24/02/2025 10:53 GMT+7

Giá thịt tăng, tô phở, gói xôi, tiền gửi xe cũng tăng theo

Giá thịt heo, bún, miến... tăng, giá dịch vụ ăn uống cũng tăng 5.000-10.000 đồng. Tô phở, gói xôi, ổ bánh mì, ngay cả tiền gửi xe cũng lên giá.

Giá nhiều loại thực phẩm, dịch vụ ăn uống tăng - Ảnh 1.

Giá nhiều loại thực phẩm, trong đó có rau, tăng - Ảnh: TRÍ ĐỨC

Ghi nhận tại các chợ truyền thống như chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ Tân Định (quận 1) cuối tuần qua, giá thịt heo hiện dao động từ 120.000 - 200.000 đồng/kg tùy loại, tăng khoảng 20.000 - 30.000 đồng so với trước Tết.

Thịt ba chỉ rút sườn lên 170.000 đồng/kg, nạc dăm từ 120.000 đồng/kg lên 140.000 đồng/kg, ba chỉ loại thường trước 130.000 đồng/kg nay 150.000 đồng/kg…

Ông Lê Văn Hải, chủ sạp thịt tại chợ Bà Chiểu, cho biết giá heo tăng mạnh khiến sức mua giảm, ông phải điều chỉnh lượng nhập hàng mỗi ngày. "Trước Tết tôi lấy 180 kg/ngày, giờ chỉ dám nhập khoảng 120 kg, có ngày còn thấp hơn vẫn không bán hết", ông Hải nói.

Nguyên nhân khiến giá heo tăng, theo các tiểu thương, là do nguồn cung giảm sau Tết khi nhiều hộ chăn nuôi không tái đàn, dẫn đến giá nhập vào tăng cao.

Một số mặt hàng chế biến từ gạo, rau củ cũng nhích nhẹ từ sau Tết đến nay. Bà Phạm Thị Hằng, tiểu thương bán bún miến tại chợ Bà Chiểu, cho biết sau Tết bà buộc phải tăng giá các loại bún, bánh đa thêm 1.000 - 2.000 đồng/kg theo giá xưởng.

Dù mức tăng không đáng kể nhưng bà vẫn lo mất khách. "Lò bún tăng giá, mình cũng phải tăng theo, không tăng thì lỗ vốn mà tăng thì lo vì kinh tế khó, ế càng ế" - bà Hằng trăn trở.

Ngoài thịt heo, theo ghi nhận, giá dịch vụ ăn uống cũng được các tiểu thương điều chỉnh tăng nhẹ từ 5.000 - 10.000 đồng tùy loại.

Chị Nguyễn Thị Lan Anh cho biết từ sau Tết, quán hủ tiếu ruột gần nhà trên đường Lê Văn Sỹ trước Tết bán 35.000 đồng, nay tăng lên 40.000 đồng/tô. Quán phở cách đó 300m cũng điều chỉnh từ 30.000 đồng lên 35.000 đồng/tô.

Ngay cả quán cà phê quen thuộc trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) cũng tăng giá vé gửi xe từ 5.000 đồng lên 7.000 đồng. Tương tự, các món ăn sáng phổ biến với nhiều gia đình như xôi, bánh mì… cũng điều chỉnh tăng 3.000 - 5.000 đồng/phần từ đầu tháng 2.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, bà N.T.H., chủ quán hủ tiếu tại quận 3, bộc bạch rằng giá nguyên liệu đầu vào tăng liên tục, quán buộc phải điều chỉnh giá vì không thể "gồng" mãi. Tuy nhiên trong giai đoạn kinh tế khó khăn, nhà nhà thắt chặt chi tiêu, bà vẫn lo lắng sợ tăng giá sẽ khiến khách chê đắt mà bỏ quán.

Siêu thị khuyến mãi để giữ khách

Tại các siêu thị để duy trì sức mua, nhiều chương trình khuyến mãi với những ưu đãi hấp dẫn được tung ra, đem đến giải pháp mua sắm tiết kiệm cho bà nội trợ.

Như hệ thống Lottemart có chương trình khuyến mãi "Tinh hoa Hàn Quốc" tập trung giảm giá lên đến 42% các sản phẩm nông sản, thực phẩm nhập khẩu; hệ thống siêu thị GO!, Big C tiếp tục chương trình "Chợ sớm giảm sung" giúp người tiêu dùng mua sắm trước 10h sáng được giảm thêm 10% toàn bộ sản phẩm thịt, cá, hải sản tươi, rau, củ, trái cây…

Trong khi đó đại diện Saigon Co.op cho biết vẫn luân phiên giảm giá nhóm mặt hàng tươi sống như rau, củ, quả, trái cây mỗi ngày... với mức giảm 15 - 30%.

Giá nhiều loại thực phẩm, dịch vụ ăn uống tăng - Ảnh 2.Bộ Nông nghiệp trả lời kiến nghị lập hệ thống cảnh báo sớm về giá cả và tiêu thụ nông sản

Cử tri An Giang kiến nghị thiết lập các hệ thống cảnh báo sớm về giá cả và tiêu thụ nông sản, qua đó giải quyết tình trạng 'được mùa mất giá'.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp