Tàu vào nhận sản phẩm tại cảng của một nhà máy lọc dầu - Ảnh: Thanh Long |
Theo đó, từ ngày 21-5, thuế nhập khẩu dầu diesel cho ôtô, dầu diesel sinh học (B5, B10) chính thức giảm từ 12% xuống còn 10%; dầu nhiên liệu khác cũng áp mức 10% thay vì 13% như trước đó.
Như vậy, liên tục từ tháng 3 đến nay, thuế nhập khẩu dầu diesel giảm mạnh, từ 30% xuống 25%, xuống 12% và từ ngày mai sẽ áp mức 10%.
Trong một diễn biến khác, số liệu thống kê vừa được Tổng cục Hải quan công bố cho thấy tính đến hết 4 tháng đầu năm 2015, tổng lượng xăng dầu nhập khẩu của cả nước là 3,58 triệu tấn, tăng 22,5%.
Đơn giá nhập khẩu bình quân giảm tới 41% so với cùng kỳ năm trước nên trị giá nhập khẩu đạt gần 2 tỷ USD, giảm 28% so với 4 tháng năm 2014.
Đáng chú ý nhất là thông tin về thị trường nhập khẩu mặt hàng này, trong 4 tháng đầu năm nay, có sự chuyển dịch thị trường nhập khẩu xăng dầu. Theo đó, Việt Nam chủ yếu nhập xăng dầu từ thị trường ASEAN.
Cụ thể, lượng xăng dầu nhập từ Singgapo là 1,74 triệu tấn, tăng mạnh 83%; nhập từ Thái Lan là 375 nghìn tấn, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, các thị trường khác thì có tăng nhẹ như Trung Quốc là 572 nghìn tấn, gần 9%, còn Đài Loan thì giảm 15% với 499 nghìn tấn… so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân chính khiến có sự đảo chiều về thị trường nhập khẩu xăng dầu, theo Bộ Tài chính là do từ ngày 1-1-2015, thuế nhập khẩu mặt hàng này giảm mạnh.
Cụ thể lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo các Hiệp định thương mại tự do hàng hóa ASEAN, thuế nhập khẩu xăng từ các nước trong nội khối ASEAN tối đa là 20%, còn dầu diesel không vượt quá 5%.
Bộ Tài chính ước tính lượng xăng dầu nhập khẩu dự kiến các năm 2015, 2016, 2017 bằng với lượng nhập năm 2014 là 7,1 triệu tấn. Và cơ cấu nhập khẩu chủ yếu tập trung vào thị trường ASEAN.
Như vậy, mức giảm thu ngân sách bình quân mỗi năm khoảng 28.253 tỷ đồng khi thực hiện lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu mặt hàng này theo các cam kết quốc tế.
Trong đó, thuế nhập khẩu khoảng 25.162 tỷ đồng; thuế tiêu thụ đặc biệt khoảng 525 tỷ đồng; thuế giá trị gia tăng khoảng 2.566 tỷ đồng.
Tuy nhiên, để bù đắp hụt thu ngân sách, thuế bảo vệ môi trường đã tăng 300% từ ngày 1-5 vừa qua. Theo tính toán của Bộ Tài chính, trong 3 năm (từ 2015-2017), số thu từ thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đạt khoảng 35.579 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 23.720 tỷ đồng/năm so với năm 2014.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận