Hình minh họa |
Đó là chia sẻ của bạn đọc Ninh (ninhlapthinh@...) sau khi đọc bài viết Cô giáo con tôi: “Xin phụ huynh đừng cho con học thêm” (Tuổi Trẻ 28-10).
Về chuyện học thêm, dạy thêm bạn đọc Ninh kể về nỗi khổ của một đứa cháu: Hiện tại, tôi có đứa cháu gái học lớp 1 học ở trường từ sáng tới 4 giờ chiều. Từ 5 giờ chiều tới 7 giờ tối học ở nhà cô, về nhà cô giao cho bài tập vừa ở lớp vừa bài học thêm. Thế là ăn cơm xong 8 giờ tối lại phải học tới 10 giờ đêm có khi còn chưa xong Hai mẹ con như đánh vật với bài vở.
"Xin người có trách nhiệm tính giùm xem em bé 6 tuổi này phải làm việc bao nhiêu tiếng 1 ngày?", bạn Ninh viết.
Lý giải về chuyện vì sao con trẻ cứ phải đi học thêm, bạn đọc Ngô Quốc (ngoquockg64@...) viết: Không học thêm thì bị cô giáo cho điểm kém. Có học thêm thì có điểm tốt. Nhà nước nên quyết tâm xóa bỏ nạn dạy học thêm để cho trẻ em có thời gian tự học.
Bạn đọc A.10 (tiendatteo@...) cũng kể về câu chuyện của con mình: Con tôi năm trước học lớp 4 cũng vất vả lắm. Năm lớp 3 cháu là học sinh giỏi, thế mà qua đầu năm lớp 4 học không biết gì... Các vị phụ huynh khác thì có tiền và tâm lý: "nên đề nghị cô giáo dạy thêm ở nhà để có điều kiện... bổ sung ngân sách cho cô giáo.
Riêng tôi thì thật khổ. Đi làm 5 giờ về phải rước thằng nhỏ.., chờ đến 5h30 thì rước luôn thằng anh học lớp 11, về tới nhà là 6g45 (kể cả ghé quán ăn cơm phần). Tất bật về nhà cho thằng nhỏ tắm táp rồi lại chở ra nhà cô giáo.
Việc tiền nong thì mình không ngại, có điều không có thời gian nghỉ ngơi...riết rồi cũng bực...
Cũng may... phòng Giáo dục ở địa phương tôi kịp thời ngăn chặn... nên thời gian về cuối không phải đi học thêm nữa...
Cũng có loại cô giáo đến trường thì không dạy nhiệt tình, nhưng về nhà thì dạy hăng lắm!
Bạn đọc XP (oxuanphuong@...) bày tỏ: Trăm ngàn cô giáo chắc chỉ còn có một cô giáo này thôi. Tôi thật ngưỡng mộ cô, Cô đúng là một nhà giáo thật sự yêu nghề. Thiết nghĩ nên đưa cách dạy và học này vào chương trình vì qua đó các em còn được rèn luyện nhân cách. Tôi nghĩ lúc đó tự các em sẽ rất kính yêu và tôn trọng thầy cô của mình. Lúc đó tự các em sẽ biết tôn sư trọng đạo là gì.
Bạn đọc Minh Đức (minhductran@...) cùng chung chia sẻ: "Mong là có nhiều tấm gương thầy cô giáo có những tư vấn thực tế, hành động cụ thể như vậy! Nếu không cứ bắt các em phải "kéo cày" từ sáng đến tối, từ chính quy đến học thêm, học ngoai ngữ... có khi phải "tăng ca" luôn cả ngày thứ 7, chủ nhật với tinh thần "học, học nữa, học mãi" mà không có thời gian vui chơi, giải trí... thì khi lớn lên các em sẽ không muốn "cho tôi xin một vé đi tuổi thơ"!
Với bạn đọc Bùi Minh Nhựt (Thanhsen1963@....) thì: "Một tấm gương sáng của ngành giáo dục và tôi tin rằng còn có rất nhiều thầy cô giáo như thế, cần được ngành giáo dục và xã hội vinh danh, ghi nhận để lấn át những cái xấu đang làm mất đi hình ảnh đẹp của những nhà mô phạm.
Xin mọi người hãy đến các vùng sâu vùng xa Đừng nghĩ rằng giáo viên ở đâu cũng dạy thêm để lấy tiền. Giáo viên vùng sâu vùng xa còn bỏ tiền lương ra mua thêm bút, vở, đồ dùng học tập của các em là chuyện thường. Chỉ mong cho các em đến trường đi học là tốt chứ không mơ màng đến tiền bạc. Các thầy cô còn phải đến từng buôn bản từng nhà vận động các em đi học mà vì chương trình dạy và học thì chung cả nước vùng thành thị các em học như thế còn ở vùng sâu vùng xa là thế. Chỉ mong sao chương trình đừng quá nặng như hiện nay khiến các em vùng khó khăn không thể theo kịp, rồi chán nản bỏ học. Khi đó lại khổ thêm cho thầy cô vùng sâu vùng xa. |
Bạn Minh Nhựt viết: Đọc bài viết này; những thầy cô giáo nào bớt xén bài dạy trên lớp, o ép học sinh phải học thêm với mình bằng mọi giá hãy suy nghĩ lại: cái được về vật chất không thể đánh đổi bằng phẩm giá của nhà giáo, như ông bà ta đã từng dạy "Nghèo cho sạch, rách cho thơm". Hãy để cho các em ngoài việc học trên lớp còn thời gian vui chơi, giải trí, gần gũi gia đình để phát triển toàn diện thể chất và nhân cách của mình!"
Bạn đọc Mạnh Lý (lythemanh@...) chia sẻ: Phụ huynh chúng tôi thấy lạc quan hơn vì còn có những cô giáo tận tâm, có lòng như cô giáo trong bài viết. Cảm giác đọc xong thấy vui quá.
Cùng chung cảm giác là bạn đọc Giang (giang - songdai.qh@...): Rất xúc động! Và rất vui, vì... có người cũng giống mình! Mình không phải là ĐỒ GÀN. Tôi dạy Văn lớp chín gần ba mươi năm, lớp phải thi tốt nghiệp rồi lại tuyển vào lớp mười , nhưng tôi cũng không hề mở lớp dạy thêm dù nhà tôi rất gần trường, thừa điều kiện, phụ huynh cũng hay hỏi cho con học. Song, tôi đều trả lời rằng các cháu không cần phải học thêm, chỉ học những gì tôi đã dạy ở lớp là đủ. Và thật thế, các em chỉ học những gì tôi dạy trên lớp là đủ điểm vào lớp mười!
Bạn đọc vanthu6868@... viết: Câu chuyện này trong thời buổi cơm áo gạo tiền sao nghe nó quá thân thương, xoa dịu đi bao căng thẳng, mệt nhọc của phụ huynh và học sinh. Cảm ơn cô giáo và phụ huynh người viết bài này, đã đem lại cho những người giáo viên đứng lớp và mỗi phụ huynh cần có các nhìn đúng hơn về việc dạy bảo con trong học tập và ứng xử với mọi người. Rất cần nhiều bài viết như thế này để cho môi trường giáo dục có thêm nhiều điều mới.
Bạn đọc Lê Ngọc (lengocmung@...) đề nghị: Mong là các thầy cô chuyền nhau bài viết này để cùng suy ngẫm và hành động vì tương lai nền giáo dục nước nhà.
Bạn đọc Nguyễn Thúy An (ngthuyan14@...) bày tỏ: Đọc mà cảm động và vui mừng quá chừng. Cô giáo dễ thương và tận tâm quá. Cảm ơn phụ huynh đã chia sẻ bài viết để biết là còn có 1 cô giáo tuyệt vời như vậy.
Bạn đọc Cao (buicaovan@...) viết nên những lời cảm ơn: Tôi thật cảm động trước tình cảm trong sáng giữa cô - trò, cảm ơn cô giáo đã gieo mầm tốt cho xã hội. Dạy học không chỉ dạy kiến thức khoa học đơn thuần, mà phải dạy cách làm người, dạy đạo làm trò làm con và làm công dân tốt cho xã hội.
Bạn đọc Cao kết luận: Muốn có một nền GD tốt, thế hệ trẻ tươi sáng thì phải quan tâm nhiều đến GD, đặc biệt là cần có nhiều nhà giáo có tâm đức tốt. Hãy " không đánh cắp" tuổi thơ của các em. Hãy để các em vừa học vừa chơi theo lứa tuổi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận