Quán hủ tiếu Nam Vang Trung Còi ở đường Cao Thắng, quận 3, TP.HCM
Anh Trung - chủ quán hủ tiếu Nam Vang Trung Còi trên đường Cao Thắng, quận 3, TP.HCM - cho biết quán mở cửa trở lại sau khi thành phố cho phép bán hàng mang về từ ngày 1-10 và theo lộ trình, hiện nay quán được bán tại chỗ 50%. Tuy nhiên, do giá nguyên liệu tăng quá nhanh, giá mỗi tô hủ tiếu tại đây phải tăng lên 5.000 đồng/tô, từ 50.000 đồng lên 55.000 đồng.
"Trong các loại nguyên liệu thì chỉ có giá thịt heo tương đối ổn hoặc có chiều hướng giảm. Còn toàn bộ các loại nguyên liệu khác từ rau củ, tôm… đến các loại gia vị đều tăng rất nhiều vì giá xăng tăng. Giá đường trước đây chỉ 27.000 đồng/kg thì nay lên gần 40.000 đồng/kg, tăng khoảng 33%; giá bột ngọt cũng tăng nhiều, lên hơn 30%, nên chúng tôi cũng phải tăng giá bán lên 5.000 đồng/tô", anh Trung thông tin.
Tương tự, một quán phở trên đường Trường Sơn, quận 10 đã tăng giá bán ngay sau khi TP cho phép hàng quán được mở bán trực tiếp, mỗi tô phở tăng từ 5.000-10.000 đồng tùy kích cỡ, giá bán tại đây hiện nay dao động 60.000 - 70.000 đồng/tô.
Bán chỉ được 40% so với trước dịch nhưng giá mỗi tô phở tại quán Trang trên đường Võ Văn Tần, quận 3 cũng phải tăng 10.000-15.000 đồng/tô ngay sau khi mở bán trở lại từ 1-10.
Mỗi tô phở tại đây hiện có giá 90.000-110.000 đồng. "Dù chúng tôi không phải trả chi phí mặt bằng nhưng giá nguyên liệu tăng từ 30-40%, nếu không tăng giá bán thì không còn lời nữa nên đành phải tăng giá", anh Mạnh - chủ quán - trần tình.
Theo anh Mạnh, việc đội giá bán của quán chủ yếu do giá nguyên liệu tăng, những thứ khác như giá nhân công, giá mặt bằng không ảnh hưởng nhiều. "Khách hàng tại các quán chưa đông, hàng quán chưa tuyển thêm người nên giá nhân công không cộng vào giá thành thực phẩm", anh Mạnh nói.
Tại một số cửa hàng bán nhiều món ăn khác nhau, họ chọn tăng giá hoặc giữ nguyên giá tùy thuộc vào nguyên liệu đầu vào tăng hay không. Nhà hàng Hoàng Ty, nơi bán bánh canh Trảng Bàng, cho biết giá bán các phần bánh cuốn giò heo giữ nguyên (phần 2 người ăn) và tăng 5.000 đồng/phần với bánh cuốn thịt bò (phần 2 người ăn), tăng 10.000 đồng đối với phần 4 người ăn. "Do giá thịt bò và nguyên liệu tăng nên chúng tôi có tăng giá", người bán ở đây cho biết.
Tuy nhiên, ghi nhận của Tuổi Trẻ Online cho thấy không phải cửa hàng thực phẩm nào cũng chọn tăng giá bán trong thời điểm này dù giá nhiều nguyên liệu tăng cao.
Nằm ở vị trí mặt tiền đường Sư Vạn Hạnh, quận 10, cửa hàng cơm tấm Chị Hai trước đây mỗi ngày bán khoảng 240 phần cơm tấm, nay bán đắt lắm thì được khoảng 50%, giá mặt bằng lại tăng hơn trước 30% nhưng chị Hai - chủ cửa hàng - cho biết chị vẫn giữ bán giá một phần cơm tấm 30.000 đồng như trước dịch.
"Giá nguyên liệu có cái tăng, có cái giảm. Trong đó thịt heo giảm, thịt gà, cá tăng, rau củ tăng giảm tùy loại. Nhưng hiện nay mỗi ngày chỉ bán được khoảng 40% so với trước, nếu tăng giá nữa thì ai mua, dịch này ai cũng khổ cả nên quán giờ bán cầm cự chờ xem tình hình thế nào", chị Hai nói.
Quán cơm tấm Chị Hai trên đường Sư Vạn Hạnh vẫn giữ giá bán như trước dịch
Tương tự, anh Phúc - chủ một quán bún cá trên đường Sư Vạn Hạnh - cũng cho biết giữ giá bán trước dịch ở mức 35.000 - 45.000 đồng/tô. "Chi phí đi lại, vận chuyển và cả nguyên liệu đều tăng. Hàng của quán đều vận chuyển từ tỉnh vào TP.HCM, các chi phí đội lên nhưng tôi vẫn giữ mức giá như trước vì nếu tăng nữa thì khó có khách. Bán hiện nay chỉ để cầm cự qua dịch thôi, không có lời lãi gì", anh Phúc cho biết.
Nói về việc có tăng giá bán trong thời gian tới hay không, chị Hai - chủ quán cơm tấm - cho biết chị đang chờ tình hình dịch sắp tới như thế nào.
"Tôi chờ học sinh đi học lại, thành phố nhộn nhịp hơn và nếu có tăng giá cũng phải sang năm 2022. Nếu tăng tôi cũng chỉ tăng khoảng 2.000 đồng/phần cơm thôi. Dịch này đã ảnh hưởng đến rất nhiều tầng lớp lao động bình dân, nên việc điều chỉnh tăng giá bán lên nhiều sợ người lao động không kham nổi", chị nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận