03/02/2025 09:19 GMT+7

'Gia tài' tiếng Việt trên đất New Caledonia

Ông Đinh Ngọc Riệm, lãnh sự danh dự Việt Nam tại New Caledonia, không chỉ là người gìn giữ tiếng Việt trong cộng đồng kiều bào sở tại mà còn là biểu tượng của tình yêu với văn hóa và cội nguồn dân tộc.

Lãnh sự danh dự Việt Nam tại New Caledonia, ông Đinh Ngọc Riệm, về tham dự chương trình Xuân quê hương 2025 - Ảnh: NAM TRẦN

Sinh ra và lớn lên tại hòn đảo New Caledonia xa xôi, ông Đinh Ngọc Riệm vẫn luôn giữ vững mối dây gắn kết với quê hương qua "gia tài" tiếng Việt mà cha mẹ ông đã truyền lại. Suốt 15 năm cống hiến, ông không chỉ giúp đỡ cộng đồng người Việt mà còn lan tỏa giá trị văn hóa Việt đến thế hệ sau.

Giữ gìn tiếng mẹ đẻ

Cha mẹ ông Riệm rời Việt Nam từ cuối thập niên 1930, mang theo ký ức quê hương đến New Caledonia, một hòn đảo thuộc Pháp nằm trên Thái Bình Dương. Trong gia đình, cha mẹ ông luôn nhắc nhở các con không được quên tiếng mẹ đẻ.

"Mẹ tôi vẫn dặn rằng: Con ơi đừng quên tiếng mẹ đẻ và hãy nhớ về sau dạy cho con cái tiếng Việt", ông Riệm chia sẻ. Cha ông, một người nghiêm khắc, yêu cầu con cái phải duy trì tiếng Việt trong mọi sinh hoạt gia đình.

Ông còn nhớ lại một kỷ niệm vui khi học tiếng Việt. Có người từng bảo với ông rằng "thổi cơm" giờ đây không còn được dùng nữa mà chỉ nói "nấu cơm".

Nhưng trong chuyến về quê, khi thấy người thân thổi lửa nấu cơm bằng rơm, ông mới hiểu tại sao từ "thổi cơm" lại gắn bó với đời sống người Việt.

Dù nói tiếng Việt khá sõi, ông tự nhận mình vẫn "dốt" tiếng Việt vì khả năng đọc và viết còn hạn chế.

"Tôi luôn hối tiếc vì không được học tiếng Việt bài bản khi còn nhỏ", ông tâm sự. Không chỉ vậy, ông Riệm "đi đâu cũng tích cực nói tiếng Việt", dù là khi về quê hay khi gặp người Việt ở nước ngoài.

15 năm đồng hành không mệt mỏi

Năm 2016, ông Riệm được bổ nhiệm làm lãnh sự danh dự Việt Nam tại New Caledonia, đặt trụ sở tại Noumea. Tuy nhiên, tình yêu và sự tận tâm với cộng đồng người Việt đã bắt đầu từ 15 năm trước đó, khi ông không quản ngại khó khăn để hỗ trợ bà con miễn phí.

"Tôi chỉ giúp chứ không bao giờ lấy tiền. Bất kể là người giàu hay người nghèo, ai đến thì tôi đều giúp. Có khi làm giấy tờ cho họ thì tôi còn lỗ vốn, vì phải in ấn giấy tờ thêm", ông chia sẻ.

Tình yêu và uy tín của ông được chính quyền địa phương tôn trọng. Có lần, giữa đêm khuya, cảnh sát gọi cho ông khi phát hiện một người Việt thiếu giấy tờ.

Ông đã giúp đỡ họ tìm nơi ở và hoàn tất thủ tục vào sáng hôm sau. Ông cũng từng giúp nấu cơm cho các ngư dân Việt Nam bị bắt giữ vì đánh bắt hải sâm.

"Họ không quen ăn cơm Pháp, nên tôi tự tay nấu cơm cho bà con", ông nhớ lại.

Hiện tại, ông đang nỗ lực làm việc với Đại sứ quán Pháp để giải quyết vấn đề visa cho lao động Việt Nam tại New Caledonia. Ông cho biết dù được chấp thuận làm việc, nhiều người vẫn gặp trở ngại khi xin thị thực.

Hiện có khoảng 3.000 người Việt sinh sống tại New Caledonia.

Theo ông Riệm, bà con nơi đây không ai nghèo khó. Một nửa trong số đó chưa có quốc tịch Pháp, trong khi một nửa còn lại đã có quốc tịch nhưng lại mong muốn sở hữu hộ chiếu Việt Nam.

Đặc biệt, những người đã có quốc tịch Pháp lại mong muốn sở hữu hộ chiếu Việt Nam để đầu tư bất động sản và trở về quê nhà khi về hưu.

Với tình yêu tiếng mẹ đẻ, ông Riệm đang chuẩn bị mở lớp học tiếng Việt miễn phí tại lãnh sự quán dành cho con em kiều bào. Ông đã nhận được sự hỗ trợ từ Bộ Ngoại giao với 200 cuốn sách tiếng Việt.

"Tôi rất mong được học tiếng Việt hơn nữa, và cũng mong con cái mình sẽ tiếp tục nói tiếng Việt. Tháng sau, tôi sẽ thành lập lớp tiếng Việt cho trẻ em ở lãnh sự. Tôi đã tìm được cô giáo, và trẻ đến đây sẽ được học miễn phí", ông chia sẻ đầy tâm huyết.

Trở về Việt Nam tham dự chương trình Xuân quê hương 2025, ông Riệm cảm thấy xúc động khi gặp gỡ kiều bào từ khắp nơi trên thế giới. Ông tin rằng việc gắn kết cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài sẽ tạo nên sức mạnh để xây dựng quê hương ngày càng vững mạnh.

Mở lớp học tiếng Việt miễn phí

Với tình yêu to lớn và mong muốn gìn giữ tiếng mẹ đẻ, ông Riệm đã quyết tâm thành lập lớp dạy tiếng Việt miễn phí tại lãnh sự quán danh dự cho con em các thế hệ người Việt ở New Caledonia. Để hỗ trợ lớp học, Bộ Ngoại giao đã gửi tặng ông khoảng 200 cuốn sách tiếng Việt.

Kiều bào nhí, nữ giảng viên Lào được vinh danh là Sứ giả tiếng Việt

Những kiều bào và người nước ngoài có đóng góp giúp lan tỏa tiếng Việt khắp thế giới đã được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) vinh danh là Sứ giả tiếng Việt năm 2024.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp