Chưa đầy một tháng qua, giá hồ tiêu trong nước đã tăng từ 100.000 đồng/kg lên trên 140.000 đồng/kg. Doanh nghiệp nhận định giá tiêu sẽ tiếp tục đà tăng và có khả năng quay lại đỉnh lịch sử 220.000 đồng/kg đã thiết lập năm 2015.
Giá hồ tiêu tăng vọt trong thời gian ngắn
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, ngày 5-6 giá hồ tiêu thu mua ở các vùng trọng điểm như Tây Nguyên, Đông Nam Bộ đang dao động ở mức 142.000 đồng/kg.
Đà tăng giá của hồ tiêu rất nhanh. Giữa tháng 5-2024, giá hồ tiêu loanh quanh mốc 100.000 đồng/kg, nhưng chỉ khoảng 20 ngày sau đã vọt lên 142.000 đồng/kg.
Đây được coi là mức giá rất cao trong nhiều năm trở lại đây. Nhìn rộng ra, nếu so với thời điểm đầu năm 2023, giá hồ tiêu 55.000 đồng/kg, thì hiện nay giá đã tăng gần gấp 3 lần.
Dù giá tiêu đang trên đà tăng, rất ít nông dân Tây Nguyên lao vào trồng mới, họ chỉ trồng thăm dò diện tích nhỏ, trồng thay thế cây chết.
Từng có 2.000 gốc tiêu nhưng bỏ vườn vì thua lỗ và dịch bệnh, hai năm gần đây ông Lê Đình Nguyên (45 tuổi, trú huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) mới trồng lại 100 gốc xen trong rẫy cà phê.
Theo ông Nguyên, để hấp dẫn người dân quay lại với hồ tiêu, giá phải giữ ổn định ở mức 150.000 đồng/kg. Với mức giá này người trồng tiêu mới đảm bảo có lời để mạnh dạn đầu tư vì hồ tiêu là loại cây cần vốn lớn, dễ bị ảnh hưởng nấm bệnh và thời tiết.
Có yếu tố đầu cơ?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Hoàng Phước Bính - phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, Gia Lai - cho hay giá tiêu tăng nhanh gần đây do tác động của yếu tố đầu cơ.
Theo ông, hiện giá thế giới đang tăng, giá nội địa thấp hơn thế giới nên nhiều đại lý nhỏ lẻ đang găm giữ hàng và đẩy giá lên. Ông Bính nói lịch sử trước nay chưa khi nào giá hồ tiêu Brazil cao hơn Việt Nam nhưng vừa qua điều này đã thay đổi.
Ông Bính nhận định hồ tiêu đang bước vào chu kỳ tăng giá và sẽ tiếp tục tăng cao bởi cung không đủ cầu.
Được biết, đỉnh giá hồ tiêu lập năm 2015 ở mức 220.000 đồng/kg rồi lao xuống đáy còn 34.000 đồng/kg vào năm 2020. Sau chu kỳ 5 năm, giá hồ tiêu đang quay đầu tăng trở lại.
Nguyên nhân Việt Nam là nước xuất khẩu hồ tiêu chủ lực, chiếm 60% sản lượng xuất khẩu toàn thế giới nhưng diện tích, sản lượng những năm qua liên tục giảm. Cùng với đó, các nước trồng hồ tiêu hàng đầu như Brazil, Indonesia cũng mất mùa do biến đổi khí hậu.
Nguồn cung còn thiếu hụt dài hạn
Theo ông Bính, dù đang sốt giá nhưng nông dân Tây Nguyên chưa mặn mà quay lại với hồ tiêu. Nhiều bà con vẫn còn ám ảnh vì từng thua lỗ nặng, nợ nần vì cây trồng này trong quá khứ.
Ngoài ra, mấy năm nay cà phê, sầu riêng được giá nên những diện tích hồ tiêu chết đã được chuyển đổi sang cây trồng mới. Do đó, sự thiếu hụt nguồn cung trên thị trường sẽ còn kéo dài, trở thành tác nhân đẩy giá lên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận