Từ trái qua: nghệ sĩ Tú Sương vai Ngô quận chúa, dì của cô - nghệ sĩ Xuân Yến (vai Ngô thái quốc) và em rể cô - Điền Trung vai Lưu Bị trong vở Lưu Bị cầu hôn Giang Tả - Ảnh: LINH ĐOAN
Khôi phục đoàn hát tên tuổi lẫy lừng hơn 30 năm trước là mong ước của con cháu gia tộc có cả 100 năm theo nghiệp hát này.
Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với nghệ sĩ Công Minh (người con thứ 9 của cố nghệ sĩ Minh Tơ), người khởi xướng gầy dựng lại hoạt động Đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ.
Dù làm gì máu nghề vẫn không nguôi
* Động lực nào thúc đẩy ông khởi xướng việc khôi phục bảng hiệu Đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ của gia tộc có cả 100 năm theo hát, từ hát bội đến cải lương tuồng cổ Vĩnh Xuân - bầu Thắng - Minh Tơ - Thanh Tòng?
- Gia tộc chúng tôi nghe lời ca tiếng hát từ khi còn trong bụng mẹ nên ở giai đoạn nào, dù làm gì máu nghề vẫn không nguôi. Trong thời buổi sàn diễn khó khăn nhưng vẫn có những gia đình mấy đời theo nghề hát âm thầm gầy dựng lại đoàn nhà, như bên hát bội có đoàn của nghệ sĩ Ngọc Khanh.
Nghĩ vậy nên vợ chồng tôi lên kế hoạch và mời các bậc trưởng bối, con cháu trong gia đình cùng ngồi lại bàn bạc. Có bà thím Khánh Hồng (vợ cố nghệ sĩ Khánh Hồng, em trai cố nghệ sĩ Minh Tơ), chị tư Xuân Yến, vợ chồng anh Trường Sơn - chị Thanh Loan, các anh chị và các cháu...
Mọi người đều rất vui và ủng hộ quyết định này. Thím Khánh Hồng nói: "Bảng hiệu của gia tộc có cả trăm năm theo nghiệp hát mà xóa bỏ thì buồn quá!".
* Cảm giác cả gia đình cùng lo cho đoàn hát, cùng nhau tập tuồng có khác so với 30 năm trước, thưa ông?
- Bữa nào tập tuồng tôi cũng xúc động ứa nước mắt. Tôi nhớ mấy chục năm trước khi tôi 14, 15 tuổi rất ham chơi. Chỉ thích ngó nghiêng đánh trống, rồi... cột cánh gà, toàn làm vai quân sĩ hoặc tướng. Biểu làm vai đàng hoàng là tôi trốn.
Nhớ lần đó đoàn hát vở Mã Siêu báo phụ cừu ở rạp Hào Huê, có một trục trặc nên tôi được kêu đóng thế vai Tào Tháo. Bữa đầu tập, vuốt cái tay mà tôi vuốt không xong bị anh năm Thanh Tòng la: "Con nhà nòi mà không hát được thì về móc bọc đi!".
Anh năm tôi giỏi nghề, thương anh em nhưng rất nóng tánh. Tập tuồng làm không xong là bị anh la dữ lắm, không chỉ tôi mà chị Xuân Yến, Thanh Loan cũng bị la tuốt. Nhờ anh khó vậy, năm 17 tuổi tôi đã được khen ngợi với vai Tào Tháo.
Gia đình tôi được cái nếp em út rất nghe lời anh chị, bị la không dám cãi ngay lúc đó, chờ từ từ sau đó mới giãi bày lại. Tôi nhớ sau này ba yếu và mất đi, cứ mỗi lần dựng tuồng mới thì anh năm, tôi, anh tám Minh Tâm (phụ trách nhạc), út Thanh Sơn ngồi lại bàn bạc. Anh năm tính toán rồi phân công vai trò của mỗi người, rõ ràng, khoa học và rất kỷ luật.
Nghệ sĩ Công Minh vai Châu Du trong vở Lưu Bị cầu hôn Giang Tả - Ảnh: LINH ĐOAN
Dàn dựng lại những vở cải lương tuồng cổ nổi tiếng
* Đêm diễn 1-5 chật kín khán giả, đêm diễn kế tiếp (dự kiến ngày 14-5 nhưng đã tạm hoãn do ảnh hưởng dịch bệnh) vé bán cũng rất tốt. Tuy nhiên khán phòng sân khấu Sen Việt sức chứa 100 chỗ hơi nhỏ và tương đối hạn chế một số trình thức của cải lương tuồng cổ?
- Anh Nguyên Đạt, chủ nhiệm Sen Việt, tạo mọi điều kiện cho chúng tôi hoạt động tại đây. Dù bán hết vé thì chi phí cho một đêm diễn cũng khó đủ. Đêm đầu tiên cả nhà tôi (vợ chồng và các con) không lãnh lương (cười). Còn các thành viên khác chỉ xem như là nhận lộc.
Chị Xuân Yến ở cùng nhà vợ chồng Kim Tử Long - Trinh Trinh tuốt Bình Chánh, mỗi lần đi tập là mất hết 500.000 đồng tiền đi xe thì cátsê đâu có đủ bù. Nhưng không ai nghĩ đến tiền, chỉ cố gắng góp sức giữ gìn, tiếp tục duy trì bộ môn nghệ thuật của gia tộc, cống hiến đến khán giả.
Anh em chúng tôi thường hay nói vui là mình già rồi có ai kêu hát nữa đâu nên diễn ở đây cũng như là cơ hội để được hát, được truyền nghề cho con cháu.
Chúng tôi thích Sen Việt vì cảm giác ấm cúng, sân khấu nhỏ phù hợp với sức khỏe của chúng tôi, không phải di chuyển quá rộng đuối sức. Nếu có duyên thì xem như Sen Việt là hậu cứ của Đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ.
* Ông đã tính đường dài hoạt động của đoàn hát?
- Chúng tôi sẽ từng bước dàn dựng lại những vở cải lương tuồng cổ nổi tiếng mà ba tôi và anh năm Thanh Tòng đã viết như: Bão táp nguyên phong, Tô Hiến Thành xử án, Thanh gươm nữ tướng...
Chúng tôi còn mong muốn xây dựng thêm buổi diễn cải lương tuồng cổ sáng cuối tuần tại Sen Việt dành cho thiếu nhi. Tôi đã xin phép Bạch Lựu (chị gái NSƯT Thành Lộc) để có thể làm lại các vở Phù Đổng thiên vương, Cậu bé ngoan cường, Kim Đồng... Bạch Long cũng sẽ thu xếp để về làm chung với anh em cho vui.
Ngoài ra, Điền Trung cũng mong muốn đem vở ra Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang để diễn cho thỏa sức. Phần tôi chỉ làm ở Sen Việt, còn ra nhà hát lớn thì các cháu sẽ tính toán thêm.
Hiện tại tôi đang tự túc kinh phí để lo cho đoàn hát, nhưng khá lo lắng về đường dài. Hi vọng sẽ có thêm sự hỗ trợ của những nhà hảo tâm yêu mến cải lương tuồng cổ tiếp sức để chúng tôi yên tâm đầu tư thực hiện những vở diễn chất lượng phục vụ khán giả.
Gia tộc 100 năm theo nghiệp hát
Khởi thủy của gia tộc 100 năm theo nghiệp hát là sự nghiệp của ông bầu Vĩnh và cô đào hát tên Xuân. Họ sinh ra người con tài năng là Nguyễn Văn Thắng (tức bầu Thắng).
Khoảng những năm đầu 1920, ông Thắng và vợ lèo lái gánh hát bội Vĩnh Xuân ban Bầu Thắng trụ tại đình Cầu Quan (Q.1). Ông bầu Thắng có những người con nối tiếp nghiệp hát như: Minh Tơ, Khánh Hồng, Huỳnh Mai, Bạch Cúc, Đức Phú...
Năm 1939, ông qua đời. Bà Nguyễn Thị Ngọc, vợ ông, đổi tên gánh thành đoàn Bầu Thắng - Khánh Hồng. Sau đó, hoạt động hát bội có phần suy yếu nên vợ chồng ông Minh Tơ - bà Bảy Sự, các em Khánh Hồng, Đức Phú... sang Đoàn cải lương Phụng Hảo của NSND Phùng Há để học thêm cải lương. Từ đây gia đình họ sáng tạo thêm cách hát bội pha cải lương.
Từ thế hệ thứ tư của gia tộc này rất đông con cháu theo nghề, có những người rất giỏi ở nhiều lĩnh vực. Ông Minh Tơ sinh ra các người con nghệ sĩ như Xuân Yến, Thanh Tòng, Thanh Loan, Minh Tâm, Công Minh, Xuân Thu, Thanh Sơn...
Phía gia đình bà Huỳnh Mai và NSND Thành Tôn cũng có những người con xuất sắc không kém, gồm: Bạch Liên, Bạch Lê, Bạch Lựu, Bạch Lý, Bạch Long, Thành Lộc... Nghệ sĩ Khánh Hồng có con là nghệ sĩ Chí Bảo chuyên vai kép độc. Gia đình nghệ sĩ Bạch Cúc - Hoàng Nuôi có con là đạo diễn nổi tiếng Phượng Hoàng.
Thế hệ thứ năm là một loạt nghệ sĩ trụ cột hiện nay của làng cải lương thành phố như Tú Sương, Trinh Trinh, Quế Trân, Lê Thanh Thảo, Xuân Trúc..., các cháu rể Kim Tử Long, Điền Trung. Thế hệ thứ sáu có những bé được xem là tài năng nhí như Kim Thư, Hồng Quyên, Tú Quyên, Thảo Trâm, Thảo Trúc, Andy...
Trong đó, vai trò của NSND Thanh Tòng được xem như vị thống soái cải lương tuồng cổ. Sau ngày thống nhất đất nước, Đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ tồn tại đến những năm đầu 1990 thì ngưng hoạt động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận