16/08/2013 09:54 GMT+7

Gia tài của mẹ

ĐOÀN BẢO CHÂU - VŨ THỦY
ĐOÀN BẢO CHÂU - VŨ THỦY

TT - Hai mẹ con phải lên viện đúng vào những ngày Sài Gòn mưa gió. Trên cái chiếu ẩm ướt trải ở một góc hiên bệnh viện, cậu bé đen nhẻm ngồi nép bên người mẹ đã rụng hết tóc vì hóa trị ung thư.

Thấm thoắt đã hơn ba năm có lẻ, những cô y tá, thu ngân ở bệnh viện đã quá quen với cái dáng gầy gò của em đi bên cạnh mẹ.

Kỳ 1:

PeU80xkB.jpgPhóng to
Vinh và mẹ ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: Vũ Thủy

Đã có con bên mẹ

Mắc căn bệnh ung thư vú đã hơn bảy năm, vô thuốc hóa trị liên tục khiến đầu tóc trọc lóc nhưng chị Lê Thị Túy (40 tuổi) quê ở xã Hòa Đông, huyện Vĩnh Châu, Sóc Trăng trông vẫn khỏe mạnh.

Trong câu chuyện của chị, cậu con nhỏ Lê Thiện Vinh dù chỉ mới 12 tuổi lại như một chỗ dựa lớn lao nhất giúp chị vượt qua những ngày tháng lăn lóc ở bệnh viện và những cơn đau đớn do căn bệnh quái ác hành hạ.

Suốt ba năm qua, đều đặn mỗi tháng hai mẹ con chỉ ở nhà được nửa tháng, rồi đứa con nhỏ dại lại xách lỉnh kỉnh đồ đạc theo mẹ lên xe đi Sài Gòn.

Những năm tháng tuổi thơ của cậu bé cứ thế trôi đi. Lần lên viện này đúng vào những ngày bạn bè cùng lứa Vinh đang náo nức chuẩn bị nhập học.

Vinh kể nhà em nghèo, chỉ mình bố chạy xe ôm nuôi cả nhà. Tuổi thơ của cậu nhóc không có niềm vui cặp mới, sách mới, quần áo mới như những cô cậu học trò khác. Sách vở của Vinh đều là của thầy cô trong trường cho. Ngồi bó gối trên cái chiếu trải ở góc sân bệnh viện, vẻ mặt cậu học trò chuẩn bị lên lớp 7 có vẻ rầu rầu khi nhắc đến chuyện năm học mới. “Sao con không ở nhà đi học?”.

“Con đi chuyến này với mẹ rồi về đi học cũng được ạ! Con mà ở nhà đi học lấy ai đi với mẹ con” - Vinh trả lời quả quyết khi chúng tôi hỏi.

Thầy Nguyễn Văn Mây, giáo viên chủ nhiệm của Vinh, mới hôm rồi gọi điện nhắc em đi học. Thầy Mây cũng như các thầy cô khác ở trường đều thông cảm với hoàn cảnh của Vinh và rất thương cậu học trò. Mỗi lần vào viện về Vinh lại phải cố gắng học gấp đôi, gấp ba để đuổi kịp chương trình. Nhưng bù lại cậu bé rất thông minh, sáng dạ nên năm nào cũng có giấy khen.

“Thấy nó ham học lại sáng dạ nên mới để cho nó đi học. Chứ cô xem tháng nào cũng theo tôi lên viện mất nửa thời gian rồi, cứ nghĩ cho học nó cũng không theo được” - chị Túy nhìn con trai rơm rớm nước mắt.

Là mẹ, ai chẳng muốn con cũng được đến lớp học hành đầy đủ nhưng khổ quá chẳng biết làm sao. Những ngày ở viện, nếu không có Vinh chăm sóc chắc chị không qua nổi đến giờ. Bệnh của chị lúc vô bệnh viện, bác sĩ nói ung thư đã di căn, chữa trị được đến đâu hay đến đó. Thời gian đầu mỗi lần vào viện chân chị đau không đi nổi.

Lúc đó Vinh mới học lớp 4 lại gầy ốm, nhỏ xíu nhưng vẫn cặp bên nách dìu mẹ đi. Ở tuổi đó Vinh đã làm được rất nhiều thứ để giúp mẹ: từ dìu mẹ đi xét nghiệm, vô thuốc, mua cơm, giặt đồ đến xếp hàng thanh toán viện phí. Người ở bệnh viện đã quen với cảnh hai mẹ con tháng nào cũng dắt díu nhau trải chiếu nằm ở một góc hiên, ai cũng thương. “Nhìn thấy thằng cu là biết mẹ nó lại lên đây rồi” - chị Nguyễn Thị Hằng, cũng đang điều trị ung thư mấy năm nay, kể.

Ở viện Vinh chỉ quanh quẩn bên mẹ, lủi thủi giặt đồ, mua cơm chứ chẳng kiếm đâu được đứa trẻ nào cùng tuổi để làm bạn. Mấy đứa trạc tuổi em cũng nhiều nhưng chỉ theo gia đình lên thăm hay ở hai ba bữa là về. Xung quanh hai mẹ con không biết có bao nhiêu người cũng khổ cực.

Nhiều người cả chục năm nay đi chữa bệnh chỉ có một thân một mình. Vô thuốc xong, đau nhức, ói mửa chỉ biết nằm rên, đi mua cơm cũng phải nhờ người khác mua giùm. Nhìn cảnh người ta như vậy, chị Túy càng thương con. Bé vậy chứ mỗi lần chị vô thuốc, không ăn uống được là con nhỏ ngồi bên vừa an ủi, động viên rồi xoa bóp chân tay để mẹ dễ chịu.

Hôm nay chị Túy cảm thấy trong người khỏe, chị ngồi dựa tường nói chuyện với mọi người xung quanh. Những lúc mẹ khỏe mạnh hiếm hoi thế này, Vinh lại sà vào lòng mẹ, nằm kẹp giữa hai chân mẹ nũng nịu như con mèo con. Chị Túy xoa lưng con, hai mẹ con thủ thỉ nói chuyện. Bình thường Vinh có vẻ rắn rỏi nhưng những lúc thế này cậu nhóc cũng chỉ là một đứa trẻ thích nhõng nhẽo mẹ.

R3SbT1oY.jpgPhóng to
Đi mua cháo cho mẹ - Ảnh: Vũ Thủy

Đàn con hiếu thảo

“Mấy đứa nhỏ nhà đó đứa nào cũng giỏi. Mẹ chúng đau bệnh nên công việc nhà tụi nó lo hết. Bữa nào vô nhà cũng thấy đứa nấu cơm, đứa quét nhà. Mẹ chúng mà đau là cả ba đứa xúm vào phụ xoa bóp” - anh Trần Tiền Giang, hàng xóm nhà Vinh, kể với chúng tôi về ba anh em Vinh. Ở cái ấp Nguyễn Út này, làng trên xóm dưới không mấy người không biết gia đình em.

Vinh lên viện, cha em ở nhà chạy xe ôm kiếm tiền nuôi cả nhà và nuôi mẹ bệnh, anh trai và em gái ở nhà lo việc nhà. “Không có nó đi nuôi mẹ để tui ở nhà chạy xe ôm chắc là cả nhà không cầm cự nổi đến giờ” - anh Lê Thanh Long (50 tuổi - cha Vinh) ngậm ngùi kể.

Gia đình anh giờ chỉ còn trông chờ vào những cuốc xe ôm của anh. Cũng may con còn nhỏ nhưng đã biết nghĩ cho cha mẹ. Mấy năm qua Vinh đã thuộc thời gian mẹ phải lên viện. Ham học, thích đi học nhưng cứ khoảng đầu tháng là biết lo sắp xếp đồ đạc theo mẹ, chưa lần nào thấy cu cậu đòi ở nhà hay tị nạnh với anh lớn.

“Ai cũng bảo tôi rằng mày bệnh mà có phúc. Chồng mày thương, con mày có hiếu” - gương mặt chị Túy rất tươi khi nói câu này.

Chị bệnh đã bảy năm nay, ngày vào viện bác sĩ còn bảo có điều trị cũng chỉ sống thêm 1-2 năm nữa. Vậy mà đến giờ đã hơn bốn năm, chị còn khỏe mạnh hơn lúc mới vào viện rất nhiều.

Ở viện Vinh chăm sóc chị, về nhà chị cũng chẳng làm được bất cứ việc gì, chồng mải miết chạy xe ôm nên việc nhà phó mặc cho ba đứa nhỏ.

Con trai lớn của chị, Lê Thiện An, năm nay 14 tuổi, còn con gái nhỏ lên 10. Mọi việc từ giặt giũ, nấu cơm, quét dọn, sắc thuốc nam cho mẹ hằng ngày ba đứa trẻ thay nhau làm. Có bữa lũ nhỏ để nhà dơ, chị tính với cây chổi quét thì cả ba đứa chạy đến giành. Chúng bảo mẹ: “Mẹ đừng đụng vào, để đấy con quét cho. Mẹ mà quét là lại đau nữa”.

Chúng sợ mẹ đau lắm. Những lúc chị đau nhức thì cả ba đứa thay nhau bóp chân tay đến khi nào mẹ dễ chịu mới thôi. An đi học buổi sáng nhưng 4g sáng đã dậy nấu cơm, về nhà là lo giặt giũ áo quần. Trong ba anh em, cô út Lê Diệu Thịnh được ưu tiên làm ít việc nhất nhưng những lúc hai anh đi học không về kịp hay phải đi phụ cha mò cua xúc tép, em ở nhà chăm mẹ, nấu cơm.

Cả ba anh em Vinh đều quấn quýt mẹ, đi học xong là về với mẹ. Ở viện chăm mẹ, về nhà Vinh cũng bám mẹ không rời. Mẹ nằm ở giường, Vinh nằm dưới chân, mẹ nằm võng, Vinh nằm ngay dưới. Những lúc chị Túy đau nặng, các con phải dìu đi vệ sinh rồi đứng ngay cửa đợi. Nhà chị bây giờ nghèo khó, chị cũng chẳng biết mình còn sống đến ngày nào nhưng nhìn các con hiếu thảo chị vẫn cảm thấy mình là người hạnh phúc. Ba đứa con chính là gia tài quý nhất của cuộc đời chị.

----------------------------------------------

Kỳ tới: Điều kỳ diệu dành cho cha

ĐOÀN BẢO CHÂU - VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp