27/12/2024 15:25 GMT+7

Giá lúa gạo miền Tây sẽ tiếp tục giảm, vì sao?

Nông dân ĐBSCL đang bước vào thu hoạch vụ lúa thu đông muộn và bước vào vụ lúa đông xuân. Tuy nhiên giá lúa gạo đang giảm mạnh nhất trong 19 tháng qua đã làm nhiều người lo lắng.

Giá lúa gạo miền Tây sẽ tiếp tục giảm, vì sao? - Ảnh 1.

Nông dân huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang thu hoạch lúa vụ thu đông muộn nhưng bị ép giá - Ảnh: PHƯƠNG ĐÔNG

Ngày 27-12, ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, tại cánh đồng lúa thu đông muộn của huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang, nông dân phải méo mặt vì bị "cò" ép giá trước khi thu hoạch lúa vài ngày.

Giá lúa giảm, nông dân lo lắng

Gia đình anh Nguyễn Thành Phúc, ngụ huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang, cho biết gia đình có 1,2ha lúa OM 5451 đã được thu hoạch cách đây 2 ngày. Trước khi thu hoạch khoảng 10 ngày, thương lái đã đặt cọc với giá 8.000 đồng/kg. 

"Tuy nhiên chỉ một hôm sau, họ gọi điện "ép giá" xuống còn 7.800 đồng/kg. Chỉ riêng sự chênh lệch giá trong 10 ngày, nông dân đã mất đi khoảng 1 triệu đồng/công", anh Phúc nói.

Trong khi đó một số hộ dân trên địa bàn huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang cho hay do lúa gặp phải thời tiết xấu nên năng suất giảm hơn so với các vụ trước. Lúa rớt giá, lợi nhuận thấp lại càng thấp hơn, một số hộ có nguy cơ thua lỗ.

Gia đình ông Nguyễn Văn Ghi, ngụ xã Thạnh Yên A, huyện An Biên, cho hay gia đình ông dự kiến 5 ngày tới sẽ thu hoạch 1ha lúa giống HR 182. Tuy nhiên, giá lúa hiện tại chỉ còn 7.200 đồng/kg, giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg so với cách đây 20 ngày.

"Năm trước trung bình mỗi công đạt khoảng 1 tấn lúa. Năm nay tôi dự kiến chỉ đạt khoảng 800kg/công. Chi phí trồng lúa tăng cao, năng suất lúa lại giảm. Dự kiến vụ này, gia đình tôi có lãi thấp, khoảng 20-30 triệu đồng. Còn những hộ thuê đất để làm lúa thì khả năng thua lỗ sẽ rất cao, vì còn chi phí thuê ruộng", ông Ghi lo lắng nói.

Tại An Giang, ông Đinh Thừa Tự, ngụ xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn, An Giang, cho hay vụ đông xuân năm nay gia đình ông sản xuất 5ha lúa, loại giống OM 380. Hiện nay, lúa đông xuân của ông đã trên 1 tháng tuổi. Tuy nhiên, thông tin giá lúa giảm như thời gian qua đã khiến gia đình ông và bà con trong xóm lo lắng nhiều hơn.

"Khu vực này bà con chưa liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ lúa, nên lúc nào cũng ngóng giá lúa từng ngày. Nếu giá lúa thấp dưới 7.000 đồng/kg, nông dân khó có lợi nhuận. Vì giá vật tư nông nghiệp đã tăng, nên chi phí tăng nhiều. Nếu giá lúa dưới 7.000 đồng/kg, chắc chắn nông dân sẽ thua lỗ", ông Tự ngán ngẫm nói.

Giá lúa, gạo sẽ giảm nữa?

Ông Nguyễn Văn Nghĩa - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang - cho biết Kiên Giang đang xuống giống vụ đông xuân 2024-2025 hơn 280.179ha. Dự kiến, vụ đông xuân sớm năm nay sẽ thu hoạch vào tháng 2.

"Về mặt bằng chung, giá lúa hiện nay đang giảm. Tuy nhiên, giá lúa phụ thuộc vào thị trường quyết định, nên có thể hôm nay giảm thì ngày hôm sau tăng thì sao", ông Nghĩa nói.

Còn lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho hay An Giang hiện nay chưa thu hoạch lúa. Lúa thu đông đã thu hoạch xong, trà lúa đông xuân vào giai đoạn làm đòng và trổ bông. Năm 2024, An Giang dự kiến có trên 4,1 triệu tấn. Trong đó lượng lúa chất lượng cao chiếm 85% trong tổng số 230.000ha.

Giá lúa gạo miền Tây sẽ tiếp tục giảm, vì sao? - Ảnh 3.

Sau 19 tháng tăng giá, giá lúa gạo Việt Nam đang giảm khiến nông dân, doanh nghiệp và chính quyền lo lắng - Ảnh: BỬU ĐẤU

"Quan điểm của sở là vận động bà con nông dân tích cực tham gia liên kết với doanh nghiệp để cùng có lợi. Tuy nhiên, hiện nay do nhiều yếu tố mà một số nơi chưa liên kết với doanh nghiệp được. Vì vậy, giai đoạn lúa rớt giá thì nông dân sẽ lo lắng nhiều hơn", vị này nói.

Ông Đinh Minh Tâm - giám đốc Công ty TNHH Cỏ May (Đồng Tháp) - cho biết đơn vị chuyên xuất khẩu gạo ST25 đi các nước châu Âu và các thị trường khó tính. Ngoài ra, đơn vị còn cung ứng các chuỗi siêu thị, cửa hàng gạo khắp cả nước.

Hiện nay giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam khoảng 485 USD/tấn, thấp hơn gạo Thái Lan. Tuy nhiên dù giá nào đi nữa nhưng xuất khẩu gạo hiện nay của Việt Nam đang ít đơn hàng, không có đối tác. Trước đây, giá lúa gạo Việt Nam tăng mạnh là do thiếu nguồn cung của Ấn Độ. Từ khi Ấn Độ mở cửa từ tháng 10 đến nay giá lúa gạo xuất khẩu và gạo trong nước gần như đã trở lại trạng thái cũ.

"Trước khi Ấn Độ cấm xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của chúng ta chỉ 400 USD/tấn, còn bây giờ dao động hơn 485 USD/tấn. Giá lúa phải trở lại trạng thái bình thường mới, chứ không thể so với năm 2023 theo kiểu tăng bất thường được. Các nước dự trữ lương thực nhiều, bây giờ họ chưa cần thiết phải mua mà phải bán ra, nên cuộc chơi lúc này có nhiều người bán gạo. Bây giờ mình phải chấp nhận cuộc chơi và phải tuân thủ quy luật thị trường", ông Tâm nói.

Giá lúa gạo miền Tây sẽ tiếp tục giảm, vì sao? - Ảnh 5.Gạo Việt Nam xuất khẩu rớt giá kỷ lục lần đầu tiên sau 2 năm

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo Việt Nam xuất khẩu loại 5% tấm giảm đến 17 USD, chỉ còn 485 USD/tấn. Mức giá khoảng 500 USD/tấn đã 'tạm chia tay' gạo Việt sau gần 2 năm ổn định trên thị trường.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp