07/04/2021 14:14 GMT+7

Gia tăng cuộc 'di tản' của các loài sinh vật biển vùng xích đạo

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Các vùng biển ở xích đạo ấm lên do biến đổi khí hậu đã buộc hàng nghìn loài sinh vật biển nơi đây 'di tản' hướng về các vùng biển ở hai cực của Trái Đất.

Gia tăng cuộc di tản của các loài sinh vật biển vùng xích đạo - Ảnh 1.

Các loài cá tại vùng biển ngoài khơi Mayotte, Pháp (Quần đảo Mayotte tọa lạc ở mạn đông eo biển Mozambique trong Ấn Độ Dương ngoài khơi bờ biển Đông Nam Phi). Ảnh minh họa: osof.org

Theo một nghiên cứu đăng trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (PNAS) số ra ngày 5/4, các vùng biển ở xích đạo ấm lên do biến đổi khí hậu đã buộc hàng nghìn loài sinh vật biển nơi đây 'di tản' hướng về các vùng biển ở hai cực của Trái Đất, đe dọa đến hệ sinh thái biển cũng như kế sinh nhai của người dân sinh sống ở các vùng biển xích đạo.

Các nhà khoa học đã so sánh dữ liệu của gần 50.000 loài sinh vật biển trong 3 giai đoạn cho đến năm 2015 với mỗi giai đoạn kéo dài 20 năm. Kết quả cho thấy tình trạng di tản của các loài sinh vật từ vùng biển nhiệt đới gia tăng.

Tác giả của nghiên cứu, giáo sư về sinh học biển của Đại học Auckland, Mark Costello, nêu rõ: 'Tình trạng ấm lên trên toàn cầu đang làm thay đổi cuộc sống (của sinh vật biển) trong vòng ít nhất 60 năm. Phát hiện của chúng tôi cho thấy các loài sinh vật biển ở vùng xích đạo giảm khoảng 1.500 loài. Tình trạng này sẽ tiếp tục trong suốt thế kỷ, tuy nhiên tốc độ sẽ phụ thuộc vào liệu chúng ta có giảm được lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính hay không, và có thể giảm được bao nhiêu'.

Nghiên cứu phát hiện rằng sinh vật biển ở vùng nhiệt đới giảm khi nhiệt độ biển trung bình hằng năm tăng trên 20-25 độ C, tùy vào từng loài. Cuộc di tản về phía các cực trở nên rõ ràng hơn ở phía Bắc xích đạo, nơi các đại dương đang trở nên ấm hơn so với đại dương ở phía Nam xích đạo.

Trong khi đó, đồng tác giả của nghiên cứu trên, giáo sư sinh thái học thuộc Đại học Nelson Mandela (Nam Phi) David Schoeman cho biết, các loài sinh vật biển di tản có thể là do môi trường sống của chúng bị ảnh hưởng từ sự ấm lên của các vùng biển cận nhiệt đới.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu dựa trên dữ liệu trong Hệ thống thông tin đa dạng sinh học Hải dương được truy cập miễn phí. Nghiên cứu không đi sâu vào cách thức mỗi loài sinh vật biển sẽ thích nghi như thế nào với môi trường mới cũng như tác động của hiện tượng "di tản" này đối với nguồn lợi hải sản ở vùng biển nhiệt đới.

Tuy nhiên, rõ ràng là đây là những vùng trên thế giới sẽ chịu thiệt hại nặng nhất. Theo Giáo sư Costell, Indonesia và các nước khác nằm gần xích đạo như ở Tây Phi là những nước chịu thiệt hại nhiều nhất do nguồn hải sản chỉ có thể giảm trong khi không có loài sinh vật biển mới nào đến thay thế.

Trên toàn thế giới, có khoảng 1,3 tỉ người sinh sống ở các vùng ven biển nhiệt đới, nhiều người trong đó sống bằng nghề đánh bắt hải sản.

Theo một bài báo mới đây đăng tải trên tạp chí Nature, ước tính tiềm năng đánh bắt tối đa các loài sinh vật biển vùng nhiệt đới tại những vùng đặc khu kinh tế, tức là nằm cách bờ biển 370 km, sẽ giảm 40% vào giữa thế kỷ này nếu không giảm sự ấm lên của Trái đất.

Trong khi đó, tại phần lớn các đảo quốc ở Thái Bình Dương, sản lượng đánh bắt cá nhảy và cá ngừ vây vàng, chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu, sẽ giảm tới 40% trong cùng kịch bản, trong khi sản lượng đánh bắt các loài cá sống ở rạn san hô phục vụ tiêu thụ trong nước thậm chí có thể giảm mạnh hơn nữa.



Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp