ được gia phong hoặc những nét truyền thống tốt đẹp đã có của gia đình? Nếu không gia trưởng thì gia đình có nhiều nguy cơ đánh mất sự gắn bó, tôn ti và giềng mối họ hàng?

Đã có nhiều người chấp nhận tính gia trưởng. Họ cho rằng thà có người chủ xướng mạnh mẽ dứt khoát, còn hơn là cứ mãi băn khoăn chẳng biết xác định hướng đi và đi như thế nào để không bị lạc đường trong một bàn cờ chằng chịt lối. Trong trường hợp này, gia trưởng không có vẻ độc đoán mà chỉ là sự thể hiện một cá tính mạnh mẽ, một phong cách đặc trưng của người sẵn sàng chấp nhận vai trò trụ cột.

Tuy nhiên gia trưởng kiểu này lại cần phải có sự uyển chuyển hơn, mềm mỏng hơn để "cấp dưới" chấp nhận và an tâm hơn về tính gia trưởng "biết điều" trong xu thế mới!

Ở góc độ khác, một số người tỏ ra gia trưởng chỉ để chứng minh giá trị của mình hoặc để phản ứng thực tế nào đó. Một vài người đàn ông cố tình thể hiện tính gia trưởng khi cảm thấy mình bị...cạnh tranh giá trị trong gia đình. Có thể đó chỉ là những phản ứng vô thức nhưng dẫu sao vẫn phản ánh sự bất phục của họ khi ai đó có vẻ... xem thường mình.

Nhiều người tự hỏi tại sao các quí ông lại cứ phải "phát xít" thế?

Mọi người đàn ông khi chứng minh được năng lực, giá trị của mình sẽ đương nhiên được gia đình thừa nhận và có thể trở thành người "người dẫn đường" đáng kính, mà không cần phải cố chứng tỏ mình là người gia trưởng như thế nào!

Tiến sĩ ĐINH PHƯƠNG DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp