26/02/2014 08:51 GMT+7

Giá sữa: quản chặt nhưng vẫn nhảy múa

L.THANH
L.THANH

TT - Ngày 25-2 tại Hà Nội, nhiều cửa hàng kinh doanh sữa cho biết giá sữa lại sắp tăng.

BB0h6Fwi.jpgPhóng to
Câu chuyện quản giá sữa nhằm bảo vệ người tiêu dùng vẫn chưa có hồi kết - Ảnh: Thanh Đạm

Trong khi đó, so với mức giá mà doanh nghiệp kê khai với Bộ Tài chính, giá sữa bán lẻ được niêm yết tại nhiều cửa hàng trên thị trường Hà Nội cao hơn tới 30.000-50.000 đồng/hộp, thậm chí có loại lên đến 100.000 đồng/hộp.

Chẳng hạn, giá bán sản phẩm Enfagrow A+ 3 loại 900 gram, dành cho trẻ từ 1-3 tuổi được Công ty Mead Johnson kê khai với Bộ Tài chính là 368.511 đồng/hộp, nhưng giá bán sản phẩm này trên thị trường lên tới 440.000 - 462.000 đồng/hộp, tức là cao hơn giá bán kê khai với Bộ Tài chính 72.000-94.000 đồng/hộp.

Enfagrow A+ 4 loại 900 gram dành cho trẻ từ 3-6 tuổi được kê khai với Bộ Tài chính là 312.543 đồng/hộp, nhưng giá bán trên thị trường cao hơn 58.000-80.000 đồng/hộp...

Lý do giá sữa bán lẻ cao hơn bán buôn nhiều được một chủ cửa hàng bán sữa trên phố Đội Cấn (Hà Nội) giải thích rằng mặt hàng sữa phải qua nhiều tầng nấc phân phối.

Nghĩa là sữa được phân phối từ nhà phân phối, sản xuất rồi xuống tổng đại lý, các đại lý cấp dưới và các cửa hàng bán lẻ. Giá sữa đến tay người tiêu dùng phải gánh đủ các chi phí như vận chuyển, chi phí bán hàng...

Theo Bộ Tài chính, hiện nay bộ chỉ quản lý giá bán buôn của sáu doanh nghiệp kinh doanh sữa chiếm thị phần lớn như Công ty Mead Johnson VN, Công ty TNHH Nestle VN...

Tức là các doanh nghiệp này chỉ chịu trách nhiệm kê khai giá bán buôn tới các tổng đại lý. Còn giá bán lẻ các sản phẩm sữa dưới 6 tuổi của các doanh nghiệp này thuộc thẩm quyền quản lý của các địa phương - nơi có các cửa hàng đại lý hoạt động. Tổng đại lý phải kê khai và chịu trách nhiệm về giá kê khai với sở tài chính địa phương.

Ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia về thương mại, cho rằng sữa là mặt hàng thiết yếu, quan trọng đối với sự phát triển của trẻ em. Cách quản lý mặt hàng này có vẻ chặt chẽ, Bộ Tài chính quản lý giá của sáu doanh nghiệp có thị phần lớn và Bộ Y tế quản lý chất lượng, nhưng thực tế thị trường thì thấy điều ngược lại, giá sữa đang được mua đứt bán đoạn.

“Anh sản xuất, phân phối thì chỉ chịu trách nhiệm giá bán buôn đến tổng đại lý, còn tổng đại lý thì chịu trách nhiệm giá bán cho đại lý cấp dưới... Thế nên, vì lợi nhuận của nhà kinh doanh, các nhà phân phối tha hồ làm mưa làm gió trên thị trường. Thực tế giá sữa đến tay người tiêu dùng cao hơn cả 100.000 đồng/hộp so với giá kê khai với cơ quan quản lý là điều dễ hiểu” - ông Phú nói.

Để người tiêu dùng nắm được và theo dõi giá sữa, ông Nguyễn Anh Tuấn, cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết Bộ Tài chính công khai chi tiết thông tin điều chỉnh giá sữa của doanh nghiệp trên website của Cục Quản lý giá.

Cụ thể, thông tin sản phẩm nào tăng giá với mức tăng là bao nhiêu, áp dụng từ khi nào. Bộ Tài chính cũng vừa báo cáo Văn phòng Chính phủ một số giải pháp để quản lý giá sữa.

Ngoài việc tăng cường kiểm tra, rà soát hồ sơ kê khai giá sữa của doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng UBND tỉnh cần chỉ đạo sở tài chính, chi cục quản lý thị trường, cơ quan công an phối hợp kiểm tra việc kê khai và niêm yết giá sữa của các cửa hàng, đại lý kinh doanh mặt hàng này trên địa bàn.

L.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp